Sau khi mua nhãn về, cả gia đình chị Mai ăn ngay, không rửa sạch vì cho rằng mình chỉ ăn cùi nhãn, vỏ đã bóc bỏ đi.
Nhãn là loại trái cây quen thuộc với nhiều người, có thể trồng được khắp nơi. Theo Y học bản địa Việt Nam, vào độ tháng 2-3, nhãn bắt đầu ra hoa rồi kết trái. Đến tháng 6-8 hàng năm là mùa của trái nhãn. Lúc này, người trồng sẽ hái, bán cho thương lái đưa đi khắp nơi. Trên thị trường, giá nhãn khoảng 15.000 - 50.000/kg, tùy loại và mùa vụ.
Theo Đông y Việt Nam, phần ăn được của trái nhãn là cùi nhãn, còn gọi là long nhãn hoặc quế viên. Bộ phận này có vị ngọt, tính bình, có chức năng bổ ích tâm tỳ, ích khí, dưỡng huyết an thần. Còn có thể sinh tân dịch, nhuận ngũ tạng, là loại quả ngon, bổ dưỡng tốt...
Nhãn là trái cây được trồng ở khắp nơi trên đất nước ta. Ảnh: Trần Mai.
Còn theo y học hiện đại, cùi nhãn rất giàu giá trị dinh dưỡng như protein, chất béo, đường thiên nhiên, các loại vitamin và khoáng chất như: vitamin A , C, kali, photpho, magie, sắt, axit hữu cơ, chất xơ… Vì vậy ăn cùi nhãn tốt cho hệ thần kinh, bổ sung năng lượng cho cơ thể, giúp giảm căng thẳng, cải thiện tình trạng mất ngủ, suy nhược thần kinh hay mệt mỏi…
Từ những đặc điểm trên, chị Bùi Như Mai (37 tuổi, ở TP Thủ Đức) cũng thường xuyên mua nhãn về cho chồng và 2 con trai cùng ăn. Chị cho biết ở Sài Gòn, nhãn đã bắt đầu bán nhiều từ tháng 6, giá 40-50 ngàn đồng/kg. Còn hiện nay, giá hạ xuống 20-40 ngàn đồng/kg, tùy loại.
Chị Mai kể mỗi lần sẽ mua khoảng 4-5kg nhãn cho cả nhà ăn dần. Khi mua nhãn về, chị cho vào từng bịch nhỏ (không rửa) bảo quản trong tủ lạnh. Đến lúc ăn, chị lấy nhãn ra, bóc vỏ rồi ăn, không rửa qua nước. “Nhãn có vỏ bọc bên ngoài rồi, đất cát, chất bẩn và hóa chất cũng chỉ nằm ngoài vỏ, mình bỏ đi là được”, chị Mai chia sẻ.
Chị cũng cho biết cả gia đình có thói quen ăn nhãn như vậy từ lâu. Thậm chí, hai con trai chị khi mẹ không bóc vỏ kịp còn dùng miệng bóc vỏ bỏ đi, sau đó ăn cùi nhãn. Dù có cách ăn như vậy nhưng chị Mai cho biết, cả gia đình có sức khỏe bình thường. “Không chỉ nhà tôi, nhiều người cũng có thói quen ăn nhãn như vậy”, chị Mai chia sẻ.
Rất nhiều người có thói quen không rửa trái nhãn trước khi ăn. Ảnh minh họa.
Hãy rửa sạch nhãn trước khi ăn
Hiện nay miền Bắc nước ta bắt đầu vào mùa nhãn nên rất nhiều gia đình lựa chọn loại quả này để ăn. Cũng giống như gia đình chị Mai, không ít người hiện nay có thói quen không rửa trái nhãn trước khi ăn, hoặc dùng miệng cắn tách vỏ rồi ăn cùi bên trong. Đây là một thói quen ăn uống sai lầm, vô tình tự mình đưa đất cát, vi khuẩn, côn trùng và lượng hóa chất còn bám trên vỏ vào cơ thể.
Theo một chuyên gia về y học cổ truyền, từ khi kết trái đến khi chín, trái nhãn phải trải qua quá trình phát triển khá lâu nên trên vỏ có thể chứa nhiều sâu, rệp gây hại. Chưa kể, trong quá trình thu hoạch, vận chuyển đến nơi bán, những trái nhãn sẽ dính nhiều đất cát, bụi bẩn… Khi ăn, nếu chúng ta không rửa sạch với nước, dùng tay hoặc dùng miệng bóc vỏ sẽ vô tình làm cho đất cát, sâu, rệp đi vào cơ thể một cách thuận lợi, từ đó làm cho cơ thể dễ bị các bệnh do đường ăn uống hơn.
Ngoài ra, quá trình chăm sóc, thu hái, bảo quản nhãn có thể dính chất hóa học ở bên ngoài vỏ. Không những vậy, hiện nay nhiều người trồng phải sử dụng một lượng thuốc trừ sâu, hóa chất để phun xịt nhằm bảo quản trái nhãn, tránh sâu bệnh làm hư hại. Vì vậy, nếu không rửa sạch nhãn trước khi ăn, chúng ta sẽ dễ bị nhiễm độc chất hóa học, vi khuẩn, đất cát dính trên vỏ trái. Để đảm bảo vệ sinh khi ăn nhãn, tốt nhất nên rửa sạch dưới vòi nước, hoặc ngâm với nước muối pha loãng trong 10 phút. Sau khi rửa sạch trái, chúng ta nên dùng tay hoặc dùng cụ để bóc vỏ. Tuyệt đối không dùng miệng bóc vỏ trái.
Trong quá trình trồng, vận chuyển, vỏ trái nhãn có thể chứa nhiều bụi bẩn, hóa chất... (Ảnh minh họa)
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết nhãn là trái cây giàu dinh dưỡng nhưng chỉ nên ăn vừa đủ, với những người thừa cân, béo phì, phụ nữ có thai, người nổi nhiều mụn nhọt… nên hạn chế ăn, vì trái cây này chứa một lượng đường cao.
Ngoài ra, khi mua nhãn về chúng ta nên rửa sạch từng quả trước khi ăn vì vỏ nhãn chứa nhiều tạp chất nguy hiểm. Kể cả khi chưa rửa cũng tuyệt đối không dùng răng cắn hoặc tách vỏ, vì có thể sẽ bị tổn thương niêm mạc miệng do ký sinh trùng có trên vỏ hoặc có chất bảo quản.
Mọi người nên dùng tay hoặc dụng cụ bóc tách vỏ trước khi ăn phần cùi. Không cho trẻ nhỏ tự ăn nhãn vì hạt nhãn rất trơn có thể sẽ tuột vào đường thở, gây nguy hiểm. Phụ huynh cần bóc tách phần cùi và hạt cho trẻ trước khi ăn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên khi mua nhãn nên chọn mua loại vẫn có cả cành lá tươi tốt, vỏ nhãn có màu vàng sậm. Nhãn có cùi dày, mọng nước và hạt nhỏ là nhãn ngon. Những quả nhãn mẫu mã to đẹp, cùi rất dày nhưng vị nhạt nhẽo thường có thể là nhãn Trung Quốc.