Loại nước cấm để trong bình giữ nhiệt vì tạo độc và cách dùng bình để không rước ung thư

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 28/12/2020 06:00 AM (GMT+7)

Nếu dùng bình giữ nhiệt không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt còn có nguy cơ gây ung thư nếu dùng bình không đảm bảo chất lượng,

Dùng bình giữ nhiệt hàng bán trôi nổi rất nguy hại cho sức khỏe

Khi mùa đông đến, ngoài các thiết bị sưởi ấm thì bình giữ nhiệt với nhiều tính năng là vật dụng được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết việc sử dụng bình giữ nhiệt sao cho hiệu quả lại không gây hại cho sức khỏe.

PGS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết, bình giữ nhiệt là vật dụng rất tiện lợi, đa số bình giữ nhiệt đều được làm bằng inox và bản thân ông cũng đang dùng bình giữ nhiệt, nhất là trong mùa đông.

PGS Thịnh cũng cho biết trên thị trường hiện có rất nhiều loại bình giữ nhiệt khác nhau và chất lượng mỗi loại bình tùy thuộc vào nhà sản xuất. Có những loại rất đắt tiền, nhưng có loại giá rất bình dân.

Loại nước cấm để trong bình giữ nhiệt vì tạo độc và cách dùng bình để không rước ung thư - 1

Bình giữ nhiệt phải biết cách sử dụng mới không gây hại cho sức khỏe.

PGS Thịnh cảnh báo, với các loại bình giữ nhiệt chứa nhiều thành phần kim loại như crom, mangan, niken sẽ không tốt cho sức khỏe. Vì thế, khi mua sản phẩm cần phải đặc biệt lưu ý đến thành phần sản xuất bình, chọn mua của những thương hiệu lớn, có kiểm định và chứng nhận chất lượng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng quan điểm, PGS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết những sản phẩm bình giữ nhiệt nếu chất lượng thì thường có giá khá đắt. 

Về cơ bản, các loại bình giữ nhiệt khi sản xuất sẽ được nhồi bông amiăng giữa các lớp inox để giúp cách nhiệt tốt hơn. Có không ít người cho rằng, amiăng khi sử dụng trong bình giữ nhiệt sẽ gây hại cho sức khỏe, thậm chí là gây ung thư. PGS Trần Hồng Côn cho biết người dùng không nên quá lo lắng về vấn đề này, vì amiăng trong bình giữ nhiệt chỉ là lớp hỗ trợ không tiếp xúc trực tiếp với nước ở phía trong.

Tuy nhiên, PGS Côn cũng đặc biệt lưu ý, trường hợp bình giữ nhiệt kém chất lượng, hoặc bị rạn nứt, rò rỉ mà vẫn có sử dụng chất amiăng có thể phát tán ra ngoài gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng amiăng gây bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi.

Loại nước cấm để trong bình giữ nhiệt vì tạo độc và cách dùng bình để không rước ung thư - 2

Chọn bình giữ nhiệt phải chú ý cả nắp nhựa.

Ngoài ra, phần nắp đậy của bình giữ nhiệt cũng phải hết sức lưu ý. Với sản phẩm chất lượng cao, nắp đậy đa số làm từ nhựa nguyên sinh, còn sản phẩm trôi nỗi không được kiểm định, phần nắp làm bằng nhựa tái chế, dưới tác động của hơi nóng dễ gây mùi khó chịu.

Ngoài việc lựa chọn sản phẩm bình giữ nhiệt có thương hiệu, được kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng, người dân cũng nên chú ý chọn loại bình có lớp cách nhiệt dày, bình hơi nặng, chân bình đứng vững vàng, vỏ kim loại sáng bóng.

Không phải loại nước nào cũng để được trong bình giữ nhiệt

PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, bình giữ nhiệt thường được dùng để đựng nước nóng như nước trắng đun sôi, nước chè nóng, thậm chí nhiều người còn dùng để cả cafe, hay một số loại nước khác. 

Vị chuyên gia này khuyến cáo dù bình giữ nhiệt là dụng cụ dùng để đựng nước, có thể dùng để đựng được cả nước lạnh, nước hoa quả, nước nóng… Tuy nhiên, một số loại nước người sử dụng cần hạn chế hoặc không nên đựng trong bình giữ nhiệt.

Không đựng nước có tính axit trong bình giữ nhiệt: PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, một số loại nước có tính chua như nước cam, nước táo mèo, nước sấu ngâm hay dưa muối, cà muối không nên tích vào bình giữ nhiệt. Bởi những loại nước, thực phẩm có chua có tính axit sẽ thúc đẩy quá trình giải phóng kim loại, từ có có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Loại nước cấm để trong bình giữ nhiệt vì tạo độc và cách dùng bình để không rước ung thư - 3

Một số loại nước không nên đựng trong bình giữ nhiệt.

Thậm chí, PGS Thịnh còn cho rằng, loại nước hay sử dụng nhất là nước chè, khi sử dụng trong bình giữ nhiệt cũng làm giảm mùi vị của chè. Tuy nhiên, loại nước này không làm giải phóng kim loại có trong bình nên vẫn dùng được.

PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng hướng dẫn, khi sử dụng bình giữ nhiệt không nên thay đổi đột ngột nhiệt độ quá nhanh vì sẽ làm giảm tuổi thọ của bình, khiến bình bị co giãn.

Nếu thay đổi chế độ từ nóng sang lạnh thì có thể để bình trở về nhiệt độ bình thường khoảng 15 phút trước khi thay đổi nhiệt độ. Như vậy dùng bình giữ nhiệt sẽ được lâu hơn, an toàn hơn. Ngoài ra tuyệt đối không tự ý đập bỏ bình, tháo rời các loại bình giữ nhiệt để tránh việc phát tán amiăng ra bên ngoài.

Tránh việc cho bình giữ nhiệt vào lò vi sóng vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Nếu muốn làm nóng đồ uống thì hãy đổ nước ra một vật dụng khác được khuyến cáo dùng trong lò vi sóng để thực hiện.

Hạn chế tối đa việc va đập bình giữ nhiệt, bởi bên trong bình giữ nhiệt có các khoảng không để cách nhiệt với bên ngoài. Khi bình bị va đập mạnh, các lớp kim loại xung quanh khoảng không sẽ chạm nhau và làm thu hẹp khoảng không khiến khả năng cách nhiệt của bình bị giảm sút. Ngoài ra, nếu bị va đập dẫn đến méo móp, rạn nứt thì ngoài giảm khả năng giữ nhiệt còn có nguy cơ làm thôi nhiễm amiăng vào đồ uống, từ đó gây độc hại đến sức khỏe khi sử dụng.

4 sai lầm khi sử dụng nước nóng nhiều người đang mắc phải có thể tàn phá sức khỏe
Ai cũng biết nước rất cần thiết cho cơ thể nhưng bạn có biết, nước nóng còn có những lợi ích vô cùng tuyệt vời mà nước lạnh không thể thay thế. Tuy...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh