Cứ quan hệ tình dục lại bị đau đớn tới mức tê liệt toàn thân, cô gái trẻ nhiều năm phải từ bỏ "chuyện ấy" cho tới khi biết được nguyên nhân thực sự.
Emma Maxwell, 21 tuổi đến từ New Hampshire, Mỹ, cho biết mỗi khi quan hệ tình dục, cô bị đau ở lưng và bụng dữ dội. Điều này ám ảnh Emma đến mức chỉ cần nghĩ tới tình dục, cô cũng thấy đau đớn.
"Thật khó khăn bởi vì tôi muốn được 'yêu' nhưng lại sợ. Tôi đã phải loại bỏ tình dục ra khỏi cuộc sống trong một thời gian dài. Điều đó nhiều lúc khiến tôi cảm thấy mình không còn giống một người phụ nữ", Emma nói.
Không chỉ phải chịu những cơn đau khi quan hệ, Emma còn thường xuyên trải qua cảm giác khó chịu đó mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Kể từ năm 13 tuổi, Emma đã phải đối mặt với tình trạng chảy máu nghiêm trọng, đầy hơi, chuột rút, đau lưng và kiệt sức khiến cô phải nằm liệt giường trong 7 ngày "đèn đỏ".
Emma Maxwell (bên phải) cứ quan hệ tình dục lại cảm thấy đau đớn tới mức tê liệt.
15 tuổi, Emma đi khám nhưng kết quả chụp MRI và siêu âm không thấy gì bất thường. Bác sĩ cho rằng những gì cô trải qua là điều bình thường của kinh nguyệt. Suốt 3 năm, Emma được kê hơn 10 loại thuốc tránh thai khác nhau để giảm bớt các triệu chứng khó chịu nhưng cơn đau chỉ trở nên trầm trọng hơn. Emma chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng bị đau cứ như đang mang bầu 6 tháng và cũng không ăn uống được."
Năm 17 tuổi, sau khi tự tìm hiểu thông tin trên Internet, Emma phát hiện các triệu chứng của cô giống với triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung - một tình trạng mà các tế bào nội mạc tử cung được tìm thấy ở bên ngoài tử cung ví dụ như buồng trứng và ống dẫn trứng. Nhưng khi Emma nói điều này với bác sĩ, họ lại phủ nhận.
Năm 2018, Emma đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích, sau đó được kê đơn thuốc. Thật không may, cơn đau vẫn ngày càng tồi tệ và Emma dần bị trầm cảm.
Nguyên nhân cho sự đau đớn khi quan hệ và mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt của Emma là do căn bệnh lạc nội mạc tử cung.
Vào năm 2019, Emma bị đau vùng chậu nên đi khám phụ khoa. Lúc này mọi vấn đề đều đã có một lời giải thích. Bác sĩ nghi ngờ Emma bị lạc nội mạc tử cung và tình trạng này không dễ nhận thấy bằng phim chụp cắt lớp mà cần phẫu thuật nội soi mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.
"Cuộc phẫu thuật diễn ra hai tuần sau đó đã chứng minh rằng tôi thực sự bị lạc nội mạc tử cung. Các tế bào niêm mạc đã lạc tới ruột, buồng trứng, tử cung và thành bụng và chúng còn kết dính lại với nhau. Đó là lý do tại sao tôi bị táo bón khá nặng vì ruột của tôi bị gấp khúc và xoắn lại do lạc nội mạc tử cung", Emma nói.
Sau khi được chẩn đoán bệnh, Emma đã trải qua một cuộc phẫu thuật để loại bỏ các tế bào nội mạc đi lạc nhưng tình trạng của cô cũng chỉ cải thiện một phần nhỏ, cô vẫn bị đau và thường chống gậy khi ra ngoài.
Emma vẫn muốn chia sẻ trải nghiệm của mình để giúp những người khác gặp tình trạng giống cô có thể tìm ra được hướng giải quyết cho bản thân.
Emma hiện vẫn phải chống gậy khi đi lại do những cơn đau vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.
Lạc nội mạc tử cung là bệnh gì?
Thông thường các tế bào nội mạc tử cung (là loại mô hình thành nên lớp niêm mạc tử cung) phát triển bên trong tử cung để chuẩn bị cho sự rụng trứng. Tuy nhiên khi các tế bào nội mạc trong lòng tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung và lấn ra ống dẫn trứng sẽ gây nên bệnh lạc nội mạc tử cung. Những mô phát triển không đúng này vẫn hoạt động như các mô tử cung bình thường, điều này có nghĩa là chúng sẽ bị bong ra và chảy máu trong chu kì kinh nguyệt.
Tuy nhiên, do chúng phát triển bên ngoài tử cung, máu không thể chảy ra ngoài cơ thể mà bị tích lại, gây ra chảy máu bên trong và nhiễm trùng, dẫn đến nhiều triệu chứng khác, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như tắc ống dẫn trứng.
Lạc nội mạc tử cung có thể phát triển bất cứ nơi nào trong cơ thể, nhưng chúng thường xuất hiện ở vùng chậu. Chúng có thể ảnh hưởng đến: buồng trứng, ống dẫn trứng, các hạch bạch huyết.
Triệu chứng chính của bệnh lạc nội mạc tử cung là xuất hiện những cơn đau vùng chậu trong thời kì hành kinh và cơn đau ngày càng nặng theo thời gian. Một số dấu hiệu và triệu chứng khác thường gặp của bệnh bao gồm:
- Đau trong kỳ kinh nguyệt: đau vùng chậu và chuột rút có thể xảy ra từ trước khi “đèn đỏ” bắt đầu và kéo dài vài ngày trong cả kì kinh. Ngoài ra bạn cũng có thể bị đau lưng, đau bụng.
- Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục;
- Đau khi đại tiện, tiểu tiện trong kì kinh nguyệt;
- Thời gian hành kinh có thể kéo dài hơn hoặc bị chảy nhiều máu hơn;
- Mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi hoặc buồn nôn, đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt;
Mức độ của các cơn đau diễn ra tùy từng người, có người sẽ bị đau dữ dội nhưng cũng có người lại đau ít hay thậm chí không hề đau.
Các dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm vùng chậu hoặc u nang buồng trứng.