Không chỉ quả mướp mà lá mướp cũng ăn được và đem lại nhiều tác dụng không ngờ cho sức khỏe.
Mướp là món ăn dân dã trong nhiều gia đình. Mướp không chỉ là một loại rau mà còn đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Mướp là một loại cây thảo dạng dây leo. Lá mọc so le, dạng tim, có 5 – 7 thùy có răng. Hoa đơn tính, các hoa đực tập hợp thành chùm dạng chùy, các hoa cái mọc đơn độc. Quả mướp dài 25 - 30 cm hoặc hơn, rộng 6 - 8 cm, hình trụ thuôn, khi già thì khô, bên trong có nhiều xơ dai.
Quả mướp chứa protein, gluxit, canxi, phosphor, beta-caroten và vitamin C, ngoài ra còn có chất nhầy và kalinirat... Những chất và hợp chất này đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như chống viêm, thanh nhiệt, giải độc, chữa đau họng, ho, hen suyễn, chữa đau răng, đau lưng, đau bụng kinh, đau đầu, giảm tắc sữa, viêm bàng quang, tốt cho hệ tiêu hóa và xương khớp, làm đẹp da...
Ngoài quả mướp ra, một bộ phận khác trên cây mướp cũng có tác dụng chữa bệnh, đó là lá mướp. Theo y học dân gian, lá mướp có tính hơi hàn, vị chua đắng, có tác dụng chống viêm, thanh nhiệt, giải độc, điều trị mụn, ghẻ lở, giảm ho, tiêu thũng...
Lá mướp có thể sử dụng quanh năm dưới nhiều dạng bài thuốc chữa bệnh khác nhau.
Tác dụng của lá mướp
Dưới đây là một số bài thuốc hoặc cách sử dụng lá mướp vừa đơn giản, vừa hiệu quả cho sức khỏe của bạn:
Lá mướp trị viêm họng: Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy một vài lá mướp rửa sạch, đem giã nhỏ rồi thêm ít muối hạt và nước vào, sau đó đem chắt bỏ phần bã để lấy phần nước, dùng nước cốt này để uống hoặc ngậm mỗi lần một ít, ngày 3-4 lần.
Lá mướp trị ho, ho có đờm, viêm họng:
- Cách 1: Mỗi ngày dùng 10-15 g lá mướp sắc với nước uống.
- Cách 2: Dùng lá mướp tươi giã nát, thêm chút muối và nước rồi chắt lấy phần nước cốt để uống.
- Cách 3: Dùng 15-20 g lá mướp nấu thành cao lỏng để uống, mỗi lần uống khoảng 0,5 ml.
Lá mướp trị mụn nhọt, lở loét ngoài da, nước ăn chân tay, vết thương nhỏ: Lấy vài lá mướp rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng da bị mụn nhọt, tổn thương để tiêu viêm, giảm sưng, nhanh lành vết thương.
Lá mướp chữa phù thũng: Phù thũng là tình trạng nước, dịch trong cơ thể không thoát ra ngoài được mà tích tụ bên trong các mô của cơ thể, gây sưng, phù và đau nhức, thường gặp nhất ở phần chân dưới và bàn tay, bụng hoặc ngực. Lá mướp có khả năng chữa phù thũng khá hiệu quả. Dùng 15 g lá mướp tươi, 10 g cây ngũ vị (cây cứt lợn) đem thái nhỏ, phơi hoặc sao khô, sau đó sắc lấy nước uống, sử dụng liên tục trong 5-7 ngày sẽ thấy hiệu quả rõ rêt.
Lá mướp chữa chảy máu răng lợi, nứt nẻ đầu vú: Lá mướp đem phơi khô, đốt tồn tính (đốt cháy nhưng không để cháy thành tro), tán thành bột mịn, hòa với dầu vừng, bôi lên ngực và chân răng.
Lá mướp trị mụn trứng cá, làm mờ nám, đẹp da: Lá mướp có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm nên rất có tác dụng trong việc điều trị mụn nhọt. Chỉ cần lấy và lá mướp rửa sạch, giã nát, chắt lấy nước rồi dùng nước này bôi lên da, sẽ giúp mụn trứng cá nhanh biến mất, làm mờ dần các sắc tố trên da, giúp da mềm mịn, trắng sáng hơn.
Nguồn tham khảo: Cây mướp làm thuốc - Sức khỏe đời sống - Xuất bản ngày 22/2/2020 |