Nhiều lần được y tế địa phương vận động chích ngừa nhưng gia đình bà T.N. kiên quyết từ chối. Bị COVID-19 tấn công, gia đình đã tự điều trị, không khai báo với địa phương, đến khi người bệnh lâm vào tình trạng nguy kịch mới liên hệ cấp cứu thì bệnh nhân đã tử vong.
Sáng 29/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng anti vắc xin (từ chối chích ngừa) và giấu dịch khi nhiễm bệnh. Theo đó, ngày 27/01/2022, Bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 Quận 5 đã tiếp nhận bà T.N. (65 tuổi) mắc COVID-19 mà không khai báo với trạm y tế phường.
Trước đó, nhân viên y tế đã tiếp nhận thông tin từ thân nhân sống cùng người bệnh (tại phường, 11, Quận 5) thông báo qua điện thoại với các dấu hiệu nguy kịch. Ngay lập tức đội cấp cứu đã mang bình oxy và phương tiện hỗ trợ chuyên môn đến nhà người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân đã trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.
Thông tin từ y tế địa phương cho biết, gia đình người bệnh có 3 người (2 người cô trên 65 tuổi sống cùng với 1 người cháu). Trong các đợt tiêm chủng đã và đang triển khai, ngành y tế và chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động chích ngừa nhưng cả gia đình đã từ chối tiêm vắc xin COVID-19.
Quá trình điều tra dịch tế ghi nhận, 2 tuần trước người cháu nhiễm SARS-COV-2 tự cách ly tại nhà. Khoảng 1 tuần sau thì đến lượt 2 người cô dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tất cả đều không khai báo với trạm y tế phường. 1 ngày trước khi tử vong bà T.N. than mệt, khó thở nhưng không chịu nhập viện.
Đến trưa ngày 27/1/2022, người cháu sống cùng thấy bệnh nhân tím tái, lơ mơ. Lúc này gia đình mới vội vã gọi điện thoại thông báo cho trạm y tế địa phương. Mặc dù nhân viên y tế đã đến nhà xử trí và chuyển viện cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi nhập viện.
Từ trường hợp trên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM khuyến cáo, người dân đặc biệt là nhóm nguy cơ trên 50 tuổi, có bệnh lý nền cần tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, tử vong. Những trường hợp tự xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 phải khai báo với y tế địa phương để được hướng dẫn, chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ chuyển nặng và lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.
Để không xảy ra tình trạng đáng tiếc trong dịp Tết Nguyên đán người dân cần: Thông báo cho trạm y tế nếu có các dấu hiệu ho, sốt, đau họng, khó thở, đau mỏi cơ, mệt mỏi, mất vị giác - khứu giác; thông báo cho trạm y tế nếu tự xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 để được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, điều trị kịp thời; tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều, thực hiện nghiêm thông điệp 5K.