Đây là loại muối lành mạnh, được sản xuất thủ công ở Nam Định, Đà Nẵng nhưng nhiều người vẫn chưa biết được lợi ích khi dùng loại muối này để tận dụng.
Muối là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của người Việt. Nó vừa có vai trò nêm nếm món ăn, vừa thể hiện nét văn hóa ẩm thực lâu đời của người Việt đó là luôn ưa thích những món đậm đà.
Thực tế, muối không chỉ được thêm vào đồ ăn khi nấu mà còn được dùng để chấm thực phẩm. Điều đó đã vô tình gây ra tình trạng người Việt tiêu thụ lượng muối quá lớn.
Theo thống kê, mỗi người trưởng thành tại Việt Nam tiêu thụ tới 9,4g muối/ngày, cao gần gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch khác. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây những rối loạn khác cho sức khỏe. Do đó, nhu cầu tìm kiếm những loại gia vị lành mạnh hơn muối là rất cao.
Ít người biết tại nước ta có một loại muối an toàn hơn, có thể dùng để thay thế muối ăn thông thường, đó là Muối biển nhạt.
ThS.BS Dương Quốc Phong (Bệnh viện Thống Nhất, giảng viên Khoa Y, Đại học Quốc Gia TP.HCM) cho biết: Muối biển nhạt là loại muối biển tự nhiên có hàm lượng natri (hay sodium) giảm từ 20-30% so với muối ăn bình thường. Tuy nhiên, nó vẫn có vị mặn do đã được thay thế bởi những thành phần khác như canxi, magie, đặc biệt là kali.
Muối biển nhạt thay thế natri bằng kali mang lại nhiều lợi ích. Tăng lượng kali - vi chất mà hầu hết mọi người ở nhiều quốc gia không tiêu thụ đủ, chất này giúp làm giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu còn cho thấy việc thay thế muối có hàm lượng natri thấp giúp ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ.
Người dân sản xuất muối theo phương pháp phơi cát truyền thống tại xã Bạch Long (Giao Thủy, Nam Định). Ảnh: Báo Nam Định điện tử.
Ở nước ta có 2 địa phương nổi tiếng trên thế giới về sản xuất muối nhạt đó là Nam Định và Đà Nẵng. Tại đó, muối vẫn được sản xuất thủ công, chính vì thế hạt muối được giữ nguyên toàn bộ các khoáng chất, chất lượng cao, được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Các sản phẩm muối nhạt ngoài tiêu thụ trong nước còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Tuy nhiên ở Việt Nam, giá bán muối biển nhạt vẫn rẻ như bèo và thậm chí rất ít người mua, nhiều bà nội trợ vẫn chuộng mua muối i-ốt để nấu ăn hằng ngày.
Mặc dù muối biển nhạt có nhiều lợi ích nhưng do muối biển nhạt thay thế natri bằng kali nên những người theo chế độ ăn hạn chế kali (chẳng hạn như những người đang chạy thận nhân tạo) cần tránh các loại muối này kẻo tăng kali máu, gây ra các triệu chứng như mạch yếu, tim đập chậm hoặc yếu cơ và có thể gây đột tử.
Bên cạnh đó, dù hàm lượng natri ở muối biển nhạt đã giảm so với trước nhưng việc sử dụng muối biển nhạt cũng giống như muối ăn bình thường là dùng trong kiểm soát. Tốt nhất vẫn là trong khoảng 5 gram/ngày (theo khuyến cáo của WHO).
Để có thể giảm lượng muối tiêu thụ, bạn có thể tuân thủ một vài nguyên tắc sau:
- Giảm lượng muối vào khi chế biến món ăn: Không tẩm ướp quá nhiều muối, người chế biến nên nếm trước thức ăn khi cho muối. Cố gắng giảm bớt lượng muối khi nêm nếm thức ăn, dần thay đổi thói quen ăn mặn.
- Hạn chế bày nước chấm trên bàn ăn: Tốt nhất, bạn không bày nước chấm nhiều ở trên mặt bàn, hoặc nếu có bày nên cho thêm các gia vị chua, tiêu cay vào để thay đổi vị hoặc pha loãng nước chấm. Ngoài ra, không chấm sâu thức ăn xuống gia vị nhất là nước mắm. Chúng ta ăn hoa quả cũng không nên chấm muối, hạn chế ăn các loại hoa quả dầm muối, mắm… Bạn cũng không nên chấm các thức ăn đã được tẩm ướp, đã mặn.
- Giảm thực phẩm chế biến sẵn, tăng đồ tươi sống: Chúng ta ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống và hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, mỳ ăn liền, dưa muối, cà muối, chân giò, bim bim... vì trong các loại này rất nhiều muối. Khi mua các thực phẩm chế biến sẵn, bạn cần đọc nhãn trước khi chọn, nhất là các thực phẩm nhiều muối.