Nhờ cốc trà làm từ 4 nguyên liệu là đậu đen, lá cần tây, táo và quế, chuyên gia dinh dưỡng người Nhật Tomoko Takato đã dần dần cải thiện sức khỏe, giúp chống chọi lại căn bệnh ung thư.
Tomoko Takato, chuyên gia dinh dưỡng y học cổ truyền Nhật Bản không may mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 3 vào năm 28 tuổi. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, cô vẫn phải điều trị kéo dài suốt 3 năm. Năm 31 tuổi, tế bào ung thư di căn đến phổi, bác sĩ thông báo cô chỉ còn sống được ba tháng. Thế nhưng 20 năm trôi qua, cô vẫn kiên cường đấu tranh với bệnh tật và sống tốt.
Giờ đây cô trở thành một người nghiên cứu các phương pháp nấu ăn hữu cơ. Cô mong muốn cải thiện các tế bào trong cơ thể bằng cách ăn uống nên đã tự xây dựng một chế độ ăn giúp cải thiện sức khỏe để chống lại với bệnh tật.
Tomoko Takato được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng năm 28 tuổi.
Mỗi ngày, cô đều tự pha cho mình một loại trà làm từ 4 nguyên liệu để thúc đẩy lưu thông máu và điều chỉnh thể lực. Món trà này sử dụng bốn nguyên liệu quen thuộc là đậu đen, lá cần tây, táo và quế. Sự kết hợp của bốn thành phần này sẽ tạo ra hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc tăng nhiệt độ cơ thể và khiến bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng. Mỗi thành phần đều có một tác dụng tốt cho sức khỏe:
- Đậu đen chứa sắc tố thực vật được gọi là anthocyanin, có thể loại bỏ chứng mỏi mắt và cải thiện thị lực. Nó cũng có thể thúc đẩy lưu thông máu, cải thiện chức năng đường tiêu hóa, lợi tiểu, cải thiện phù nề,... Ngoài ra, nó rất giàu protein, có thể nói là một loại thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe, có thể bồi bổ cơ thể.
Đậu đen cũng chứa selenium là một khoáng chất không có trong hầu hết các loại trái cây và rau quả. Nó giúp giải độc một số hợp chất gây ung thư trong cơ thể. Ngoài ra, selen có thể ngăn ngừa chứng viêm và giảm tốc độ phát triển của khối u.
Saponin trong đậu đen cũng ngăn chặn các tế bào ung thư nhân lên và lan rộng khắp cơ thể. Đậu đen chứa nhiều folate, đóng vai trò tổng hợp và sửa chữa DNA, do đó ngăn ngừa sự hình thành của các tế bào ung thư do đột biến trong DNA.
- Cần tây ngoài phần thân mọi người thường sử dụng, phần lá vốn hay bị vứt đi cũng là một kho tàng dinh dưỡng đáng giá. Lá cần tây có một số ưu điểm như mùi thơm hơn phần thân, giảm bớt lo âu do căng thẳng, phòng ngừa cao huyết áp, cải thiện triệu chứng mất ngủ, giải nhiệt cơ thể, bổ máu.
Apigenin được tìm thấy trong cần tây góp phần giết chết các tế bào ung thư bằng cách khuyến khích quá trình tự chết của chúng hay nói cách khác là khiến các tế bào ác tính tự hủy diệt. Mặt khác, chất luteolin có trong cần tây có tác dụng cản trở chu kỳ nhân lên của tế bào ung thư.
- Táo giàu chất xơ có thể điều hòa đường ruột và dạ dày, giàu chất pectin, vị hơi chua có thể thúc đẩy tiết nước bọt, tăng cảm giác thèm ăn. Các hợp chất polyphenol trong táo hợp tác với các vi khuẩn đường ruột để tạo ra một môi trường có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, hương thơm của táo có thể làm dịu tâm trạng và có tác dụng làm giảm sự bồn chồn và lo lắng. Táo cũng giàu vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa để hỗ trợ chức năng miễn dịch và chống lại sự phát triển của tế bào ung thư.
- Quế có thể loại bỏ cảm lạnh và kích hoạt các cơ quan nội tạng, đồng thời cinnamaldehyde trong quế có thể làm giãn mạch máu ngoại vi và cải thiện tình trạng tay chân lạnh. Quế có tác dụng làm tăng nhiệt độ cơ thể tốt hơn gừng.
Quế đã được nghiên cứu rộng rãi về tiềm năng ứng dụng của nó trong phòng ngừa và điều trị ung thư. Nó có thể gây độc cho tế bào ung thư, gây chết tế bào và làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư cũng như sự hình thành mạch máu trong khối u.