Thói quen ăn cháo vừa tốt cho hệ tiêu hóa lại giúp bạn phòng bệnh và sống thọ hơn. Đặc biệt khi nấu cháo cho thêm những nguyên liệu này vào thì hiệu quả sẽ tốt hơn và dinh dưỡng cao hơn.
1. Cho chà là đỏ vào cháo - Tốt cho da
Cháo chà là đỏ rất có lợi cho việc làm đẹp và dưỡng da. Chà là đỏ có tính ấm, có thể dưỡng khí, bổ tỳ, tăng sức khỏe dạ dày, nâng cao khả năng miễn dịch của con người. Ăn chà là đỏ thường xuyên giúp hồi phục sức khỏe, tăng cường cơ bắp, giảm tàn nhang, điều trị các vết thâm trên khuôn mặt và hỗ trợ giảm béo.
Còn gạo chứa protein, chất béo, axit hữu cơ, monosaccharide, vitamin B, canxi, phốt pho, sắt và các nguyên tố khác. Do đó, ăn cháo chà là đỏ có tác dụng bồi bổ sinh lực, điều hòa ngũ tạng, bổ khí huyết, cải thiện thị lực, giảm lo âu, tác dụng giải khát, dễ tiêu và tốt cho hệ tiêu hóa.
2. Cho hạt sen vào cháo – Chữa mất ngủ
Thời tiết nồm ẩm khó chịu, tâm trạng con người thường dễ cáu gắt, các triệu chứng thường thấy là mệt mỏi, ăn không ngon, bồn chồn, mất ngủ. Lúc này ăn cháo hạt sen là một lựa chọn tốt nhất. Người xưa cho rằng, ăn hạt sen có thể kéo dài thành xuân và tuổi thọ. Nhiều ghi chép trong sách y học cổ đại cũng cho rằng, hạt sen có tác dụng an thần, tăng cường tim mạch, chống lão hóa.
Hạt sen có thể giúp thanh nhiệt, giảm hỏa. Đặc biệt đối với những người có máu nóng, hạt sen có tác dụng thông tâm, trừ phiền, bổ tỳ vị, cầm tiêu chảy, dưỡng tâm, an thần, có tác dụng điều trị tốt đối với chứng khó chịu do mất ngủ gây ra.
Ăn cháo hạt sen cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng mới, hỗ trợ phục hồi, tái tạo tế bào thần kinh và giảm mệt mỏi.
3. Cho hạt dẻ vào cháo - Bổ thận tráng dương
Theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Có công năng bổ thận ích tinh, làm mạnh gân cốt, tăng cường chức năng tiêu hóa, nuôi dưỡng dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ, vị hư hàn hay lưng gối do thận hư…
Ngoài tác dụng bổ dương, cải thiện chức năng sinh dục ở nam giới, hạt dẻ là thức ăn có lợi cho tim mạch, tiểu đường, huyết áp. Vì vậy trong Đông y có câu: Mùa đông ăn hạt dẻ tốt hơn uống thuốc bổ thận.
Tuy nhiên, ăn nguyên hạt dẻ cơ thể sẽ khó tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng trong hạt dẻ. Vì vậy cho hạt dẻ nấu cháo, nó không chỉ dễ tiêu hóa và hấp thụ mà còn nuôi dưỡng dạ dày. Sau khi nấu cháo, hiệu quả của cháo hạt dẻ sẽ tăng gấp đôi so với nấu riêng hạt dẻ. Món ăn có tác dụng tăng cường chất xơ và ổn định lượng đường trong máu, cải thiện chức năng tuần hoàn não.
4. Cho táo gai vào cháo – Tăng cường lá lách và dạ dày
Chúng ta biết rằng táo gai là một loại thực phẩm có công dụng làm thuốc, có thể ăn khi còn tươi hoặc có thể phơi khô rồi ủ thành trà, cũng có thể làm mứt và nấu cùng với các thực phẩm khác rất ngon.
Nhiều người chắc không biết, táo gai còn có thể dùng để nấu cháo. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, táo gai là một trong những thực phẩm được khuyên dùng để điều trị bệnh huyết áp cao. Một số nghiên cứu cho thấy táo gai có thể hoạt động như một thuốc giãn mạch, làm thư giãn các mạch máu bị tắc nghẽn, cuối cùng làm giảm huyết áp.
Nấu cháo với táo gai có thể tăng cường lá lách và dạ dày và giúp tiêu hóa. Esterase có trong cháo táo gai có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn nhiều dầu mỡ, thúc đẩy tiết dịch vị, tạo cảm giác ngon miệng.
5. Cho đậu xanh vào cháo – Giải độc
Gạo và đậu xanh cũng là những loại lương thực truyền thống phổ biến. Cháo đậu xanh là món ăn được nhiều người yêu thích trong mùa hè, không chỉ giúp no bụng mà còn giúp bồi bổ cơ thể.
Đồng thời đậu xanh giúp ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn nên rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Trong đậu xanh còn có thành phần hạ mỡ máu hữu hiệu nên nó giúp cơ thể phòng chống chứng xơ cứng động mạch và bệnh cao huyết áp, đồng thời có công hiệu bảo vệ gan và giải độc.