Rau mùi không chỉ làm cho món ăn thêm hấp dẫn, nó còn là vị thuốc rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là những người bị cholesterol tăng cao.
Rau mùi là loại rau quen thuộc và có nhiều tại Việt Nam. Do là rau gia vị nên quá trình chế biến được sử dụng với số lượng hạn chế, chủ yếu tạo mùi vị cho món ăn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng rau mùi có vô vàn công dụng tốt cho sức khỏe, có thể dùng làm thuốc hỗ trợ chữa một số bệnh.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết rau mùi còn có tên gọi khác như rau ngò, hồ tuy…Loại rau này rất phổ biến ở Việt Nam, ngoài kết hợp chế biến món ăn, cây và quả rau mùi còn dùng để xông, tắm, gội đầu... Thậm chí nhiều nơi còn chưng cất lấy tinh dầu mùi để làm nước hoa.
Lương y Hồng Minh cho biết tất cả các bộ phận của cây rau mùi đều có giá trị làm thuốc, đặc biệt là phần quả mùi. Trong đông y, rau mùi có vị cay, tính ấm, đi vào phế vị, có tác dụng tiêu đờm, lợi trung tiện, kích thích tiêu hóa, tăng trí tuệ.
Rau mùi có vô vàn tác dụng với sức khỏe con người.
Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng rau mùi chứa nhiều vitamin A, vitamin C, vitamin K, vitamin B và các khoáng chất quan trọng cho cơ thể như canxi, kali, sắt, mangan và natri.
Một trong những tác dụng nổi bật nhất của rau mùi là khả năng lọc sạch máu. Theo đó, rau mùi chứa nhiều acid ascorbic có tính năng lọc máu rất tốt. Lương y Bùi Hồng Minh cho biết uống nước rau mùi sẽ giúp hạ cholesterol xấu trong máu bám vào các thành động mạch và tĩnh mạch, đồng thời tăng lượng cholesterol tốt trong máu, giúp bảo vệ hệ thống tim mạch.
Trong rau mùi còn có cineole và axit linoleic có tác dụng chống viêm nhiễm rất tốt. Người bị viêm khớp hay thấp khớp nên thường xuyên ăn rau mùi hàng ngày. Không chỉ có vậy, rau mùi còn có chất apigenin giúp hình thành và tăng cường sự kết nối giữa các tế bào thần kinh ở người giúp củng cố trí nhớ và học tập.
Không nên kết hợp nội tạng với rau mùi.
Dù có nhiều tác dụng nhưng lương y Hồng Minh khuyến cáo, người bị dị ứng với hoa hồi, thì là hoặc các loại cây tương tự có thể có phản ứng dị ứng với rau mùi. Vì vậy tốt nhất không nên ăn.
Người bị huyết áp thấp cũng không nên ăn rau mùi vì có thể làm giảm huyết áp. Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều rau mùi vì có thể làm ảnh hưởng tới thai nhi.
Ngoài ra, rau mùi cũng không nên kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin K, nội tạng động vật. Rau mùi khi kết hợp với nội tạng động vật, rất dễ khiến cơ thể sản xuất các ion đồng và sắt khi đó không chỉ giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm bị giảm, mà cơ thể cũng rất dễ xuất hiện tình trạng ngộ độc.
Tham khảo một số bài thuốc từ rau mùi:
- Trị bệnh trĩ: Với những người bị trĩ, lòi dom, lấy 100g hạt mùi rang thơm sau đó xay thành bột mịn, hòa với rượu, uống lúc đói.
- Trị cảm cúm: Hạt mùi sắc lấy nước uống 2 lần một ngày, sẽ làm giảm hiệu quả các triệu chứng nhức đầu, sổ mùi và lại rất an toàn cho bạn.
- Trị bệnh tiêu chảy, đi ngoài ra máu: Dùng 7g hạt mùi sao thơm, tán nhỏ, pha với nước sôi uống 2 lần trong ngày.
- Chữa sâu răng, đau răng: Hạt mùi 8g. Sắc đặc lấy nước đặc ngậm, súc miệng.
- Dùng cho phụ nữ sau sinh thiếu sữa, mất sữa: Rau mùi khô 50, hạt mùi 20 g. Sắc đặc uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần. Hoặc dùng bài thuốc: Hạt mùi 12g, gạo nếp lức 30g. Hạt mùi đun lấy nước. Dùng nước này nấu gạo nếp lức, nấu thành cháo ăn hàng ngày.
- Làm đẹp da: Lấy toàn cây mùi già (thân, cành, lá, hoa, quả, rễ) nấu nước tắm làm cho da trở nên mềm mại, sáng đẹp, thơm, dùng gội đầu thường xuyên tóc sẽ đen, dài. Nếu sắc đặc chữa tàn nhang, nốt ruồi trên mặt bằng cách xoa, đắp.
Tin liên quan
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Tin bài cùng chủ đề Các loại rau củ giàu dinh dưỡng
Bông cải xanh không chỉ là một loại rau phổ biến và rẻ tiền mà nó còn là một "siêu thực phẩm" chứa nhiều dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật trong mùa đông...