Ai cũng thích có làn da trắng nhưng nếu trên cơ thể có 4 khu vực này chuyển màu trắng, bạn nên cảnh giác vì đó là dấu hiệu sức khỏe có vấn đề. Nếu không kịp thời xử lý sẽ rút ngắn tuổi thọ.
Trước đây trình độ y học có thể chưa phát triển cao nên nhìn chung sống đến 40 hay 50 tuổi được coi là sống lâu. Cùng với sự phát triển của xã hội và sự nâng cao của mức sống, trình độ chăm sóc y tế cũng ngày càng phát triển nên tuổi thọ trung bình hiện nay đã vượt quá 70 tuổi, một số người cao tuổi còn sống tới hơn 100 tuổi.
Muốn biết bản thân có phải là người có sức khỏe tốt, tuổi thọ cao hay không chỉ cần nhìn vào cơ thể, diện mạo cũng có thể ngầm đoán ra được. Bạn có thể nhìn vào 4 bộ phận này trên cơ thể để dự đoán tương lai sẽ sống thọ hay đoản mệnh. Những người có tuổi thọ “ngắn” thì 4 vị trí trên cơ thể có thể bị biến thành màu trắng.
1. Môi trắng bệch
Muốn biết tuổi thọ dài hay ngắn, bạn có thể quan sát đôi môi. Trong trường hợp bình thường, nếu cơ thể tương đối khỏe mạnh thì đôi môi của bạn phải hồng hào, tươi tắn, căng mọng nhưng nếu có một số bệnh hoặc thiếu khí và huyết thì môi có thể trắng bệch.
Ngoài ra nếu gan, thận bị tổn thương cũng dễ khiến môi có vẻ trắng bệch. Vì vậy, một khi phát hiện môi trắng bệch thì bạn phải cảnh giác và kịp thời kiểm tra gan thận sớm. Nếu để bệnh gan, thận kéo dài mà không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ.
2. Móng tay trắng
Trong cuộc sống hàng ngày, muốn biết sức khỏe có thay đổi tốt hay xấu thì bạn cũng có thể quan sát móng tay. Nếu cơ thể của một người tương đối khỏe mạnh hoặc có cơ địa sống lâu thì móng tay thường có màu hồng và khá nhẵn.
Nếu trong người có bệnh, móng tay có thể chuyển sang màu trắng. Móng tay màu trắng còn là dấu hiệu điển hình của thiếu máu. Nếu trường hợp thiếu máu kéo dài quá lâu, hay quá nghiêm trọng thì không những móng có màu sắc trắng bệch mà còn giòn, dễ gãy, hình dáng móng sẽ thay đổi ví dụ như bị lõm xuống giống như một cái muỗng.
3. Lòng bàn tay và bàn chân trắng
Thông thường, một người khỏe mạnh thì lòng bàn tay và lòng bàn chân sẽ ấm áp và hồng hào. Điều này chứng tỏ máu được lưu thông thuận lợi tới các bộ phận trên cơ thể.
Nhưng một khi lòng bàn tay, lòng bàn chân trắng bệch thì rất có thể người đó gặp vấn đề về tuần hoàn máu. Tình trạng này có thể do có nhiều chất thải tích tụ trong máu gây tắc nghẽn, khiến lượng máu cung cấp cho tứ chi bị giảm, dẫn đến lòng bàn tay, bàn chân trắng bệch bất thường.
Nếu việc lưu thông máu không được thuận lợi, độc tố tích tụ quá nhiều, lâu dần dễ sinh bệnh. Đặc biệt nếu có bệnh mà không được xử lý kịp thời thì rất dễ ảnh hưởng đến tuổi thọ nên chúng ta càng phải chú ý hơn.
4. Khuôn mặt tái nhợt
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng có thể nhìn vào sức khỏe của cơ thể qua một số sắc thái trên khuôn mặt. Một người có cơ thể khỏe mạnh, trông sẽ rất có sức sống, hai má hồng hào.
Nhưng nếu gương mặt trắng nhợt không phải do màu da tự nhiên thì phần lớn là do tuần hoàn máu trong cơ thể gặp vấn đề dẫn đến tình trạng thiếu máu khiến da dẻ xanh xao, tái nhợt, dễ ảnh hưởng đến tuổi thọ. Đồng thời, một làn da nhợt nhạt đi kèm đau người, mệt mỏi có thể là một dấu hiệu bạn cần bổ sung vitamin B12.
Ngoài ra, những người bị thiếu máu, lá lách và dạ dày đang bị tổn thương, tim hoạt động kém cũng có biểu hiện da mặt nhợt nhạt. Do đó, một khi thấy sắc mặt thay đổi, chuyển sang trắng nhợt, bạn nên chú ý kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.