Trong một lần con trai bị ốm, người bố đưa đi khám và phát hiện nhóm máu của con không giống với mình và của vợ nên đã đi xét nghiệm ADN. Kết quả khiến người đàn ông chỉ biết "đứng hình".
Anh Minh Công (30 tuổi, ở Hà Nội) là người chồng, người cha hết mực vì gia đình. Vợ anh là nhân viên kinh doanh, còn anh làm văn phòng nên có nhiều thời gian hơn vợ. Hàng ngày, các việc vặt trong nhà, kể cả chăm con lúc ốm đau đều do anh gánh vác, nhưng anh không bao giờ ca thán một câu.
Gần đây, trong một lần con bị ốm phải đi khám và nhập viện điều trị, anh Công đã cho con làm hết các xét nghiệm, trong đó có cả nhóm máu, để phòng trường hợp phải truyền máu cho con khi cần thiết.
May mắn, con anh Công sau đó đã bình phục, không cần can thiệp chuyên sâu. Ngồi xem lại kết quả khám của con, anh Công phát hiện bất thường khi con có nhóm máu AB. “Tôi nhóm máu O, vợ tôi hôm cũng nhóm máu O. Sao con tôi lại nhóm máu AB. Có lẽ nào…”, anh Công nghi vấn.
Không ít người cảm thấy nghi ngờ về huyết thống khi con không cùng nhóm máu với bố mẹ. Ảnh minh họa.
Những ngày sau đó, người đàn ông suy nghĩ rất nhiều, rồi quyết định lấy mẫu âm thầm đi xét nghiệm ADN. Vài ngày sau có kết quả, anh đứng hình khi biết, con anh không cùng huyết thống với mình, nhưng đúng là ruột thịt của vợ. Để chắc chắn, anh Công đi xét nghiệm thêm 2 nơi nữa, nhưng kết quả vẫn không thay đổi.
“Tôi thật sự rất rối bời và chưa nói với vợ. Tôi muốn biết bố đẻ của đứa trẻ là ai?”, anh Công nói và chia sẻ thêm rằng, anh thật sự thất vọng vì tình yêu của anh đã đặt nhầm chỗ. Hơn nữa, vợ anh cũng là một “diễn viên hạng A", khi không hề để lộ bất kể sơ hở gì.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca có nghi ngờ về nhóm máu, sau đó đi xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống được đại tá Hà Quốc Khanh - Cố vấn cao cấp Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền (Gentis) tư vấn. Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng, nhóm máu chỉ là một kênh tham chiếu về quan hệ huyết thống, không phải lúc nào cũng chính xác. Với trường hợp trên, việc bố mẹ đều nhóm máu O, nhưng con lại nhóm máu AB thì chắc chắn đứa trẻ không phải con của bố hoặc của mẹ (đã có trường hợp trao nhầm con). Và kết quả xét nghiệm ADN đã cho câu trả lời chính xác.
Đại tá Hà Quốc Khanh cho rằng, việc bố mẹ có nhóm máu O, con có nhóm máu khác thì sẽ không cùng huyết thống 1 trong 2 người. Ảnh: Lê Phương.
Theo ông Khanh, con người có 4 nhóm máu chính là A,B,AB,O và được di truyền theo quy luật Mendel. Trong 4 nhóm máu sẽ được quy định bởi các gen. Trong đó, gen di truyền nhóm máu A sẽ trội hơn so với nhóm máu O. Vì thế vẫn có tình huống dù con khác nhóm máu bố mẹ nhưng vẫn có quan hệ huyết thống. Ví dụ như bố nhóm máu A, mẹ nhóm máu A con sinh ra có thể là nhóm máu O hoặc A.
Ông Khanh lấy ví dụ ngay với bản thân mình, khi ông nhóm máu A, vợ nhóm máu B nhưng con ông lại nhóm O. Trẻ không cùng nhóm máu với bố mẹ, nhưng vẫn cùng huyết thống.
“Duy nhất chỉ có nhóm máu O là hơi đặc biệt. Như đã nói trên, nếu bố nhóm máu O, mẹ nhóm máu O thì con sinh ra sẽ là nhóm máu O. Trường hợp nếu con nhóm máu A, B, hoặc AB thì có thể không phải con ruột của bố hoặc của mẹ”, ông Khanh nói.
Do vậy, xét về mặt khoa học việc dùng nhóm máu để xác định huyết thống chỉ mang tính chất tham khảo không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Để kết luận có quan hệ huyết thống hay không thì vẫn phải xét nghiệm ADN. Việc xét nghiệm ADN có thể thực hiện dễ dàng qua các mẫu bệnh phẩm như niêm mạc, tóc, móng, cuống rốn… và cho kết quả rất nhanh. Với xét nghiệm ADN, kết quả chính xác tới tới 99,99% khi xác định quan hệ huyết thống.
*Tên nhân vật đã được thay đổi