Kết thúc đợt nghỉ Tết dài, thay vì phấn chấn bắt đầu công việc trong năm mới, nhiều người lại cảm thấy mỏi mệt, thậm chí ngã bệnh.
Bước xuống xe sau 5 giờ di chuyển từ Bình Thuận lên TP HCM, ông Ng.V.G (48 tuổi) cảm thấy người rất khó chịu. Trước khi lên xe, ông đã trải qua những ngày nghỉ Tết tại quê mẹ với những bữa tiệc vui triền miên suốt cả tuần. Thế nhưng, kết cục của những ngày nghỉ dài lại là một cơn nhức đầu dữ dội với trái tim đập mạnh như trống dồn.
Cần nghỉ ngơi thực chất
Do cơn nhức đầu, choáng váng kéo dài nên ông G. được một người cháu đưa đến phòng khám gần nhà và phát hiện ông bị tăng huyết áp khá cao nhưng may là sau khi uống thuốc, tình trạng đã ổn định. Bác sĩ khuyên từ nay ông nên có vài ngày nghỉ ngơi thực sự, tức có chế độ ăn uống, vận động, ngủ nghỉ hợp lý để lấy lại sức khỏe sau một tuần với rượu bia quá đà.
Những trường hợp như ông G. không hiếm gặp ở các bệnh viện (BV), phòng khám trong thời điểm này. Trái với tâm trạng vui vẻ, sảng khoái khi trút bỏ được công việc, bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhiều người bắt đầu tuần làm việc mới trong trạng thái còn mệt mỏi hơn trước khi nghỉ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chế độ ăn uống và thời gian biểu xáo trộn của đa số người trong dịp Tết. Càng nguy hiểm hơn khi một số người đang mắc các căn bệnh mà sự xáo trộn này có thể ảnh hưởng rất lớn như: huyết áp cao, huyết áp thấp và các bệnh tim mạch khác, đái tháo đường, gút…
Theo bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Thống Nhất, điều quan trọng nhất là phải đánh giá được tình trạng mệt mỏi sau khi nghỉ ngơi là thông thường hay do bệnh lý. Nếu là cơn mệt mỏi thông thường thì có thể tự khắc phục bằng cách lập lại chế độ ăn uống, sinh hoạt; còn nếu do bệnh lý thì nên được thăm khám. Nhóm người đã từng được chẩn đoán mắc các bệnh kể trên nên nhanh chóng dùng những dụng cụ cần thiết để tự kiểm tra sơ lược sức khỏe của mình, như đo đường huyết, huyết áp…
Những ngày nghỉ với các bữa ăn giàu đạm, đường, bia rượu có thể khiến nhiều người mệt mỏi khi trở lại công việc (Ảnh: TẤN THẠNH)
Cho cơ thể “xả hơi”
Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, những cơn mệt mỏi, khó chịu thông thường do tiêu thụ nhiều thứ quá độ trong kỳ nghỉ Tết có thể được khắc phục dễ dàng bằng cách cho cơ thể “xả hơi” trong vài ngày. Ví dụ, Tết là thời điểm đa số người đều ăn uống nhiều hơn thường ngày, nhiều đạm, bột, đường…, vì vậy một ngày ăn uống đơn giản với số lượng ít sau Tết có thể giúp cơ thể khỏe hơn. Nên ăn ít, ăn những thứ dễ tiêu như cháo, rau xanh… và uống nhiều nước trong ngày để cơ thể lập lại sự cân bằng.
“Một trong những vấn đề khó chịu nhất sau những bữa tiệc Tết là chứng đầy bụng. Có khá nhiều thực phẩm có thể giải quyết vấn đề này như dưa hấu, dứa, dừa…; các thức uống như trà xanh, atisô, rau má… Với người cảm thấy say, choáng váng sau các bữa tiệc rượu, có thể uống nước trà gừng, chanh gừng sẽ giúp giảm mệt mỏi nhanh chóng” - lương y Đinh Công Bảy khuyên.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, một phần cảm giác mệt mỏi sau những ngày nghỉ Tết có thể xuất phát từ việc trải qua quá nhiều ngày với thời gian biểu thất thường, kém vận động. Vì vậy, trong một số trường hợp, cố gắng ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ trở lại, khởi động cơ thể bằng một ngày làm việc nhẹ nhàng… cũng là liều thuốc hữu hiệu.
Khi nào nên đến bệnh viện? Theo bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, một số tình huống nguy hiểm như tăng huyết áp cần được xử lý đúng. Ví dụ, nếu kiểm tra thấy huyết áp tăng nhiều, nên nghỉ ngơi một lúc rồi đo lại. Nếu nghỉ cả giờ mà huyết áp vẫn tăng thì nên đến BV ngay. Các bệnh về đường tiêu hóa cũng có thể xảy ra sau kỳ nghỉ Tết, đa số vẫn là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi hoặc chỉ uống thuốc thông thường nhưng cũng có một số trường hợp bệnh nặng, không vào viện sẽ nguy. Người bị ngộ độc thực phẩm, bị những cơn đau do gút cũng thuộc nhóm nên vào BV. Nói chung, nếu cảm thấy cơ thể quá mệt mỏi, đau dữ dội ở vùng cơ thể nào đó, không ăn uống hay làm việc gì nổi… thì nên đi gặp bác sĩ. |