Sự việc hàng loạt học sinh hai trường THCS ở quận Bình Thạnh, TP HCM có triệu chứng bất thường đã được Sở Y tế vào cuộc và xác định nguyên nhân sơ bộ ban đầu.
Liên quan đến sự việc một loạt học sinh 2 trường THCS trên địa bàn quận Bình Thạnh có hiện tượng sốt, đau họng, chóng mặt… tối 28/2, Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau khi tổ công tác bao gồm các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành đến thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, hiện đã có kết quả ban đầu.
Theo đó, các học sinh có triệu chứng khả năng cao là do nhiễm siêu vi hô hấp - bệnh khá thường gặp ở trẻ em. Đây là căn bệnh do các tác nhân virus hay gây bệnh ở trẻ em, đa phần diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện. Thực tế, các học sinh ở cả 2 trường đã tự khỏi và không ghi nhận trường hợp cần nhập viện điều trị do tình trạng nặng.
Tổ công tác bao gồm các chuyên gia về nhi khoa, HCDC đến trường THCS Lê Văn Tám trực tiếp thăm khám, xét nghiệm cho các cháu học sinh và nhân viên phục vụ bữa ăn của nhà trường. Ảnh: Suckhoedoisong.vn
Hiện Sở Y tế đã yêu cầu trạm y tế phường hướng dẫn nhà trường thông tin đầy đủ, chính xác đến phụ huynh, học sinh và truyền thông khuyến cáo học sinh rửa tay thường xuyên, ăn sạch uống sạch, đeo khẩu trang khi bị bệnh để không lây lan các bệnh truyền nhiễm trong trường học. Yêu cầu Trung tâm Y tế Quận Bình Thạnh cùng Trạm y tế tiếp tục theo dõi tình hình bệnh tại 2 trường trong những ngày tiếp theo để kịp thời có hướng xử lý phù hợp.
Đồng thời, phụ huynh cần giữ ổn định sinh hoạt của trẻ như cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, vệ sinh mũi họng, giữ ấm cho trẻ, chú ý đeo khẩu trang nhằm tránh gió, bụi, giảm nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với trẻ hay người lớn đang bị bệnh hô hấp.
(Nguồn: Đời sống Tri thức cuộc sống)
Bé gái ngất khi đang học thể dục, BS chỉ ra căn bệnh nguy hiểm nhưng nhiều bố mẹ tưởng con sốt bình thường
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết, Bệnh viện vừa điều trị thành công cho bé Vân Anh bị viêm cơ tim tối cấp bằng phương pháp chạy ECMO. Hiện, bé gái không còn phải phụ thuộc vào hệ thống tim phổi nhân tạo và tiếp tục điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực.
Theo bác sĩ Tiến, trước đó, bé Vân Anh có triệu chứng sốt nhẹ, mệt, đau bụng ói, tiêu lỏng 3 ngày liên tiếp. Khi các triệu chứng này đỡ hơn một chút, gia đình cho em đi học trở lại. Tuy nhiên, trong giờ học thể dục, em bất ngờ bị ngất và được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim.
Sau điều trị ECMO 8 ngày, trẻ được cai ECMO, cai máy thở, tỉnh táo. Ảnh: BSCC.
Sau khi được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, truyền adrenalin, Vân Anh được chuyển đến bệnh viện tuyến trên. Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong trạng thái lơ mơ, môi tái, chi mát, mạch quay nhẹ khó bắt, nhịp tim không đều, thở 26 lần/phút. Từ các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, Vân Anh bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc chống loạn nhịp và đặt ECMO cho bé gái. Sau đó, bé được tiếp tục điều trị thuốc chống loạn nhịp, truyền máu, tiểu cầu, điều chỉnh điện giải, toan kiềm.
Sau 8 ngày chạy ECMO, tim của bé gái hồi phục dần.
Ngoài Vân Anh, trước đó, trong vòng 1 tháng, các bệnh viện nhi khác ở TP.HCM cũng tiếp nhận 4 trẻ bị viêm cơ tim tối cấp, trong đó, 2 trẻ phải chạy ECMO. Trước khi nhập viện, các bé cũng có triệu chứng tương tự bé Vân Anh.
Từ các trường hợp trên, bác sĩ Tiến lưu ý, bắt đầu từ tháng 1-3 hàng năm thường xuất hiện các trường hợp trẻ bị nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim. Triệu chứng của các bé khi trở nặng thường bị sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực. Từ các triệu chứng này nhiều người tưởng con bị sốt siêu vi nên chủ quan.
Vì vậy, bác sĩ Tiến khuyến cáo, khi thấy con có các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp.
* Tên bé gái đã thay đổi.
(Nguồn: Đời sống Tri thức cuộc sống)
Người phụ nữ bị sán chó đóng kén trong tim, chuyên gia cảnh báo những thói quen vô cùng nguy hiểm
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp bị nhiễm sán dây chó ở tim rất hiếm gặp. Được biết, đây là trường hợp thứ 2 ở Việt Nam được phát hiện và công bố.
Nữ bệnh nhân quê Quảng Nam, bị khó thở, mệt nhiều khi gắng sức hơn một năm nay nhưng khám nhiều nơi chưa phát hiện và điều trị dứt điểm. Các bệnh viện người phụ nữ này từng đến khám khẳng định kết quả chụp chiếu cho thấy có nang to chèn ép cơ tim, khiến giảm khả năng co bóp và gây nên triệu chứng giống như suy tim. Trước đó, bệnh nhân cũng được xét nghiệm ký sinh trùng nhưng kết quả âm tính.
Khi tới BV Đại học Y dược TP.HCM, bệnh nhân được chụp MRI và được các bác sĩ hội chẩn quyết định bóc nang ở tim. Quá trình bóc nang cho thấy, nang có vỏ mỏng, nằm trong buồng tim, do tim co bóp liên tục nên khả năng vỡ rất cao. Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, một nang sán to bằng quả bóng bàn, nằm ở thất trái đã được bóc ra trọn vẹn. Dự kiến, vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Sán dây chó có thể xâm nhập và ký sinh bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. (Ảnh minh họa)
TS.BS Trần Thị Huệ Vân, Trưởng bộ môn Vi sinh - Ký sinh, Đại học Y Dược TP. HCM ngay sau đó đã tiến hành xét nghiệm nang sán. Hình ảnh thu được cho thấy sán vẫn còn sống, kết quả định danh là sán dây chó thuộc giống Echinococcus. Theo đánh giá của bác sĩ Vân, trường hợp bị sán dây chó làm tổ ở tim vô cùng hiếm gặp.
GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội) cũng cho biết việc sán dây chó làm tổ ở tim ít gặp, ông cũng từng gặp một số ca bệnh nhưng là ở gan và phổi. GS Đề cảnh báo đây là một loài sán ký sinh trong ruột chó, trứng của chúng theo phân ra ngoài môi trường và phát tán vào đất, bụi, rau... do vậy nếu ăn thực phẩm tái sống, có chứa trứng sán dây chó nguy cơ mắc rất cao.
Với nang sáng chó, cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc nếu hay tiếp xúc gần gũi, thân mật với chó như: ôm hôn, ăn ngủ, chơi đùa cùng chó nuôi trong nhà. Trong đó, trẻ em có nguy cơ cao hơn.
Thói quen ôm ấp chó mèo có nguy cơ bị sán rất cao, nhất là trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Cơ chế gây bệnh là sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương... Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngưng phát triển, nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô. Tại đây, các ấu trùng tạo nên những nang chứa nước trong và chứa các đầu sán gây chèn ép tại chỗ.
Đặc biệt, các đầu sán có khả năng tự nhân lên tới hàng ngàn hàng vạn đầu sán, theo đó nang nước cũng to dần lên. Nguy hiểm nhất là nang nước có thể bị vỡ ra giải phóng hàng vạn đầu sán và bám vào cơ quan phủ tạng khác tạo nên u mới, có thể dẫn đến tử vong.
Để hạn chế việc nhiễm sán dây chó, các bác sĩ khuyến cáo, cả người lớn lẫn trẻ em cần giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch trước khi ăn, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ; thực hiện ăn chín, uống sôi; không có các cử chỉ quá thân mật, gần gũi với chó mèo; nên tắm rửa thường xuyên và xổ giun định kỳ cho chó. Nếu để chó ra vào nhà thì không nên cho trẻ nhỏ chơi đùa, bò lê dưới đất hay bốc thức ăn dưới đất đưa lên miệng.