Là loại rau gia vị có rất nhiều tại Việt Nam nhưng vì lời đồn ăn vào bị yếu sinh lý khiến không ít người, nhất là các quý ông e dè khi sử dụng, mất đi vị thuốc quý.
Rau răm có rất nhiều ở mọi vùng miền tại Việt Nam. Trong đời sống ẩm thực, rau răm có thể dùng để làm gia vị trộn các món nộm, gỏi hoặc ăn cùng trứng vịt lộn, cháo trai, nấu với một số loại hải sản…
Dù có nhiều công dụng, kết hợp chế biến được nhiều món ăn nhưng loại rau này lại dính lời đồn ăn vào bị yếu sinh lý. Chính điều này khiến chị em cũng hạn chế ăn, chế biến cũng không dám cho mạnh tay.
Trước những thông tin trên, nhà khoa học, lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng (Viện Hàm lâm Khoa học và Cộng nghệ Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam) cho biết lời đồn ăn rau răm bị yếu sinh lý đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên điều này rất khó kiểm chứng vì thực tế chưa ai ăn nhiều đến mức liệt dương.
Ăn rau răm đến mức bị yếu sinh lý thì phải dùng lượng rất nhiều và dùng trong thời gian dài. Ảnh minh họa.
Lương y Bùi Đắc Sáng phân tích, nếu xét về mặt lý thuyết rau răm ăn vào gây nóng, giảm tinh khí, suy yếu tình dục không chỉ nam, mà cả ở nữ. Với trường hợp đàn ông thì bị kém cường dương tráng khí, khô chân huyết, còn phụ nữ có thể gây mất chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, vị lương y này cho biết các nghiên cứu cũng cho thấy nếu ăn rau răm đến mức ảnh hưởng như đã nói trên thì phải ăn với số lượng rất lớn, từ nửa cân (0,5kg) trở lên và ăn thường xuyên như rau cải, rau muống mỗi ngày.
“Việc một người ăn nửa cân rau răm, ăn thường xuyên dường như không thể. Bởi đây chỉ là rau gia vị, dùng để nấu kết hợp với thực phẩm khác như ăn trứng vịt lộn với rau răm, nấu canh cá... sẽ không bị yếu sinh lý hay liệt dương như lời đồn”, lương y Đắc Sáng cho hay.
Chỉ dùng rau răm để làm gia vị hoặc ăn kèm thì không lo bị ảnh hưởng đến sinh lý. Ảnh minh họa
Không những không gây yếu sinh lý như lời đồn khi ăn với lượng nhỏ, rau răm còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Trong đông y, rau răm có vị cay, tính ấm, tác dụng kiện tỳ, ích vị, tiêu thực… Loại rau này còn giúp làm ấm cơ thể, điều hòa tính lạnh của thức ăn nên rau răm thường được chế biến cùng với những món ăn mang tính hàn hoặc khó tiêu.
Ngoài phần ngọn và lá, rễ và hạt rau răm cũng là vị thuốc tốt. Rễ rau có thể hòa cùng rượu sắc uống, hòa với rượu chữa hắc lào, lang ben, chốc lở… Rau răm tươi giã, vắt lấy nước cốt uống chữa say nắng, khô khát.
Ngoài ra, rau răm có thể hỗ trợ chữa sỏi thận bằng cách nấu canh ăn hàng ngày với số lượng ít (khoảng 1 bát con canh). Ăn khoảng 2 tuần sau đó nghỉ, khi ăn không dùng chất kích thích. Lương y Sáng cho hay bài thuốc này chỉ phù hợp với những viên sỏi nhỏ (dưới 2mm).
Tham khảo bài thuốc có thể tận dụng từ rau răm. Tốt nhất trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn:
- Bụng đầy chướng, tiêu hóa trì trệ: Một nắm rau răm rửa sạch giã nhỏ lấy nước uống. Bã đem xoa bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).
- Cảm cúm hắt hơi sổ mũi: Rau răm một nắm, gừng sống 3 lát. Hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước uống. Hoặc rau răm 20g, tía tô 20g, kinh giới 16g, xương bồ 16g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, kiện 10g. Sắc uống.
- Nước ăn chân: Rau răm giã nhỏ đắp vào nơi bị tổn thương. Hoặc giã nhỏ lấy nước cốt chấm vào nơi bị đau. Ngày 2 lần (giữ cho vết thương được khô ráo để chống bội nhiễm).
- Mụn nhọt đang ở giai đoạn sưng nóng: Rau răm một nắm, muối vài hạt. Hai thứ giã nhỏ, đắp vào nhọt băng lại. Ngày thay thuốc 1 lần.
Tin liên quan
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Tin bài cùng chủ đề Các loại rau củ giàu dinh dưỡng
Rau mùi có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, nhờ vào khả năng chống viêm và kiểm soát lipid máu...