Dùng thứ này ngâm rau quả ai cũng tưởng tốt, hết thuốc sâu, hóa ra tác dụng gây tranh cãi

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 25/09/2021 12:57 PM (GMT+7)

Việc có nên ngâm rau với nước muối hiện vẫn có những quan điểm khác nhau. Vì thế, khi đã có thói quen làm việc này cũng cần phải lưu ý để không ảnh hưởng sức khỏe.

Chẳng có tác dụng gì trong việc loại bỏ hóa chất

Sơ chế rau là một khâu bắt buộc trước khi đưa vào chế biến, nhưng việc thực hiện sao cho đúng thì không ít người vẫn có những cách hiểu và cách làm chưa chính xác. Điển hình trong số đó là việc sử dụng muối để ngâm rau trước khi ăn (với rau sống) hoặc nấu.

Theo đó, rất nhiều gia đình vì lo sợ rau nhiễm giun sán, sợ bị nhiễm hóa chất trong quá trình gieo trồng và bảo quản nên ngoài rửa rau còn cẩn thận dùng muối hòa với nước để ngâm. Dưới góc nhìn của các chuyên gia về dinh dưỡng và thực phẩm, việc làm này hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt khoa học.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho rằng, việc ngâm rau - củ - quả bằng nước muối trước khi chế biến không có tác dụng trong việc loại bỏ hoàn toàn hóa chất, giun sán.

Việc ngâm rau bằng nước muối không loại bỏ được hóa chất tồn dư. (Ảnh minh họa)

Việc ngâm rau bằng nước muối không loại bỏ được hóa chất tồn dư. (Ảnh minh họa)

“Nếu hóa chất đã ngấm sâu vào trong rau củ thì rất khó để loại bỏ. Còn trường hợp hóa chất bám ở bề mặt ngoài như lá rau thì rửa bằng nước sạch, rửa dưới vòi nước chảy cũng đã làm trôi đi. Còn việc ngâm nước muối để loại bỏ hóa chất là một sai lầm”, PGS Thịnh thông tin.

Đối với các loại ký sinh trùng như giun sán có trên các loại rau, củ cũng vậy, PGS Thịnh cho biết hiện chưa có một nghiên cứu nào về việc nước muối loãng có thể diệt được ký sinh trùng (thường là trứng của giun sán).

Ngâm không đúng gây hệ lụy sức khỏe

Ths.BS Đoàn Thị Anh Đào - Phó khoa Dinh dưỡng, kiêm Phó khoa Nội (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, việc ngâm rau bằng nước muối pha loãng có thể thực hiện được. Dù muối không loại bỏ được hóa chất ngấm trong rau, nhưng muối có tính sát khuẩn có thể làm sạch rau, phần nào loại bỏ được vi khuẩn (nếu có) trên rau.

Nếu có thói quen ngâm rau nước muối cần ngâm đúng liều lượng. (Ảnh minh họa)

Nếu có thói quen ngâm rau nước muối cần ngâm đúng liều lượng. (Ảnh minh họa)

BS Đào cho biết hiện nay đa số mọi người thực hiện việc ngâm rau bằng nước muối theo cảm tính, truyền tai nên làm không đúng sẽ có tác dụng ngược, gây hại cho sức khỏe.

“Đa số các gia đình nghĩ rằng ngâm rau với nước muối càng đậm đặc càng tốt nhưng đây là một sai lầm. Việc làm này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng rau, làm giảm đi đáng kể lượng vitamin và khiến rau bị dập nát.

Vấn đề nghiêm trọng hơn là muối sẽ thẩm thấu vào trong rau, từ đó khiến lượng muối đưa vào cơ thể tăng lên. Đó là chưa kể, quá trình nấu rau sẽ cho thêm muối, với rau sống thì dùng nước chấm. Việc đưa quá nhiều lượng muối vào cơ thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý không lây nhiễm như huyết áp, tim mạch,…”, BS Anh Đào cảnh báo.

Theo hướng dẫn của BS Đào, khi ngâm rau trong nước muối cần phải đặc biệt chú ý đến liều lượng. Theo đó, với 10 lít nước dùng để ngâm rau, chỉ nên cho nửa thìa ca phê muối, tuyệt đối không ngâm với nồng độ quá đậm đặc.

Sau khi ngâm rau cần rửa lại bằng nước sạch để giảm lượng muối đã ngấm vào. (Ảnh minh họa)

Sau khi ngâm rau cần rửa lại bằng nước sạch để giảm lượng muối đã ngấm vào. (Ảnh minh họa)

Một vấn đề nữa BS Anh Đào đặc biệt lưu ý là tuyệt đối không ngâm rau với nước muối quá lâu, chỉ nên ngâm khoảng 5-10 phút. Sau khi vớt ra nên rửa lại rau bằng nước sạch trước khi ăn hoặc nấu. Việc rửa lại rau sẽ làm giảm đi lượng muối thẩm thấu vào trong rau.

Để an toàn cho bữa ăn, BS Đào khuyến cáo mọi người trước cần chú ý đến nguồn nước rửa phải đảm bảo, không tận dụng nước qua sử dụng để rửa rau củ.

Dụng cụ rửa rau, rổ đựng và bàn tay phải sạch. Bởi khi tay bẩn, chậu rửa rau và rổ bẩn, mốc thì rau cũng dễ bị nhiễm khuẩn. Quá trình rửa được khuyến cáo tốt nhất vẫn là rửa rau nhiều lần dưới vòi nước sạch.

Ai cũng đồn đậu đũa, đậu cove hay bị phun thuốc sâu, hóa ra lý do gây độc lại khác
Việc cho rằng quả đậu tồn dư nhiều hóa chất là không chính xác, tuy nhiên nó có thể gây ngộ độc nếu chế biến, sử dụng sai cách.

An toàn thực phẩm

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm