Hai chị em gái cùng lúc xuất hiện vật đen lạ trong nước tiểu và bác sĩ đã phát hiện ra nguyên nhân từ thứ không ngờ.
Theo ETToday, cha của hai đứa trẻ gồm một bé trai 7 tuổi và bé gái 9 tuổi ở Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho biết sau khi hai con đi vệ sinh vài ngày trước liên tục kêu bị đau khi đi tiểu. Vì vậy, người cha quyết định đưa 2 con tới bệnh viện khám.
Sau khi đi khám, bác sĩ đã yêu cầu gia đình lấy nước tiểu của 2 đứa trẻ để chẩn đoán thêm. Sau khi tiếp nhận nước tiểu được 10 ngày, bác sĩ phát hiện bên trong nước tiểu có thứ lạ màu đen trông như giun nên vội vàng mang mẫu bệnh phẩm đến Bệnh viện trực thuộc Đại học Nam Hoa ở Hành Dương kiểm tra.
Vật thể đen lạ trông như giun phát hiện trong nước tiểu của hai chị em.
Sau đó, bác sĩ hỏi hai anh em về sinh hoạt hàng ngày và biết được rằng trong dịp nghỉ hè họ đã đi đến bờ sông gần nhà chơi đùa. Các bác sĩ dựa theo lời kể của hai đứa trẻ tìm ra được con giun đen lạ giống đến 80% ấu trùng của muỗi nước. Người cha sau đó đưa hai đứa trẻ đến bệnh viện tuyến trên để nội soi niệu đạo.
Bác sĩ Yin Bo, bác sĩ điều trị của Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng Hồ Nam, cho biết qua kiểm tra cẩn thận bằng kính soi niệu đạo, không tìm thấy xác giun và trứng rõ ràng trong đường tiết niệu. Tuy nhiên, niêm mạc đường tiết niệu của bé trai có phản ứng viêm rõ ràng hơn và có biểu hiện xung huyết, có thể do giun bên trong.
Bác sĩ Yin Bo chỉ ra rằng nếu xem xét bệnh sử toàn diện, có thể những đứa trẻ đã đi vệ sinh trong lúc tắm ở bờ sông, đường tiết niệu khi ấy sẽ ở trạng thái mở khiến trứng, ấu trùng có cơ hội xâm nhập.
Các bác sĩ nghi ngờ hai bé đã nhiễm ấu trùng muỗi nước khi bơi ở sông hồ gần nhà.
Tắm sông, ao hồ dễ gặp những nguy cơ sức khỏe gì?
Trong những ngày nắng nóng, nhiều người tìm đến sông, hồ.… để tắm mát. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiếp nhận nhiều nước thải từ khu dân cư, khu công nghiệp chưa qua xử lý. Khi bơi, tắm, thời gian ngâm nước dài, khả năng mắc bệnh càng cao.
Dưới đây là những vấn đề sức khỏe có thể gặp phải khi tắm ở những sông, ao hồ không sạch sẽ.
Bệnh về tai mắt: Khi bơi lội tại sông, hồ, hầu hết người bơi không đeo kính. Việc này có thể khiến mắt phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước ô nhiễm. Điều này có thể gây bệnh mắt hột, lậu mắt,… Những nơi càng ô nhiễm, khả năng mắc bệnh càng cao.
Tai cũng là nơi dễ dàng bị ứ đọng nước bẩn, nấm và vi khuẩn. Nếu không có biện pháp giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, chúng có thể gây đau nhức, viêm nhiễm, ảnh hưởng xấu đến thính giác.
Bệnh đường tiêu hóa: Trong nước hồ, sông có thể tồn tại ấu trùng giun, sán và E. coli. Nếu không may uống phải, bạn sẽ mắc các bệnh về tiêu hoá như tiêu chảy, nhiễm giun, sán, viêm ruột. Ngoài ra, trong nước bẩn cũng tồn tại ký sinh trùng Giardia gây tiêu chảy cấp, Norwalkvirus gây viêm dạ dày, viêm gan vi rút A.
Bệnh đường sinh dục: “Khi bị ngâm lâu trong nguồn nước ô nhiễm, cơ quan sinh dục có thể bị tổn thương, mắc các bệnh phụ khoa, nam khoa. Ngoài ra, nếu trong vùng bơi có người mắc bệnh, mầm bệnh có thể lây nhiễm sang người xung quanh.
Đuối nước: Tuy mới đầu hè nhưng tình trạng đuối nước đã trở thành vấn đề nhức nhối của nhiều tỉnh, thành. Bởi các điểm bơi trên sông, hồ thường tự phát, không có nhân viên cứu hộ túc trực. Do đó, khi tắm, bơi, một chút sơ sẩy có thể khiến người bơi bị đuối nước, dễ tử vong.