Ai cũng biết nước rất cần thiết cho cơ thể nhưng bạn có biết, nước nóng còn có những lợi ích vô cùng tuyệt vời mà nước lạnh không thể thay thế. Tuy nhiên, dùng nước nóng sai cách cũng gây hại cho sức khỏe.
Khi cảm thấy không khỏe, điều đầu tiên nhiều người nghĩ đến là uống một chút nước nóng. Uống một chút nước nóng nếu bạn bị đau bụng kinh, uống một ít nước nóng nếu bạn bị cảm lạnh… đều có tác dụng cải thiện tình trạng khó chịu của cơ thể. Do đó, nước nóng được coi là “ngôi sao” trong việc bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, đôi khi mọi người sử dụng nước nóng sai cách, vì không hiểu bản chất sẽ gây hại cho sức khỏe.
Bác sĩ Trần Húc Nham, trưởng Khoa nội của Bệnh viện Trường Canh Thanh Hoa Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ về 4 sai lầm khi sử dụng nước nóng gây hại cho cơ thể.
1. Dùng nước nóng rửa thịt
Chuyên gia giải thích: Nhiều người lấy thịt ra khỏi tủ lạnh và ngâm trong nước nóng một lúc, tuy nhiên lúc này nước nóng sẽ đẩy nhanh quá trình mất protein, axit amin và vitamin B trong thịt, mùi vị và dinh dưỡng sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ cần được làm nóng vừa đủ ở nhiệt độ cao, các ký sinh trùng và vi khuẩn trong thịt sống có thể bị loại bỏ, do đó không cần phải lo lắng về việc rửa thịt bằng nước lạnh sẽ không loại bỏ được vi khuẩn.
2. Dùng nước nóng uống thuốc
Chuyên gia giải thích: Không nên dùng nước quá nóng (nói chung là từ 60°C trở lên) khi uống thuốc, nên dùng nước ấm hoặc nước nguội để uống thuốc, vì một số loại thuốc sau khi bị làm nóng sẽ biến đổi tính chất nên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, đồng thời cũng có những rủi ro nhất định. Những loại thuốc không được khuyến khích dùng với nước nóng: viên nang, amoxicillin, các penicillin khác, vitamin và si-rô.
3. Ngâm chân nước nóng cho trẻ em
Các chuyên gia lý giải: Việc ngâm chân bằng nước nóng sẽ làm giãn dây chằng và cơ bàn chân của trẻ, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của vòm bàn chân. Ngoài ra, người lớn và trẻ em có nhận thức khác nhau về nhiệt độ. Nhiệt độ nước phù hợp với người lớn nhưng có thể làm trẻ bị bỏng, trẻ em trước 6 tuổi không được ngâm chân trong nước nóng, trừ trường hợp điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
4. Ngâm răng giả trong nước nóng để vệ sinh răng
Giải thích của chuyên gia: Nhiều người nghĩ rằng răng giả tháo ra có thể dùng nước nóng để khử trùng, nhưng răng giả nói chung được làm từ vật liệu nhựa hữu cơ polymer, vật liệu này sẽ đẩy nhanh quá trình mềm và rút ngắn thời gian sử dụng khi ngâm trong nước nóng. Do đó, nên sử dụng các sản phẩm làm sạch chuyên nghiệp hoặc dùng nước ấm không quá 40° để vệ sinh răng giả, đảm bảo răng giả vẫn sạch sẽ và bền lâu.
Sử dụng nước nóng đúng cách
1. Uống nước nóng
- Nhiệt độ nước đề xuất: dưới 65°C
- Liều lượng đề nghị: 1,5-1,7L (7-8 cốc giấy dùng một lần)
- Uống nước nóng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nhưng nước không được quá nóng. Bởi vì nước nóng từ 65°C đã được Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê là chất gây ung thư loại 2A, có thể gây ra ung thư thực quản.
2. Ngâm chân trong nước nóng
- Nhiệt độ nước khuyến nghị: dưới 40° - 45°C
- Gợi ý thời gian: Tốt nhất là ngâm chân không quá 30 phút
- Ngâm chân trong nước nóng có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, tuy nhiên thời gian không nên quá lâu có thể khiến lượng máu lên não không đủ. Ngoài ra, một số người không thích hợp ngâm chân như: người suy giãn tĩnh mạch, trẻ em, bệnh nhân tiểu đường.
3. Chườm nóng
- Nhiệt độ nước được đề xuất: khoảng 40° -50°C
- Liều dùng khuyến nghị: khoảng 15-20 phút
- Chườm nóng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và thư giãn các cơ, nhưng việc chườm nóng nên được chia thành các trường hợp khác nhau. Chườm nóng được khuyến khích cho các trường hợp đau bụng kinh, cứng cổ, viêm khớp, sốt và đau mãn tính.
Dù nước nóng tốt nhưng không dùng bừa bãi. Sử dụng nước nóng không đúng cách cũng có thể gây hại cho cơ thể, muốn "bảo vệ sức khỏe bằng nước nóng" thì dù uống, ngâm hay chườm cũng nên ở mức vừa phải.