Mũi 2 vắc-xin Covid-19 có thể tiêm chậm bao lâu so với khuyến cáo?

Ngày 06/09/2021 06:44 AM (GMT+7)

(NLĐO) - Nhiều người băn khoăn việc quá thời gian khuyến cáo tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 có ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ và có phải tiêm lại từ đầu hay không?

Tại Việt Nam, hiện có 5 loại vắc-xin Covid-19 đang được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân theo đối tượng ưu tiên gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Nhà sản xuất các loại vắc-xin này đều khuyến cáo cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vắc-xin Covid-19 hiện nay có sự khác nhau. Cụ thể: vắc-xin Covid-19 AstraZeneca từ 8-12 tuần mới thực hiện tiêm mũi 2; vắc-xin Sputnik V và Pfizer tiêm mũi 2 cách mũi 1 sau 3 tuần; vắc-xin Covid-19 của Sinopharm khoảng cách từ 3-4 tuần và vắc-xin Moderna mũi 2 tiêm sau mũi 1 là 28 ngày.

Trong bối cảnh khan hiếm vắc-xin trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam hiện nay, việc tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thực tế nhiều người đã bị quá hạn tiêm mũi 2 một vài tuần so với khuyến cáo của các hãng sản xuất vắc-xin, không ít người lo ngại "liệu họ có phải tiêm lại từ đầu?".

Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), cho biết những khuyến cáo về mốc thời gian tiêm chủng vắc-xin Covid-19 (khoảng cách giữa hai mũi tiêm) mà nhà sản xuất đưa ra là lý tưởng nhất và trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vắc-xin. 

Còn trong tình trạng thiếu vắc-xin như hiện nay ở Việt Nam, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc-xin. "Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vắc-xin"- bác sĩ Huyền khẳng định.

Cũng theo bác sĩ Huyền, hiện nay chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao lâu. Thực tế, việc tiêm vắc-xin chậm hơn so với khuyến cáo này đã từng xảy ra với nhiều loại vắc-xin khác ở trẻ nhỏ. Việc chậm trễ tiêm vắc-xin Covid-19 trong một khoảng thời gian nhất định, đến mũi tiêm sau vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả của vắc-xin.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19

"Nếu nguồn cung ứng vắc-xin Covid-19 còn hạn chế, người dân đã tiêm mũi 1 cần kiên nhẫn, chờ đến lượt được thông báo đi tiêm mũi 2. Khi được tiêm mũi 1 là bạn đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định. Cùng đó, khi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nguy cơ khiến bệnh nặng, phải nhập viện (nếu nhiễm bệnh) giảm đi rất nhiều, lên tới 90%"- bác sĩ Huyền giải thích.

Trước đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm vắc-xin Covid-19, trong đó nêu rõ những người đã tiêm mũi 1 với loại vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó.

Trong trường hợp nguồn vắc-xin Covid-19 hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc-xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin do AstraZeneca sản xuất (nếu người được tiêm chủng đồng ý). Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần. Không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca.

Với những người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin do Sinopharm, Moderna sản xuất thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc-xin cùng loại.

Giới chuyên môn cũng khuyến cáo kể cả khi người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, vẫn cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K, bởi sau tiêm vắc-xin vẫn có khả năng lây lan bệnh cho người khác và không vắc-xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%.

Vì sao tiêm liều 2 vắc xin ngừa COVID-19 lại dễ gặp phản ứng mạnh hơn liều 1?
Khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2 thường sẽ có phản ứng tăng nặng hơn mũi 1 nhưng bạn không nên quá lo lắng.

Vắc xin COVID-19

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vắc xin COVID-19