Từ khi cô con gái 19 tuổi sinh con, chị Nguyệt đêm nào cũng thấp thỏm, nghe tiếng cháu khóc là chạy sang bế, dỗ. Khi con rể đưa vợ con về nhà nội, ngỡ tưởng chị sẽ thảnh thơi, không ngờ lại xuất hiện những triệu chứng lạ.
Nhập viện tâm thần sau khi chào đón cháu ngoại
Đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chị Hoàng Như Nguyệt (44 tuổi, ở Đắk Lắk) đi khắp các hành lang, qua mỗi phòng bệnh lại ngó vào để quan sát và chào mọi người. Khi gặp TS.BS Dương Minh Tâm - Đơn nguyên Điều trị Rối loạn liên quan stress và Tình dục, chị Nguyệt vội xin bác sĩ cho ra viện, vì cho rằng mình đã khỏi bệnh. Khi đó, bác sĩ Tâm ân cần động viên chị điều trị, đồng thời tư vấn người nhà (chồng chị Nguyệt) cần chia sẻ, nói chuyện nhiều hơn để bệnh nhân sớm bình phục.
Bác sĩ Tâm chia sẻ với người nhà bệnh nhân Nguyệt cần động viên, cập nhật tình trạng của con gái và cháu ngoại để bệnh nhân yên tâm điều trị. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Tâm cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân khá đặc biệt, bị rối loạn sự thích ứng và đang điều trị lần thứ 2. Theo lời kể của chồng bệnh nhân, kể từ khi cháu ngoại chào đời, gia đình có sự thay đổi trong sinh hoạt, rồi thêm một số vấn đề khác xảy ra nên vợ anh đổ bệnh.
“Có cháu ngoại thì phải vui, sao lại suy nghĩ đến mức đổ bệnh vào viện thế này?”, bác sĩ Tâm hỏi hai vợ chồng. Chồng chị Nguyệt tâm sự, trước khi con gái lấy chồng và sinh con, vợ anh khỏe mạnh, hoạt bát, có lịch sinh hoạt điều độ. Ban ngày chị làm việc bình thường, tối đến đi thể dục đến 9-10 giờ rồi đi ngủ, sáng 6 giờ dậy.
Từ khi cô con gái 19 tuổi lấy chồng rồi sinh con (vẫn ở cùng bố mẹ đẻ), chị Nguyệt phải phụ con chăm sóc cháu ngoại. Lo con gái “trẻ người non dạ” không biết chăm con, hàng đêm, cứ nghe tiếng cháu ngoại khóc là chị Nguyệt bật dậy chạy sang phòng con để bế cháu. Liên tục vài tháng như vậy khiến chị mất ngủ, người mệt mỏi nhưng vẫn cố chịu, không chia sẻ với ai.
Bác sĩ Dương Minh Tâm chia sẻ với người bệnh là bà ngoại bị rối loạn sự thích ứng. Ảnh: Lê Phương.
Gần đây, con rể đưa vợ con về quê Hải Dương sinh sống, chị Nguyệt vốn đã mệt mỏi, lại càng ủ rũ hơn. “Khi đó tôi nghĩ nhiều lắm, tôi sợ con gái về nhà chồng không biết chăm con, sợ con gái bị bên chồng đánh giá, rồi khổ cả con lẫn cháu”, chị Nguyệt chia sẻ với bác sĩ. Những suy nghĩ ấy cứ luẩn quẩn trong đầu người phụ nữ này, khiến chị bị stress nặng và phải đi khám, rồi nhập viện tâm thần điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Tâm cho biết, bệnh nhân này bị rối loạn sự thích ứng rất điển hình, tuy nhiên nếu không chú ý rất dễ bị nhầm với trầm cảm, stress thông thường. Do vậy, việc khai thác kỹ tiền sử, biết được nguyên nhân dẫn tới bệnh thì mới giải quyết được vấn đề.
“Với trường hợp này, trước hết người chồng cần động viên vợ thường xuyên, đồng thời vợ chồng con gái cũng cần chia sẻ, thông báo cho bệnh nhân biết tình trạng của con-cháu đang ổn. Ngoài vấn đề trấn an tâm lý, người bệnh vẫn cần điều trị bằng thuốc để sớm bình phục”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Rối loại sự thích ứng và stress liên quan đến nhau nhưng lại khác nhau
Theo bác sĩ Tâm, các triệu chứng rối loạn sự thích ứng bắt đầu trong vòng ba tháng kể từ khi tác nhân gây căng thẳng xuất hiện. Stress được xem là yếu tố tác động trực tiếp đến rối loạn sự thích ứng. Nếu không có stress thì rối loạn này không xảy ra. Dù có mối liên quan nhưng rối loạn thích ứng và stress lại khác nhau.
“Nếu như stress diễn ra khi không xác định được tác nhân gây căng thẳng, thì rối loạn thích ứng lại xác định được nguyên nhân. Vì thế, rối loạn thích ứng thường xuất hiện sau một hoặc nhiều yếu tố sang chấn. Ví dụ như trường hợp trên, có hai yếu tố tác động đó là cháu ngoại chào đời làm thay đổi thói quen sinh hoạt vốn đã tồn tại rất lâu và cháu ngoại chuyển về quê nội khiến cho bệnh nhân suy nghĩ nhiều. Chính những yếu tố đó đã gây sang chấn, làm cho bệnh nhân rối loạn không thích ứng kịp”, bác sĩ Tâm phân tích.
Bác sĩ Tâm cho biết, hầu hết trường hợp rối loạn sự thích ứng tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi xảy ra sang chấn. Tuy nhiên nó cũng có thể gây hậu quả lâu dài như mất ngủ, cách ly xã hội, xung đột hôn nhân hoặc gia đình, suy giảm khả năng làm việc, nghiện rượu, sử dụng ma túy, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, tự hủy hoại, ý tưởng và hành vi tự sát...
Do đó, bác sĩ Tâm khuyến cáo, bất cứ ai có các biểu hiện lâm sàng của bệnh như giảm khả năng tập trung và suy nghĩ, mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi vị giác, có hành vi tự sát; lo âu, hồi hộp, vã mồ hôi, khó thở; thường xuyên cáu giận, đổ lỗi cho người khác, có thái độ hận thù... cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị rối loạn sự thích ứng bao gồm liệu pháp tâm lý, hóa dược hoặc cả hai. Hiện tại, tâm lý trị liệu vẫn là cách điều trị được lựa chọn cho các rối loạn sự thích ứng.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi