Sắp tiêm vắc xin phòng COVID-19, nên ăn uống gì để hạn chế các tác dụng phụ?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 02/09/2021 07:00 AM (GMT+7)

Việc bổ sung dinh dưỡng trước và sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 có làm giảm được những tác dụng phụ? Thắc mắc này sẽ được PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Phụ trách phòng khám dinh dưỡng Viam giải đáp.

Hoàng Bình Sinh (binhsinh78@gmail.com)

Đầu tháng 9 tới tôi đến lịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng qua hỏi bạn bè tôi thấy người đã tiêm rồi thường có biểu hiện rất mệt mỏi. Một số người nói rằng trước và sau khi tiêm cần ăn uống tốt thì sẽ hạn chế được tác dụng phụ.

Bác sĩ cho tôi hỏi, trước và sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 nên bổ sung dinh dưỡng như thế nào để hạn chế thấp nhất được tác dụng phụ?

Sắp tiêm vắc xin phòng COVID-19, nên ăn uống gì để hạn chế các tác dụng phụ? - 1
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh

Đây là câu hỏi tôi nhận được khá nhiều trong thời gia qua, trên mạng cũng xuất hiện nhiều thông tin. Tuy nhiên, có những thông tin thiếu khoa học, mang tính quảng cáo, thần thánh hóa một số thực phẩm… nên cần phải hết sức lưu ý.

Dưới góc độ dinh dưỡng tôi có một số ý kiến như sau:

Trước hết, do chưa hiểu rõ về vắc xin cũng như một số tác dụng phụ sau khi tiêm có thể xảy ra, nên nhiều bạn quá lo sợ, nghĩ ngay những biến chứng nặng hoặc xấu nhất có thể vận vào mình, từ đó lo lắng mất ngủ, huyết áp tăng lên khi đến bàn tiêm, và phải đo đi đo lại nhiều lần. 

Một số bạn có tiền sử dị ứng với một số loại thực phẩm, thuốc men... cũng không sao cả, bạn vẫn nên đến cơ sở tiêm chủng trao đổi với bác sĩ tại đó, họ sẽ quyết định tiêm ngay hay gửi lên bệnh viện để tiêm phòng. Đa số các loại dị ứng đều không có vấn đề gì khi tiêm, chỉ cần theo dõi cẩn thận hơn là được.

Dinh dưỡng trước khi tiêm

Tôi khuyến cáo không cần phải chuẩn bị đồ ăn thức uống cầu kỳ, vẫn ăn uống như ngày thường và lưu ý thêm một số điểm:

- Không để bụng đói khi đến tiêm, vì bụng đói cộng thêm tinh thần lo lắng có thể gây cảm giác cồn cào, buồn nôn, tăng nhịp tim... Do vậy bạn nên ăn nhẹ trước khi đến tiêm: hoa quả, bánh ngọt... 

- Nên mang theo 1 chai nước (500-700ml), có thể là nước hoa quả pha loãng, uống ít một trong khi chờ đợi tiêm, hoặc trong 30 phút chờ khi theo dõi. 

Sắp tiêm vắc xin phòng COVID-19, nên ăn uống gì để hạn chế các tác dụng phụ? - 2

Không uống cà phê trước và sau khi tiêm vắc xin.

- Không nên uống rượu bia, trà đặc, cà phê trước và sau khi tiêm, vì chúng có thể kích thích thần kinh, làm tăng nhịp tim, huyết áp, tăng mức độ căng thẳng của bạn, thậm chí làm giảm đáp ứng miễn dịch của vắc xin.

Dinh dưỡng sau tiêm

Về cơ bản bạn vẫn ăn uống như hàng ngày nếu không có dấu hiệu bất thường gì lớn. Khi có dấu hiệu đau đầu, đau cơ bắp, sốt, mệt mỏi...thì cần chú ý uống thêm nhiều nước (nước oresol, nước hoa quả), 2-3 lít/ngày, uống rải đều trong ngày; ăn các món nhiều nước, dễ tiêu (cháo, súp, mỳ, phở...); tăng quả chín (cam, xoài, chuối, đu đủ...) tùy theo sở thích.

Sắp tiêm vắc xin phòng COVID-19, nên ăn uống gì để hạn chế các tác dụng phụ? - 3

Sau tiêm vắc xin nếu có biểu hiện mệt mỏi nên ăn món nhiều nước, lỏng để dễ tiêu hóa.

Có thể dùng thêm vài loại thuốc bổ: viên đa vitamin/ vitamin C; viên khoáng chất canxi, vitamin D, kẽm, magiê; viên omega 3-6, giúp tăng cường miễn dịch và chuyển hóa. Khi uống lưu ý, cần dùng đúng liều hướng dẫn, không phải uống càng nhiều càng tốt.

Một chế độ ăn cân đối, đủ các chất dinh dưỡng (đạm, béo, bột đường, vitamin và chất khoáng) là cơ sở cho một cơ thể, một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Không có một loại thức ăn, một loại thực phẩm nào có thể thay thế được.

Ngoài ra, cũng có thể dùng nước gừng, nước sả, chanh, tỏi...do tinh dầu của chúng có tính kháng khuẩn, để súc họng hoặc xông mũi họng vài lần trong ngày, nhưng chúng cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ. 

Nếu bạn không yên tâm về các dấu hiệu sức khỏe của mình thì gọi điện tư vấn bác sĩ, trường hợp có dấu hiệu sức khỏe bất thường sau tiêm vắc xin cần đến cơ sở y tế để theo dõi.

Vắc xin tốt nhất là tiêm sớm nhất có thể, kết hợp với biện pháp 5K mà Bộ Y Tế khuyến nghị. Sau tiêm nên vận động, tập thể dục nhẹ nhàng, không nên tập nặng làm cơ thể mệt mỏi thêm. Bình tĩnh tự tin phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua đại dịch.

Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. 

Vì sao tiêm liều 2 vắc xin ngừa COVID-19 lại dễ gặp phản ứng mạnh hơn liều 1?
Khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2 thường sẽ có phản ứng tăng nặng hơn mũi 1 nhưng bạn không nên quá lo lắng.

Vắc xin COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Xuân Ninh