Chăm sóc trẻ sốt rất quan trọng vì vừa phải giúp trẻ tăng sức đề kháng, nhanh hạ sốt để không phải đi viện. Nhưng không nên chườm nước lạnh khi bị sốt.
Con bị sốt vội lo đi viện
Bố mẹ bé Nhím (Thụy Khuê, Hà Nội) đang lo lắng vì sau mấy ngày nghỉ tranh thủ cho con về thăm quê ngoại, chả rõ do thay đổi môi trường, hay do con bêu nắng mà từ lúc trở về nhà tới giờ bé lờ đờ vì mệt, mặt đỏ, sờ vào trán nóng hơn bình thường.
Mẹ Nhím định pha nước ấm để làm mát cho con, nhưng bố Nhím bảo phải dùng nước mát lau cho nhanh hạ chứ sao lại dùng nước ấm. Và bố bưng chậu nước mát vào.
Sau khi lau khắp người cho con, thấy con có vẻ nóng hơn, mẹ bé đo nhiệt độ thấy Nhím đã sốt tới 38,5 độ C. Thế là bố mẹ chả kịp ăn uống hò nhau chở con gấp vào bệnh viện.
Từ nhà tới bệnh viện khoảng 3km, không biết do trên đường đi buổi tối mát mẻ dễ chịu thế nào, đến bệnh viện bác sĩ đo nhiệt độ của bé còn 37,5 độ.
Ảnh minh họa.
Việc cần làm khi trẻ sốt
Theo hướng dẫn của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ có dấu hiệu sốt, bố mẹ đừng quá lo sợ để bình tĩnh xử lý sốt. Đầu tiên cho trẻ vào nằm nghỉ ở phòng thoáng, tránh gió lùa, dù mùa đông hay mùa hè cũng hạn chế người ở bên trẻ, và nới bớt quần áo cho trẻ.
Chườm ấm hạ sốt
Chuẩn bị chườm ấm hạ sốt bằng các đồ sau:
- 5 khăn nhỏ (loại có thể thấm nước là tốt nhất).
- Nhiệt kế
- Pha chậu nước ấm chườm sốt với tỉ lệ 2 gáo nước lạnh, 1 gáo nước nóng (để nước ấm khoảng 37 độ là vừa). Kiểm tra nhiệt độ nước vừa hay chưa bằng cách nhúng khuỷu tay vào chậu nước, nếu có cảm giác ấm như nước tắm cho trẻ là được.
Sau đó đặt trẻ nằm ngửa, cởi bỏ bớt quần áo (nếu mặc nhiều), hoặc nới rộng quần áo của trẻ (nếu chỉ mặc 1 áo).
Nhúng khăn vào chậu nước, vắt ráo rồi lau toàn thân cho trẻ ở các vị trí như trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân.
Có thể đặt khăn trên trán, hai bên hõm nách và hai bên bẹn của trẻ để hạ nhiệt.
Khi khăn bớt ấm, nhúng lại vào chậu nước, vắt ráo nước và lặp lại, làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm.
Nếu nước hết ấm thì thay chậu nước khác, hoặc cho thêm nước nóng, kiểm tra lại nhiệt độ nước và lau người tiếp cho trẻ.
Sau 15-30 phút làm mát thì đo kiểm tra nhiệt độ.
Dừng chườm cho trẻ khi nhiệt độ < 37,5°C. Lau khô người và mặc lại quần áo mỏng cho trẻ.
Bố mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ liên tục. Ảnh minh họa.
Chườm vuốt:
Điều dưỡng trưởng Lê Thị Hoà Bình (khoa Sơ sinh, BV Nhi TƯ) hướng dẫn cách chườm vuốt như sau:
- Lau cho trẻ bằng khăn ướt từ trán đến nách, vuốt từ mặt trong cánh tay, cẳng tay và lòng bàn tay.
- Sau đó vuốt từ bẹn đến mắt cá chân từ trong đùi xuống bắp chân và lòng bàn chân. Tiếp tục chườm vuốt từ gáy dọc xuống mông .
Chú ý:
- Khi chườm cho trẻ động tác phải nhẹ nhàng, tránh chà xát làm tổn thương da, gây đau rát, mẩn đỏ.
- Thay nước liên tục và chườm sau 20 phút cặp lại nhiệt độ. Trong khi chườm vuốt nếu thấy trẻ rét phải dừng ngay.
- Sau khi chườm phải lau khô người trẻ.
- Tuyệt đối không chườm cho trẻ bằng nước lạnh vì mạch máu, lỗ chân lông co lại làm cho nhiệt không thoát ra ngoài, khiến trẻ sẽ sốt cao hơn.
Chú ý cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước hoa quả. Ảnh minh họa.
Khi nào thì dùng thuốc hạ sốt?
Bố mẹ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ở nách ≥ 38°C.
Tốt nhất là dùng Paracetamol với liều từ 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách 4 – 6 giờ theo chỉ định của bác sĩ.
Cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước.
Ảnh minh họa.
Chăm sóc trẻ bị sốt đúng cách tại nhà?
Theo các bác sĩ, việc chăm sóc trẻ trong giai đoạn trẻ sốt rất quan trọng giúp trẻ tăng sức đề kháng, nhanh chóng hạ sốt theo 3 bước sau:
1: Theo dõi nhiệt độ và cho hạ nhiệt khi cần thiết
- Các bố mẹ cần theo dõi nhiệt độ trẻ thường xuyên, cho hạ nhiệt khi cần để trẻ dễ chịu.
- Dùng Paracetamol dạng uống và dạng đặt hậu môn (thường được dùng cho trẻ sốt) với liều lượng 10mg/kg/lần ( 4-6 tiếng/lần).
2: Bù nước đầy đủ cho trẻ
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước (nước hoa quả, nước súp, oresol…)
- Trẻ uống đủ nước thì cách 4 giờ sẽ đi tiểu 1 lần.
3: Theo dõi các dấu hiệu bất thường
Bố mẹ cần chườm ấm hạ sốt kịp thời và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ. Đồng thời luôn theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo (như nghi ngờ trẻ bị mất nước, xuất hiện co giật, phát ban, xuất hiện thay đổi tri giác, trẻ thở nhanh, sâu, thở khó khăn, đau đầu liên tục, nôn nhiều, trẻ có bệnh mãn tính khác, đang điều trị thuốc kéo dài) là phải nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất.
Theo dõi khi thấy không hạ sốt, xuất hiện phát ban... cần đưa trẻ đi viện ngay. Ảnh minh họa.
Dự phòng sốt cao co giật
Theo Ths. ĐD Nguyễn Thị Thu Hằng (Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi TƯ), nếu trẻ đã có tiền sử sốt cao co giật thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa Nhi khám để tìm nguyên nhân sốt và điều trị ngay, sử dụng các thuốc dự phòng co giật theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu cặp nhiệt độ thấy thấp hơn 36 độ là bị hạ nhiệt độ.
Từ 37.5-38 độ C là có sốt; Từ 38-39 độ C là đã sốt vừa. Từ 39 độ C là đã bị sốt cao.
Khi trẻ bị sốt, cần cho trẻ uống nhiều nước và bú nhiều, giữ vệ sinh ăn uống, đồ dùng cho trẻ.
Dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sỹ, thông thường có thể sử dụng Efferagan loại bột, viên đút hậu môn, viên nén hàm lượng 80-150-250 mg (tính theo cân nặng 10-15mg/kg).
Nếu sốt kèm ỉa chảy, khó thở,co giật phải đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất.