Thường xuyên ăn lẩu với các loại rau thủy sinh nhúng tái hoặc ăn rau sống sẽ có nguy cơ bị sán lá gan xâm nhập vào cơ thể.
Nặn mụn ở ngực phát hiện ra sinh vật lạ
BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) cho biết, hiện khoa đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh giun sán. Trong đó có trường hợp nữ bệnh nhân khá hiếm gặp, khi sán lá gan đi lạc chỗ, trú ngụ và gây tổn thương ở vú.
Đó là một nữ bệnh nhân 30 tuổi, ở Sơn La, nhập viện điều trị trong tình trạng sốt, kèm theo đau vùng ngực. Theo chia sẻ của người bệnh, gần đây chị phát hiện có nốt đỏ nhỏ trên ngực, kèm theo ngứa và đau. Khi đi khám, các bác sĩ phát hiện có thể bị viêm tuyến vú.
Do bận công tác nên nữ bệnh nhân này chưa kiểm tra chuyên sâu được. Nghĩ mình chỉ bị mụn nhọt bình thường, nên bệnh nhân này nhờ bạn nặn hộ nốt đỏ trên ngực. Sau nặn, một sinh vật khá lớn trồi lên, ngọ nguậy khiến nữ bệnh nhân vô cùng hoảng sợ.
TS Trần Huy Thọ cho rằng, sán lá gan "làm tổ" ở vú là trường hợp hiếm gặp.
Sau khi kết thúc đợt công tác, bệnh nhân này đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương thăm khám, qua các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn.
BS Trần Huy Thọ cho biết, qua điều tra bệnh sử thì được biết, người bệnh thường hay ăn lẩu, trong đó có các loại rau thủy sinh như: rau cần nước, rau ngổ, rau muống nước… Đây chính là yếu tố nguy cơ gây bệnh sán lá gan. Tuy nhiên, theo đánh giá của BS Thọ, trường hợp nữ bệnh nhân này khá hiếm gặp khi sán trú ngụ ở vú.
Sán lá gan chủ yếu trú ngụ trong gan, nếu lạc chỗ cũng chỉ ở khu vực cơ thẳng gần bụng, cơ tim, phổi. Hiện sau tẩy sán, bệnh nhân hồi phục rất tốt và vừa được xuất viện sau hơn 1 tuần điều trị.
Cẩn trọng khi ăn các loại rau thủy sinh
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết, sán lá gan có hai loại đó là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ.
Theo TS Dũng, việc nhiều người có thói quen sử dụng rau sống, rau tái khi ăn lẩu như: rau cần, rau muống, rau cải xoong… nói chung là các loại rau thủy sinh, sẽ khiến ấu trùng sán lá gan lớn đi vào trong cơ thể.
Ăn sống, ăn tái các loại rau thủy sinh dễ bị sán lá gan tấn công.
TS Dũng cho biết, hiện số ca mắc sán lá gan lớn đang có chiều hướng gia tăng. Riêng ở khu vực Hà Nội và một số vùng xung quanh Hà Nội, mỗi năm tiếp nhận khoảng 300-400 trường hợp tại các viện điều trị chuyên ngành.
Còn đối với sán lá gan nhỏ, TS Dũng cho rằng, con đường để sán lá gan nhỏ đi vào cơ thể đó chính là thói quen ăn gỏi cá sống như: cá mè, cá trắm, cá trôi,… khi nhiễm sán lá gan nhỏ, thường sẽ bị viêm nhiễm đường mật, gây sỏi mật, tắc ống mật…, thậm chí gây ung thư đường mật.
Trước thực trạng sử dụng đồ tái, sống dẫn đến việc gia tăng số người nhiễm sán lá gan. TS Dũng thẳng thắn bày tỏ: “Dù đã tuyên truyền nhiều, nhưng thói quen ăn rau sống ở Việt Nam dường như rất khó bỏ. Bởi vậy để hạn chế chúng ta có thể dùng biện pháp điều trị triệt để cho những người có nhiễm sán lá gan lớn để phòng bệnh phát ra môi trường.
Hơn nữa, loài sán này ký sinh trong trâu bò rất nhiều, vì thế chất thải của trâu bò khi ra ngoài môi trường sẽ gây phát tán rất nhanh. Bởi vậy, để phòng bệnh, chúng ta phải kết hợp với thú y tiêm phòng cho trâu bò”.
Ngoài ra, để phòng bệnh sán lá gan lớn, khi ăn rau sống cần phải rửa rau dưới vòi nước, hoặc ngâm rau trong thuốc tím với nồng độ cho phép để diệt ấu trùng. Đối với sán lá gan nhỏ, người dân tuyệt đối không ăn các món ăn như gỏi cá, cá tải, sống…