Loại rau cực rẻ, rất giàu canxi và sắt, hạt giá trị hơn ngô, lúa nhưng lại bị bỏ đi

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/01/2022 14:20 PM (GMT+7)

Khi ăn rau dền đa số mọi người chỉ sử dụng phần lá non, phần hoa và hạt dền đều bị bỏ đi. Thế nhưng ít ai biết được, hạt dền có giá trị rất lớn, hơn cả lúa, ngô hay đậu tương.

Lương y Bùi Đắc Sáng

Nơi công tác: Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Tại Việt Nam có rất nhiều loại rau dền khác nhau, nhưng thường được sử dụng nhiều nhất là rau dền canh, hay còn gọi là dền đỏ, dền tía. Dù tên gọi khác nhau nhưng giá trị dinh dưỡng và mục đích sử dụng của các loại rau dền cơ bản giống nhau. Người dân chủ yếu dùng rau dền để làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. 

Nhà khoa học, lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng (Hội Đông Y Việt Nam, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, với cây rau dền thì mọi bộ phận đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, trong cuộc sống, đa số người dân chỉ dùng phần lá để làm thực phẩm. 

Rau dền rất quen thuộc với người Việt, nhưng đa số mọi người chỉ dùng để làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.

Rau dền rất quen thuộc với người Việt, nhưng đa số mọi người chỉ dùng để làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.

Trong đông y, rau dền có vị ngọt, tính mát, tác dụng để sát trùng, lợi đại tiểu tiện. Ngoài ra, có thể trị côn trùng đốt, dị ứng, mẩn ngứa. Hạt dền cũng có thể dùng để làm thuốc với tác dụng làm mát gan, trừ phong nhiệt, thoái uế, sáng mắt, thông đại tiện.

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, các nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy, hạt rau dền (dền canh) có giá trị dinh dưỡng cao, chứa tới 62% tinh bột và 6% chất béo. Lá rau dền có nhiều vitamin A, C, B2. 

Cả lá và hạt có hàm lượng protid rất cao (khoảng16,8%), trong đó hàm lượng axit amin quan trọng là lysin có trong rau dền cao hơn ở ngô bắp 3-3,5 lần, cao hơn bột mì 2-2,5 lần. “Nói chung hạt của loại rau dền này (dền canh, dền tía) là loại lương thực có giá trị hơn lúa, lúa mì, ngô và đậu tương”, lương y Sáng cho hay.

Ở nhiều quốc gia người dân dùng hạt rau dền canh để kết hợp chế biến món ăn, làm các loại bánh. Tại Việt Nam ở Hà Giang cũng có món bánh chè lam với sự kết hợp của hạt dền rất độc đáo. Cũng có thể dùng hạt dền canh để làm thuốc chữa một số bệnh như dùng hạt dền canh khoảng 10gam, kết hợp hạt muồng ngủ sao 12gam để chữa mắt mờ (có mộng tráng, hoa đen) bằng cách: Tán hạt dền canh, uống với nước sắc hạt muồng ngủ sao. Hoặc dùng 20gam hạt rau dền canh sắc uống dùng để thông đại tiểu tiện, trị giun đũa...

Hạt dền có giá trị dinh dưỡng cao, có thể dùng làm thuốc hoặc chế biến món ăn.

Hạt dền có giá trị dinh dưỡng cao, có thể dùng làm thuốc hoặc chế biến món ăn.

Ngoài hàm lượng protid, lipit, gluxit, vitamin và chất khoáng, trong rau dền còn có hàm lượng chất sắt (2,32 mg/100gam), canxi (215mg/100gam) cao nhất trong các loại rau tươi. Do vậy, rau dền có tác dụng rất tốt nếu sử dụng đúng cách. 

Theo lương y Đắc Sáng, trong rau dền có chất tocotrienols giúp làm giảm cholesterol xấu và ngăn ngừa bệnh tim mạch vành. Loại rau này còn có đặc tính ngăn ngừa ung thư do có các hợp chất chống oxy hóa như vitamin E, C, sắt, magiê, phốt pho hay lysine. Chúng giúp chống lại các gốc tự do có hại và ngăn chặn sự hình thành của các tế bào ác tính gây ra ung thư.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn rau dền thường xuyên giúp ổn định đường huyết, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Đặc biệt, hàm lượng sắt lớn trong rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu. Bởi vậy, loại rau này rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.

Dù có nhiều lợi ích nhưng khi ăn rau dền cũng cần phải lưu ý một số vấn đề, nhất là người bị thận, gút,...

Dù có nhiều lợi ích nhưng khi ăn rau dền cũng cần phải lưu ý một số vấn đề, nhất là người bị thận, gút,...

Tuy nhiên, lương y Bùi Đắc Sáng cũng cảnh báo, rau dền có nhiều tác dụng phụ nếu dùng không đúng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do hàm lượng chất xơ trong rau dền cao, nếu ăn quá nhiều có thể gây ra các vấn đề về dạ dày, đầy hơi, co thắt dạ dày và thậm chí táo bón. 

Do vậy, khi kết hợp rau dền vào chế độ ăn hàng ngày, cần đảm bảo thực hiện từ từ vì việc bổ sung đột ngột có thể cản trở quá trình tiêu hóa bình thường. Nó thậm chí có thể gây tiêu chảy trong một số trường hợp.

Ngoài ra, trong rau dền có lượng purin cao nên không tốt cho thận, có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, gây viêm, sưng và đau khớp. Do vậy, nếu bị viêm khớp do gút nên hạn chế ăn rau dền. Với người có cơ thể tính hàn, phụ nữ có thai, thể trạng hư hàn, đang bị tiêu chảy cũng không nên ăn loại rau này. 

Xem thêm: 

Loại rau bổ chẳng kém nhân sâm, giúp trường thọ nhưng người Việt ít ăn, chê nhạt vị

Loại rau ai cũng chỉ ăn lá, vứt đi phần thân mà không biết đó là “thần dược” mùa lạnh

Loại củ xù xì sờ ghê tay nhưng cực tốt mùa đông, giúp giải độc và đốt cháy mỡ thừa
Mùa đông cũng là mùa thu hoạch củ từ ở nhiều địa phương. Đây là loại củ không chỉ dùng làm thực phẩm trong bữa ăn hoặc “ăn chơi” theo mùa mà còn là vị...

Sống khỏe

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh