Rau má là loại thực phẩm không chỉ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày mà còn đem lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe mà có thể bạn không ngờ đến.
Đặc điểm của rau má
Rau má có tên tiếng Anh là Gotu Kola, tên khoa học là Centella asiatica, là loại rau rất quen thuộc. Rau má thuộc họ thân thảo, có nguồn gốc từ Úc, các đỏa Thái Bình Dương, quần đảo New Guinea và châu Á. Lá rau má có hình dạng tròn, trông giống những đồng xu xếp cạnh nhau. Cây rau má thường mọc bò ở khắp nơi, nhất là chỗ ẩm và mát. Hoa của cây rau má có màu trắng, khi kết quả chuyển thành màu đen.
Dinh dưỡng trong rau má
Trong rau má có chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và hợp chất dinh dưỡng có lợi như: beta carotene, sterol, saponin, alkaloid, flavonol, saccharide, canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm, các loại vitamins B1, B2, B3, C, K...
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rau má có tác dụng tăng cường trí não, chữa lành các vấn đề về da, tăng cường sức khỏe gan và thận. Trong y học cổ truyền, rau má được coi là "loại thảo mộc của tuổi thọ".
Tác dụng của rau má
Dưới đây là những công dụng chính của rau má:
1. Tăng cường chức năng nhận thức
Một nghiên cứu năm 2016 đã so sánh tác dụng của chiết xuất rau má và axit folic trong việc tăng cường chức năng nhận thức sau đột quỵ. Nghiên cứu này đã chia nhỏ 3 nhóm người: 1 nhóm dùng 1.000 mg chiết xuất rau má mỗi ngày, 1 nhóm dùng 750 mg chiết xuất rau má mỗi ngày, 1 nhóm dùng 3 mg axit folic mỗi ngày.
Kết quả cho thấy cả chiết xuất rau má và axit folic đều có lợi như nhau trong việc cải thiện nhận thức tổng thể, nhưng rau má lại hiệu quả hơn trong việc cải thiện trí nhớ. Từ đó cho thấy, rau má có lợi cho trí nhớ và hệ thần kinh, tăng khả năng tập trung, cải thiện học tập và làm việc.
2. Hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer
Rau má có khả năng tăng cường trí nhớ và hỗ trợ chức năng thần kinh, do đó nó cũng có tiềm năng trong việc điều trị bệnh Alzheimer - chứng mất trí nhớ thường gặp ở người già.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy việc sử dụng chiết xuất rau má có tác dụng bảo vệ tế bào não khỏi độc tính, từ đó giúp bảo vệ tế bào não hình thảng mảng bám liên quan đến bệnh Alzheimer.
3. Giảm lo lắng và căng thẳng
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng rau má có tác dụng giảm stress và căng thẳng, chống lo âu, giảm tình trạng thiếu ngủ - tình trạng gây nên lo lắng, tổn thương oxy hóa và viêm thần kinh.
4. Hỗ trợ chống trầm cảm
Tác dụng tích cực của rau má đối với chức năng não giúp loại rau này có thể hoạt động giống như một loại thuốc chống trầm cảm hiệu quả.
Một nghiên cứu thực hiện năm 2016 trên những người mắc chứng rối loạn lo âu cho thấy, việc sử dụng chiết xuất rau má thay cho thuốc chống trầm cảm trong vòng 60 ngày giúp giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Nó cũng tác động tích cực đến một số yếu tố của chứng trầm cảm hành vi, bao gồm trọng lượng cơ thể, nhiệt độ cơ thể và nhịp tim.
5. Cải thiện lưu thông và giảm sưng
Rau má có tác dụng làm giảm các vấn đề liên quan đến giữ nước, sưng và tuần hoàn. Bên cạnh đó, rau má cũngcó thể hữu ích trong việc điều trị giãn tĩnh mạch nhờ khả năng trao đổi chất tích cực trên mô liên kết của thành mạch.
6. Cải thiện chứng mất ngủ
Với khả năng điều trị lo âu, căng thẳng và trầm cảm, rau má cũng có công dụng cải thiện chứng mất ngủ. Thảo dược này là giải pháp thay thế an toàn cho các loại thuốc kê đơn để điều trị chứng mất ngủ và các chứng rối loạn giấc ngủ khác.
7. Giảm sự xuất hiện của các vết rạn da
Theo một nghiên cứu năm 2013, rau má có khả năng làm giảm sự xuất hiện của các vết rạn da. Điều này có được là nhờ hợp chất terpenoids trong rau má làm tăng sản xuất collagen trong cơ thể, từ đó ngăn chặn các vết rạn da mới hình thành, cũng như giúp chữa lành các vết rạn da đang có.
8. Thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và giảm sẹo
Rau má có khả năng chữa lành vết thương và tránh để lại sẹo. Nếu bị thương nhẹ do vật sắc nhọn, vết rách không đều do chấn thương lực cùn hay mô bị nhiễm trùng, có thể băng bó vết thương bằng rau má để cầm máu và chữa vết thương nhanh hơn.
9. Giảm đau khớp
Nhờ có các đặc tính chống viêm của mình, rau má còn có một công dụng tuyệt vời nữa là giảm đau khớp, xói mòn sụn và xói mòn xương, hữu ích trong việc điều trị viêm khớp. Tác dụng chống oxy hóa của rau má cũng có tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch.
10. Thanh nhiệt, giải độc, làm đẹp da
Trong y học cổ truyền, rau má có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc cơ thể vô cùng tốt, từ đó giúp gan và thận khỏe mạnh hơn, ngoài ra còn giúp làm đẹp da, giảm mụn, chống viêm.
Bên cạnh đó, rau má còn có tác dụng lợi tiểu nhẹ, từ đó kích thích cơ thể thải ra các độc tố, muối, nước và thậm chí là chất béo dư thừa trong cơ thể qua đường tiểu. Quá trình thanh lọc cơ thể này giúp giảm bớt áp lực đối với thận và nhìn chung giúp thải độc tố nhanh chóng đồng thời vẫn giữ cơ thể khỏe mạnh và cân bằng dịch.
Những lưu ý khi sử dụng rau má
Những người không nên dùng rau má:
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
- Người bị bệnh viêm gan hoặc các bệnh về gan khác.
- Người có tiền sử bị ung thư da.
- Người đang mong muốn thụ thai.
- Người chuẩn bị có lịch trình phẫu thuật.
Những người nên hạn chế hoặc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn sử dụng rau má:
- Người bị bệnh gan.
- Người bị bệnh tiểu đường.
- Người có hàm lượng cholesterol cao.
- Người đang dùng thuốc lợi tiểu.
- Người đang dùng thuốc an thần để điều trị chứng mất ngủ hoặc lo âu.
Nguồn tham khảo: Everything You Need to Know About Gotu Kola - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 18/9/2018. |