Nhiều trường hợp trẻ bị co giật, ngất sau tiêm vắc xin COVID-19 không phải do vắc xin mà xuất phát từ yếu tố tâm lý và tác động từ môi trường bên ngoài.
Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị Thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thời gian gần đây bệnh viện có tiếp nhận và điều trị một số trường hợp trẻ từ 13-15 tuổi có triệu chứng co giật, ngất sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đa số những trẻ nhập viên sau tiêm vắc xin đều có những yếu tố tác động bên ngoài, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Điển hình như trường hợp bệnh nhi K.H (14 tuổi, ở Hà Nội) có tiền sử bệnh tật, chính điều này khiến trẻ rất lo lắng, dễ bị ám thị bởi các thông tin bệnh tật từ người thân hoặc những người xung quanh trước khi tiêm vắc xin. Ngoài ra, trẻ cũng có nhiều lo lắng liên quan tới tuổi dậy thì: kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá và áp lực học tập…
Khi đến ngày tiêm vắc xin trẻ có tâm lý sợ hãi và sau khi tiêm 15 phút, cháu K.H bị ngất và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và điều trị.
Trước khi tiêm vắc xin phụ huynh cần phải làm tư tưởng cho trẻ.
Một trường hợp khác là bé trai M.Q (14 tuổi, ở Hà Nội) trước khi tiêm cũng bị khá nhiều áp lực, nhất là việc học tập. Trước đó, 1 năm do bố đột ngột qua đời nên đã tác động nhiều đến suy nghĩ, tâm lý của M.Q.
Đặc biệt, có một thời gian dài trẻ tự tạo áp lực cho bản thân trong học tập vì muốn đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của gia đình. Do vậy, bé M.Q vùi mình vào việc học, thường xuyên thức khuya đến 2-3h sáng để ôn thi.
Ngay trước thời điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19, trẻ đang gấp rút chuẩn bị cho nhiều cuộc thi tuyển: toán, tin, võ thuật, công nghệ trẻ… Trên nền những căng thẳng sẵn có (kéo dài trong thời gian từ sau khi bố mất), thời điểm thi cử dồn dập và lo lắng khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 gần đây đã đẩy trẻ vào trạng thái lo âu quá mức dẫn đến phản ứng run, co giật, ngất sau tiêm.
Rối loạn phân ly thường gặp ở trẻ vị thành niên
TS.BS Đỗ Minh Loan cho biết, khi xảy ra hiện tượng trên các trẻ đã được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và điều trị. Các bác sĩ thăm khám và loại trừ các nguyên nhân thực thể, bước đầu xác định các cháu bị co giật phân ly, một trong những biểu hiện của rối loạn phân ly.
Rối loạn phân ly (trước kia gọi là Hysteria) là bệnh lý tâm thần thường gặp, tỷ lệ: 0,3-0,5% dân số. Theo Phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (ICD 10), rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.
Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái, thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được.
TS Loan cho biết, rối loạn phân ly hay gặp ở trẻ vị thành niên.
Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp với bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.
Cần chuẩn bị tốt tâm lí cho trẻ trước khi tiêm chủng
Từ những trường hợp trên, TS.BS Đỗ Minh Loan cho biết, trước khi tiêm chủng cần chuẩn bị tốt tâm lí cho trẻ trước khi tiêm chủng: Cụ thể:
- Cha mẹ và thầy cô nên thường xuyên trò chuyện, động viên và chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ trước khi tiêm
- Tiêm vắc xin được xem như một sang chấn tâm lí đối với trẻ. Lo lắng quá mức khi tiêm chủng có thể dẫn đến các biểu hiện như: thở nhanh, choáng váng, chóng mặt, vã mồ hôi, co giật, ngất…
- Phụ huynh hãy thông tin cho trẻ biết quá trình tiêm vắc xin sẽ diễn ra như thế nào, giúp trẻ yên tâm là luôn có đội ngũ y tế hỗ trợ kịp thời khi các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng.
- Cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và giảm sức ép từ việc học tập trước thời gian tiêm chủng.
Tin liên quan
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Tin bài cùng chủ đề TS.Bs.Đỗ Minh Loan
Với trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, việc khám phá cơ thể, thậm chí là “đi quá giới hạn” rất dễ xảy ra. Vì thế để không gây nên hậu quả ngoài ý muốn, chính phụ huynh sẽ phải làm bạn, hướng dẫn...