Tôi góp ý với mẹ chồng về việc đừng tích trữ đồ trong nhà nữa để nhà cửa sạch sẽ hơn nhưng không ngờ phản ứng của mẹ lại khiến tôi càng thêm khó xử.
Nhiều người có sở thích tích trữ đồ, có những đồ vật dù không dùng đến nhưng vì cảm thấy tiếc hoặc cho rằng sau này sẽ cần đến nên sẽ cất vào một góc nào đó trong nhà. Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra quá thường xuyên biến căn nhà trở thành một bãi rác thì có thể đã đến lúc cần xem lại bởi có thể người đó đang gặp vấn đề rối loạn tích trữ - một dạng rối loạn tâm thần.
Một nữ cư dân mạng đã chia sẻ trên PTT (một diễn đàn trực tuyến mở của Đài Loan) về mâu thuẫn giữa cô và mẹ chồng chỉ vì thói quen tích trữ đồ của bà.
Người phụ nữ chia sẻ: "Tôi đã kết hôn 5 năm và sống chung với mẹ chồng. Không giống như những gì mọi người hay nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, mẹ chồng tôi rất tốt, bà thường hay mua đồ cho tôi mỗi khi đi bất cứ đâu, bà cũng luôn bệnh vực tôi mỗi khi hai vợ chồng cãi nhau.
Tuy nhiên, mẹ chồng tôi lại có một thói quen xấu đó là thích tích trữ đồ không dùng đến. Bà thường sẽ cất mọi thứ vào một góc nhà. Có rất nhiều thứ bà đã bỏ đó vài tháng đến 1-2 năm mà chẳng hề động đến, nhưng bà cũng không bao giờ dọn dẹp. Thỉnh thoảng cứ 2- 3 tháng, tôi sẽ lại dọn dẹp đống đồ bỏ đi đó cho bà hoặc bất cứ khi nào cảm thấy quá bừa bộn.
Tôi cũng từng nhờ chồng góp ý với mẹ nhưng dường như chẳng thể thay đổi. Sau đó, chồng tôi cũng mặc kệ và bảo tôi cứ để bà làm gì bà thích. Vì vậy, tôi đành nhẫn nhịn tự mình dọn dẹp vì thực tế ngoài thói quen xấu này ra thì mẹ chồng tôi rất tốt.
Một góc nhà nơi mẹ chồng tôi tích trữ đồ đã chất cao như núi.
Thế nhưng mới đây tôi phải đi công tác 2 tháng. Sau khi trở về, bước vào nhà là một cảnh tượng bừa bộn chưa từng thấy. Góc mà mẹ chồng tôi hay vứt đồ linh tinh đã chất cao gần chạm trần, thậm chí còn có mấy con gián bò quanh. Ngay trên bàn ăn cũng xuất hiện gián đang bò vào đĩa thức ăn thừa không được che đậy trên đó. Ở một góc nhà khác cũng đang chồng chất một số thứ mà tôi chưa từng nhìn thấy.
Nhìn cảnh nhà cửa bẩn thỉu, dù khá mệt nhưng tôi đành phải bắt tay vào dọn dẹp. Khi con gái 4 tuổi của tôi tan học về đã kể rằng không muốn ăn cơm bà nội nấu vì không ngon, với mấy lần ăn xong toàn bị đau bụng. Nghe lời con gái nói và nghĩ lại cảnh gián bò trên đĩa thức ăn của gia đình, tôi chợt cảm thấy rùng mình và thương con.
Vì xót con và cũng muốn nhà cửa được sạch sẽ, tôi đã góp ý lại với mẹ chồng và gợi ý nên vứt hết những món đồ không cần thiết kia đi để giữ nhà cửa vệ sinh và tạo môi trường sống tốt hơn cho cả nhà. Thế nhưng, ngay khi nghe tôi đề nghị vậy, bà lập tức thay đổi sắc mặt và trách móc tôi chê bai bà ăn ở bẩn thỉu, thậm chí bà còn khóc lóc như rất ấm ức và nói: "Tôi chăm con cho chị đi làm mà giờ chị về chị chê bà già này ăn ở bẩn thỉu. Nhà của con trai tôi, tôi làm gì chẳng được".
Nghe mẹ nói mà tôi sững sờ không biết liệu mình có nói gì quá đáng hay không mà bà lại nhạy cảm đến vậy. Giờ tôi phải làm sao để mẹ chồng tôi thay đổi, tôi cũng chỉ muốn mọi người có ngôi nhà sạch sẽ tinh tươm thôi mà".
Đi kèm với bài chia sẻ của người phụ nữ là hình ảnh đống đồ tích trữ của mẹ chồng cô đã chất cao tới gần trần nhà.
Khi tôi nhắc nhở và có ý muốn dọn hết đống đồ không cần thiết đi, mẹ chồng liền phản đối và khóc lóc nói rằng tôi chê bà bẩn thỉu. (Ảnh minh họa)
Nhiều cư dân mạng cho biết họ cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi có người lớn tuổi trong gia đình. "Mẹ đẻ tôi thậm chí còn phơi khô giấy ướt để sau đó dùng lại"; "Bà tôi cũng là một người thích tích trữ. Khi còn sống bà không cho phép bất cứ ai chạm vào đồ của bà. Năm ngoái bà mất, chúng tôi mới thu dọn thì phát hiện toàn đồ hỏng và đầy gián với kiến"; "Tôi hiểu hoàn cảnh của bạn, quả thực rất khó xử, bạn không thể dùng thuốc diệt côn trùng vì nhà có trẻ nhỏ được nên việc giữ sạch sẽ là rất cần thiết", một số người chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng có những người đưa ra lời gợi ý về việc liệu có phải mẹ chồng người phụ nữ mắc chứng rối loạn tích trữ - một dạng bệnh tâm lý, tâm thần và khuyên gia đình nên cân nhắc xem có nên đưa mẹ đi khám hay không.
Rối loạn tích trữ là gì?
Rối loạn tích trữ là tình trạng liên tục gặp khó khăn trong việc vứt bỏ những đồ vật nào đó vì bạn tin rằng mình cần phải tiết kiệm chúng. Người gặp chứng bệnh này thường thu thập và tích trữ một số lượng lớn các đồ vật dù có thể chúng không còn giá trị sử dụng. Họ cũng sẽ thường sẽ cảm thấy rất đau khổ khi nghĩ đến việc phải loại bỏ các món đồ vô giá trị đó.
Rối loạn tích trữ có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, việc tích trữ có thể không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, nhưng những trường hợp khác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng ngày của người mắc chứng bệnh này.
Tích trữ quá nhiều đồ dùng không cần thiết gây ảnh hưởng không gian sống và sức khỏe có thể là triệu chứng của rối loạn tích trữ. (Ảnh minh họa)
Những người mắc chứng rối loạn tích trữ có thể không coi đó là một vấn đề, vì vậy việc đưa họ đi khám và điều trị không dễ dàng.
Các triệu chứng của rối loạn tích trữ có thể bao gồm:
- Thu thập và giữ quá nhiều đồ dù không cần sử dụng và không có chỗ để.
- Cảm thấy rất khó trong việc vứt bỏ các món đồ dù chúng không còn giá trị sử dụng.
- Cảm thấy cần phải tiết kiệm những món đồ này và khó chịu khi nghĩ đến việc vứt bỏ chúng.
- Tích trữ quá nhiều khiến môi trường sống chật chội, lộn xộn, lấn chiếm không gian sống.
Tình trạng tích trữ quá nhiều không chỉ thu hẹp không gian sống mà còn gây mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của bản thân và gia đình. Ngoài ra, những người mắc chứng rối loạn tích trữ dễ gặp xung đột với những người đang cố gắng giảm thiểu sự bừa bộn đó.
Ngoài đồ vật, những người bị rối loạn tích trữ có thể thu thập cả đồ vật. Họ có thể nhận nuôi hàng chục hay hàng trăm con thú cưng dù bản thân không đủ khả năng. Điều này khiến các con vật không được chăm sóc chu đáo. Sức khỏe và sự an toàn của con người và động vật thường gặp rủi ro do điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng của chứng rối loạn tích trữ, hãy gặp các chuyên gia y tế về sức khỏe tâm thần để giúp chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.