Cụ bà Phú Thọ 94 tuổi vẫn bổ củi, đi chợ mỗi ngày, tính tiền chưa bao giờ sai

DIỆU THUẦN - Ngày 01/06/2024 13:48 PM (GMT+7)

Ở tuổi 94, cô giáo Nguyên vẫn có làn da hồng hào, mắt sáng, ít bị bệnh vặt. Điều đặc biệt, bà vẫn còn có thể chẻ củi, đi chợ mua đồ, tính toán không sai khi trả tiền cho người bán.

94 tuổi chưa một lần phải đến bệnh viện khám bệnh

Mới đây, một tài khoản mạng xã hội tên Phương Lê đã chia sẻ hình ảnh 3 cụ bà tóc bạc trắng, cười tươi và “làm điệu” để cháu gái chụp hình. “Các cụ năm nay U100 cả rồi, mà vẫn còn khỏe, đỡ đần con cháu nhiều lắm. Nội tôi năm nay 94 tuổi rồi mà vẫn bổ củi đều từng nhịp”, Phương giới thiệu. Nhìn hình ảnh các cụ bà cười tươi chụp hình bên nhau, làn da vẫn nhuận hồng ai cũng ngưỡng mộ.

Cụ bà Phú Thọ 94 tuổi vẫn bổ củi, đi chợ mỗi ngày, tính tiền chưa bao giờ sai - 1Hình ảnh 3 cụ bà chơi thân với nhau từ ngày còn trẻ được Phương Lê chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh: Phương Lê.

Hình ảnh 3 cụ bà chơi thân với nhau từ ngày còn trẻ được Phương Lê chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh: Phương Lê.

Trao đổi với chúng tôi ngày 31/5, Phương cho biết, bà nội cô tên Đào Thị Nguyên (bà còn có tên gọi khác là Chi), năm nay 94 tuổi, ở huyện Tam Nông, Phú Thọ. Thời kháng chiến chống Pháp, bà là một dân công hỏa tuyến, được Nhà nước tặng bằng khen. Khi nước ta giành được độc lập, bà về địa phương làm giáo viên ở các lớp bình dân học vụ…

Nhóm bạn của bà Nguyên gồm 5 người, đều hơn 90 tuổi. Họ là anh chị em, hàng xóm của nhau, đã duy trì mối quan hệ thân thiết từ ngày còn trẻ. “Các ông các bà hầu như hôm nào cũng gặp nhau. Có gì cũng mang cho nhau ăn. Có câu chuyện nào mới các cụ cũng chuyện trò, tâm sự rồi bàn luận với nhau. Buổi tụ họp nào nếu thiếu vắng một người là các cụ nhắc. Hay hôm nào vì bận việc không thể gặp nhau, các cụ bồn chồn khó chịu. Nhiều khi tôi nói vui với các ông cụ: “Cụm camera chạy bằng cơm uy tín nhất xóm”, cháu nội bà Nguyên chia sẻ.

Nói về sức khỏe của bà nội, Phương cho biết, dù năm nay đã bước sang tuổi 94, bà Nguyên vẫn có sức khỏe tốt, ít bị bệnh vặt. Có chăng chỉ vì đã lớn tuổi, mắt bà hơi mờ, thi thoảng trái gió trở trời thì bị cảm, ho nhẹ nhưng uống thuốc, nghỉ ngơi là hết. “Ơn trời! từ ngày còn trẻ đến giờ, nội tôi không mắc căn bệnh nào cần phải đi bệnh viện. Chúng tôi hay nói đùa với bà: “Cụ còn khỏe hơn thanh niên. Nay mai chúng con làm gì được như cụ”, Phương tự hào chia sẻ.

Không bao giờ để chân tay ngơi nghỉ

Phương cho biết, bà Nguyên thuộc người “không để chân tay ngơi nghỉ”. Hiện đã 94 tuổi, mỗi ngày bà vẫn nấu cơm, cho gà ăn, đi hái củi, quét sân, đi chợ mua đồ ăn giúp con dâu. “Bà tôi lớn tuổi rồi mà tính toán vẫn rất cẩn thận, đừng ai lừa được của bà một đồng”, Phương nói vui.

Ở tuổi 94, bà Nguyên vẫn nấu ăn, đi nhặt củi giúp con. Ảnh: Phương Lê.

Ở tuổi 94, bà Nguyên vẫn nấu ăn, đi nhặt củi giúp con. Ảnh: Phương Lê. 

Lẽ tất nhiên, con cháu ai cũng muốn bà được nghỉ ngơi, an nhàn tuổi già. Nhưng vì thấy bà được làm việc sẽ vui vẻ, ăn ngon, ngủ ngon hơn nên ai cũng đồng ý để bà có thể làm những gì mình thích. Tuy nhiên, các con cháu trong nhà sẽ thay phiên nhau để ý đến bà, nhất là vào ban đêm.

“Từ ngày xưa, bà tôi đã vất vả, phải lao động quen rồi. Giờ bà ngồi không lại thấy buồn chân tay. Gia đình tôi để bà làm những gì bà thích, kiểu như để bà “làm vì đam mê”. Bà cũng thương con, thương cháu nên muốn đỡ đần thêm. Cả nhà tôi đều rất tự hào về điều đó và luôn biết ơn bà. Thực sự là “một mẹ già bằng 3 lần giậu””, Phương tự hào kể về bà nội của mình.

