Trường hợp bị phản ứng nặng hơn sau tiêm vắc xin mũi 3 liệu có bất thường và bị nổi hạch có ảnh hưởng gì không? TS.BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1) sẽ giải đáp về vấn đề này.
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Chào bác sĩ!
Em đã tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 hơn 4 tháng, nay được phường gọi đi tiêm mũi thứ 3. Em hỏi những người tiêm trước thì họ nói tiêm mũi này có phản ứng nhiều hơn so với lúc tiêm mũi thứ 2, còn có nguy cơ nổi hạch nữa. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Em có thể làm gì để hạn chế các tác dụng phụ của mũi tiêm thứ 3?
Trước hết, với điều kiện như của bạn khi đã tiêm mũi vắc xin thứ 2 hơn 4 tháng thì cần thiết phải tiêm mũi thứ 3 nếu đủ điều kiện sức khỏe. Vì miễn dịch sau khi tiêm vắc xin COVID-19 sẽ suy giảm sau 3 đến 6 tháng.
Đối với việc tiêm mũi 3 bị “hành” hơn mũi tiêm thứ 2, bản thân tôi và qua quan sát cả những người xung quanh mình sau khi tiêm mũi 3 thì đúng là có điều này.
Tuy nhiên, không nên quá lo ngại vì đó chỉ là sự kích ứng miễn dịch khi đã tiêm 2 mũi vắc xin trước đó rồi. Các phản ứng này chỉ kéo dài khoảng 24 đến 48 giờ và sẽ sớm mất đi.
Các phản ứng hay gặp cũng không quá nghiêm trọng, chỉ là đau mình mẩy, đau chỗ tiêm, nhức đầu… Những biểu hiện này không nguy hiểm. Trường hợp có sốt nhẹ, nếu 38,5 độ trở lên thì uống hạ sốt. Còn trường hợp sốt cao, có biểu hiện bất thường thì bạn cần đến cơ sở y tế theo dõi.
Việc nổi hạch sau khi tiêm vắc xin không có gì lạ.
Với thông tin tiêm mũi 3 nổi hạch, điều này nếu xảy ra cũng không lạ. Rất nhiều vắc xin khác khi tiêm vào cũng nổi hạch sau đó tự hết, vắc xin phòng COVID-19 cũng vậy.
Không chỉ tiêm vắc xin, bình thường chúng ta cũng vẫn thấy hạch nổi lên trên cơ thể. Như con nít lở miệng nổi hạch dưới cằm, mọc răng khôn cũng nổi hạch hay lên mụn nhọt vùng nào thì cũng nổi hạch ở gần vùng đó.
Việc nổi hạch là do huy động tế bào để nhận diện “cái lạ” khi nó xâm nhập vào cơ thể để bao vây tức thì và sản xuất kháng thể lâu dài. Cho nên đa số là bình thường và tốt, sẽ hết sau vài ngày.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |
Tin liên quan
Loại quả này dù có tên không mỹ miều, nhưng lợi ích mang lại với sức khỏe vô cùng lớn, nhất là với tim mạch và não bộ của trẻ nhỏ cũng như...
Tin bài cùng chủ đề TS.Bs.Trương Hữu Khanh
Theo các bác sĩ, vi khuẩn bạch hầu lây qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, nhưng chỉ những người chưa tiêm vắc xin hoặc có kháng thể yếu mới có nguy cơ mắc bệnh.