Theo các bác sĩ, giá đỗ cung cấp protein, chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa hỗ trợ sức khỏe tim mạch, phù hợp với người đang ăn kiêng để giảm cân. Tuy nhiên, giá ăn sao cho đúng lại đang có nhiều tranh luận xảy ra, nhất là khi kết hợp với phở.
Thường xuyên ăn giá đỗ giúp giảm lượng đường trong máu, hạ huyết áp
Phở là món một trong những món ăn tiêu biểu của nền ẩm thực Việt Nam và được nhiều người yêu thích. Thành phần chính của phở gồm bánh phở, nước dùng, thịt gà hoặc thịt bò và các loại gia vị như nước tương, tiêu, chanh, ớt, nước mắm… Trong đó, món rau ăn kèm phở không thể thiếu là giá đỗ.
Phở là món ăn được nhiều người yêu thích - Ảnh minh họa.
Theo Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), giá đỗ có gần 91% là nước. Trong 100g giá đỗ xanh có 86,5g nước, 44 calo, 5,5g protid, 5,3g glucid, 3g xenluloza, 38mg canxi, 91mg photpho, 1,4mg sắt, 0,20mg vitamin B1, 0,13mg vitamin B2, 10mg vitamin C…
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, giá đỗ chứa nhiều vitamin và khoáng chất giàu dinh dưỡng, thường xuyên ăn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong đó, chất xơ trong giá giúp giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Nghiên cứu cho thấy giá cũng có thể giúp tăng cholesterol tốt, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và duy trì huyết áp ổn định.
Đặc biệt, lượng vitamin C, khoáng chất, amino axit, protein và chất có nguồn gốc thực vật (phytochemicals) trong giá đỗ có thể giúp dễ tiêu, giải độc, chữa nhiều bệnh. “Chất béo thực vật trong giá đỗ có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng cholesterol máu, thích hợp với người mắc bệnh tim mạch hay ăn kiêng giảm béo”, lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ.
Ăn phở với giá trụng hay giá sống thì tốt hơn?
Đối với món phở, có người có thói quen trụng giá đỗ qua nước sôi mới cho vào phở. Nhưng cũng có người lại bỏ giá trực tiếp vào bát phở vì thích độ giòn tươi và hương vị tự nhiên của giá. Liệu hai cách ăn giá đỗ này, cách nào tốt cho sức khỏe hơn?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, ăn giá đỗ sống hay trụng qua nước sôi tùy thuộc vào cách ăn và khẩu vị của mỗi người. Phó Giáo sư Thịnh cho biết, ăn giá đỗ sống có thể hấp thu nhiều vitamin và khoáng chất hơn.
Giá đỗ nên để sống hay trụng qua nước sôi mới cho vào phở? Vấn đề này đang có nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, môi trường để trồng giá đỗ thường phải nóng ẩm, khiến giá dễ nhiễm 2 loại khuẩn phổ biến là Salmonella và E.coli. Đây là 2 loại vi khuẩn dễ gây ra ngộ độc thực phẩm. Khi bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella và E.coli, người bệnh có triệu chứng buồn nôn, sốt, đau quặn bụng, đi ngoài nhiều, đi ngoài phân có máu. Nếu không được điều trị kịp sẽ có nhiều nguy cơ cao cho sức khỏe.
Đó là chưa kể, hiện nay nhiều cơ sở trồng giá đỗ phun thuốc kích thích để thu hoạch nhanh, khiến thực phẩm dễ bị nhiễm hóa chất. Nếu ăn phải loại rau này, về lâu dài, hóa chất sẽ tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hơn nữa, giá đỗ sống được khuyến cáo không tốt với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh về đường tiêu hóa, vì hệ miễn dịch của họ kém.
Theo Phó Giáo sư Thịnh, giá đỗ trụng qua nước sôi trước khi ăn có thể diệt được các loại vi khuẩn, giúp bạn yên tâm hơn khi ăn, nhất là người có bệnh tiêu hóa, đường ruột. Dù vậy, các thực phẩm khi gặp nhiệt độ cao có thể diệt được các loại vi khuẩn, nhưng không thể diệt được các độc tố nên bạn vẫn có thể bị ngộ độc nếu ăn phải giá đỗ chứa nhiều hóa chất.
Các bác sĩ khuyên rằng, mọi người nên mua giá ở nơi uy tín, rửa sạch với nước để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trước khi ăn - Ảnh minh họa.
Lương y Bùi Đắc Sáng cũng cho rằng, giá đỗ sống hay trụng qua nước sôi mới cho vào bát phở tùy thuộc vào thói quen ăn uống của mỗi người nhưng tốt nhất nên trụng giá qua nước sôi hãy cho vào bát phở.
Đây cũng là cách giúp bạn giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm và nhiễm các loại vi khuẩn thường có trên rau củ quả. Dù điểm yếu của cách ăn này có thể khiến giá mất đi chất dinh dưỡng như vitamin C. Ngoài ra, việc làm chín giá đỗ trước khi ăn sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của bạn hơn, nhất là những người có đường ruột yếu, nhạy cảm, nếu ăn giá sống có thể gây đầy bụng, tiêu chảy.
Cả Phó Giáo sư Thịnh và Lương y Bùi Đắc Sáng đều khuyên rằng, tốt nhất mọi người nên tự làm giá đỗ tại nhà để ăn sẽ đảm bảo an toàn hơn. Trong trường hợp phải mua thì nên chọn nơi bán có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn. Trước khi ăn, nên rửa giá kỹ với nước để loại bỏ bụi bẩn, các loại vi khuẩn, thuốc trừ sâu của loại rau này.