Hội chứng tự hủy hoại bản thân không chỉ có Hương Tràm mắc phải mà rất nhiều bạn trẻ cũng thường mắc hội chứng này, nguyên nhân là do căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
Bệnh hay gặp ở những người trẻ tuổi
Mới đây, ca sĩ Hương Tràm đăng hình ảnh lên mạng xã hội, kèm theo đó là dòng tâm sự: "Làm sao ngưng việc này lại hả Tràm". Theo như chia sẻ của người quản lý ca sĩ Hương Tràm, thời gian gần đây nữ ca sĩ này thường hay bị stress và mỗi khi như vậy, cô lại tự ngồi bóc da tay mình, thậm chí là bóc cho đến khi chảy máu.
Trước hành động của nữ ca sĩ Hương Tràm, các chuyên gia y tế đều nhận định, rất có khả năng ca sĩ này đang gặp phải hội chứng tự ngược đãi bản thân. GS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y, khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103 cho biết, để có thể chẩn đoán chính xác bệnh thì cần phải thăm khám trực tiếp.
Dòng chia sẻ của Hương Tràm khiến nhiều fan lo lắng.
Tuy nhiên theo như những chia sẻ của Hương Tràm, thì việc ngồi tự bóc da tay mình đến mức chảy máu là biểu hiện của Hội chứng tự ngược đãi bản thân.
Đồng quan điểm trên TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các vấn đề stress (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, khả năng nữ ca sĩ này mắc Hội chứng tự ngược đãi bản thân là rất cao.
Theo TS Tâm, hội chứng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Qua quá trình khám và điều trị bệnh, TS Tâm cũng gặp không ít các trường hợp tự ngược đãi bản thân mình.
Điển hình là trường hợp của một nữ sinh viên (21 tuổi) có hành vị tự hủy hoại bản thân bằng cách dùng dao lam rạch tay chân dẫn đến chảy máu. Được biết, nữ sinh này có học lực giỏi, muốn được đi du học ở nước ngoài, nhưng gia đình không đủ điều kiện.
TS Dương Minh Tâm chia sẻ về ca bệnh nữ sinh 21 tuổi tự hủy hoại bản thân.
Việc mong muốn không trở thành hiện thực khiến em không thoải mái về tâm trí, dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, hay hồi hộp, tức ngực, cảm giác ngột ngạt khó thở nhưng không biết chia sẻ cùng ai.
Từ đó, cô gái này xuất hiện ý tưởng dùng dao lam cắt tay để giải tỏa tâm lý. Đáng nói là khi cắt tay, bệnh nhân không hề cảm thấy đau, mà lại thấy thoải mái hơn. Sau khi gia đình phát hiện, bệnh nhân được đưa đến viện điều trị, đồng thời nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn từ phía gia đình, bạn bè.
Nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện kịp thời
TS Tâm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự ngược đãi bản thân đó là do căng thẳng trong các vấn đề đời sống, xã hội hoặc sự bất mãn bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và được đáp ứng của cá nhân.
Tự hủy hoại bản thân nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm.
Trước khi có hành vi ngược đãi bản thân, thường người bệnh xuất hiện một số biểu hiện buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, luôn có cảm giác ức chế; tim đập nhanh, hay bị đánh trống ngực, cơ bị run mỏi, cảm thấy có cục ở họng, khó nuốt, vã mồ hôi…
Một số bệnh nhân có những rối loạn của hệ thần kinh trung ương như chóng mặt, cảm giác ruồi bay trước mắt, nhìn khó, nhìn đôi, đau đầu, mất ngủ, tập trung kém, mệt.
Khi mắc hội chứng này, nếu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, đưa người bệnh về trang thái tâm lý bình thường thì sẽ không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu để kéo dài, hội chứng ngày càng nặng thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Khi đó, mức độ tự làm hại bản thân sẽ tăng lên, gây sát thương cao đối với cơ thể như: rạch da chảy máu, hủy hoại 1 bộ phận trên cơ thể, lao đầu vào tường…Đối với những trường hợp này cần phải đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Để đề phòng căn bệnh này, TS Dương Minh Tâm cho rằng, đối với những người trưởng thành nên cân bằng cuộc sống, tránh để căng thẳng dẫn đến stress. Khi có các biểu hiện như đã nói trên, cần phải có sự điều chỉnh phù hợp, thậm chí là nhờ đến sự thăm khám của bác sĩ.
Còn đối với trẻ nhỏ, đặc biệt độ tuổi thanh thiếu niên, gia đình, nhà trường cần phải có sự quan tâm lúc nơi, đúng lúc, đúng chỗ. Nắm bắt tâm lý trẻ để có sự tư vấn kịp thời, nhất là những trẻ đang trong độ tuổi thay đổi tâm sinh lý.