Phương cho biết, cô được sống với bà nội tự nhỏ nên được chứng kiến những câu chuyện của bà, những việc bà làm. Bây giờ bà đã lớn tuổi, cô tự thấy mình có “trách nhiệm” trân trọng và lưu giữ tình cảm với bà. Phương đang lên kế hoạch, mỗi ngày sẽ chụp lại những khoảnh khắc đời thường của bà nội chia sẻ lên trang cá nhân làm kỷ niệm.

“Mỗi cái ảnh của bà trên trang cá nhân, tôi đều gọi bà bằng cái tên: Nàng Thơ. Xem ảnh của bà rất nhiều người thích. Nhiều người còn để lại bình luận chúc sức khỏe của bà, tôi sẽ lần lượt đọc cho bà nghe. Nghe xong, bà rất vui vì bản thân đã lớn tuổi mà vẫn có thể kết nối với mọi người trên mạng xã hội”, Phương chia sẻ. Cô cũng cho biết, nhờ chia sẻ hình ảnh của bà lên mạng xã hội, bà Nguyên đã có thể kết nối được với họ hàng, người quen, học trò ở xã.

Phương chụp ảnh cũng bà nội. Ảnh: Phương Lê.

Phương chụp ảnh cũng bà nội. Ảnh: Phương Lê.

Luôn sống vui vẻ, lạc quan, hòa đồng với mọi người

Nói về bí quyết sống khỏe của nội, tôi nghĩ nội không có bí quyết gì cao siêu cả, đó đơn giản là luôn sống lạc quan, tích cực. Bà duy trì các thói quen lành mạnh như đi ngủ sớm, dậy sớm, tắm nước ấm, ngày nào cũng gặp “hội chị em” để “buôn” chuyện”, Phương chia sẻ.

Bà Nguyên cũng giữ mối quan hệ hài hòa với hàng xóm, đồng nghiệp. Với các con cháu, bà luôn dành sự quan tâm, tình yêu thương. Bà cũng giữ mối quan hệ tốt đẹp với con dâu suốt mấy chục năm qua.

“Hơn nữa, việc được con cháu quan tâm cũng rất cần thiết với bà. Như mẹ tôi, đi chợ về lúc nào cũng mua quà bánh cho bà ăn. Biết bà thích ăn trầu mẹ tôi không lúc nào để bà hết. Tôi và những người cháu khác của bà, đi đâu xa cũng mua quà về cho bà. Hay mỗi khi rảnh, chị em tôi lại nằm cùng bà tâm sự, thủ thỉ với nhau đủ chuyện. Tôi nghĩ, đây là yếu tố then chốt để bà có cuộc sống chất lượng”, Phương chia sẻ.

Về ăn uống, do sống ở quê bà Nguyên ăn chủ yếu rau củ quả, cá, thịt, trứng do nhà tự sản xuất được. Mấy năm qua, cơ hàm yếu hơn, răng cũng yếu và dần rụng, bà Nguyên chủ yếu ăn các món mềm như trứng, đậu, thịt băm, cá/thịt kho mềm nhừ…

Về tập luyện, từ ngày còn trẻ đến nay, bà Nguyên không áp dụng môn tập nào cho bản thân. Thay vào đó, ngày nào bà cũng làm việc nhà như cho gà ăn, băm rau gà, đi nhặt củi, đun ấm nước hay chẻ củi giúp con.

Bà Nguyên và 2 người bạn chơi chung nhóm nhận được bằng khen mừng thọ của địa phương vào năm 2021. Ảnh: Phương Lê.

Bà Nguyên và 2 người bạn chơi chung nhóm nhận được bằng khen mừng thọ của địa phương vào năm 2021. Ảnh: Phương Lê.

Các nghiên cứu được thực hiện tại Úc, Phần Lan Mỹ đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tuổi thọ và tinh thần lạc quan. Trong đó, một nghiên cứu năm 2019 cho thấy cả nam và phụ nữ có mức độ lạc quan cao thường sống lâu hơn 11% đến 15% so với những người ít suy nghĩ tích cực. Trên thực tế, những người lạc quan có thể sống đến 85 tuổi hoặc hơn.

Theo TS.BS tim mạch Alan Rozanki, thành viên nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu y khoa Berghofer (Úc), những người lạc quan thường có sức khỏe tốt và hạnh phúc hơn. Đặc biệt chức năng trao đổi chất tốt hơn, ít bị kháng insulin, viêm nhiễm. Những người lạc quan thường duy trì lối sống tích cực, năng vận động lại ít hút thuốc hơn, ít lạm dụng rượu bia, có chế độ ăn uống hợp lý nên có trọng lượng cơ thể ở ngưỡng tốt… Những đặc điểm này chính là chìa khóa cho sức khỏe và tuổi thọ mà mọi người nên học tập.

Các nghiên cứu cũng cho thấy sống lạc quan giúp cải thiện sức khỏe thể chất nói chung. Tinh thần tốt có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, thúc đẩy thói quen tập thể dục, cải thiện sức khỏe tim mạch, hệ thống miễn dịch, chức năng phổi và giảm nguy cơ tử vong.

Cách ăn uống giúp cụ bà 106 tuổi sống khỏe
Trung Quốc - Ở độ tuổi 106, cụ Lâm, sống tại Giang Tô, sở hữu làn da hồng hào, khỏe khoắn, nhờ thường xuyên ăn các chất bổ dưỡng và sống vui vẻ.

Sống thọ

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thói quen có lợi