Người đàn ông có chỉ số ung thư tuyến tiền liệt cao nhưng sau 3 tháng ăn cà chua đã thay đổi hoàn toàn.
Hầu hết nam giới trung niên dễ gặp các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, tiểu không sạch, thậm chí một số ít có thể phải đối mặt với bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ chuyên khoa thận học Hong Yongxiang, Bệnh viện Đa khoa quân y thứ ba, Đài Loan trong một chương trình y tế đã chia sẻ về trường hợp ông từng gặp 5 năm trước đó là một người đàn ông bị phì đại tuyến tiền liệt.
Bác sĩ cho biết nam bệnh nhân có các biểu hiện như đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp, tiểu không sạch và dòng nước tiểu ngày càng loãng. Sau khi uống thuốc nhiều năm, người đàn ông vẫn chưa cải thiện được nhiều, đồng thời chỉ số PSA (chỉ số được coi là dấu hiệu cảnh báo ung thư tiền liệt tuyến) tăng cao không rõ nguyên nhân.
Người đàn ông sau 3 tháng ăn cà chua theo lời khuyên của bác sĩ đã giảm được chỉ số ung thư. (Ảnh minh họa)
Do đó, bác sĩ Hong Yongxiang đề nghị bệnh nhân liên tục theo dõi chỉ số, nếu vẫn quá cao thì cần thực hiện sinh thiết để "bắt" tế bào ung thư càng sớm càng tốt. Đồng thời, bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân nên thử ăn nhiều cà chua lên chút.
Thật bất ngờ, sau khi bệnh nhân ăn cà chua trong 3 tháng, chỉ số PSA giảm dần xuống mức không cần làm sinh thiết. Mặc dù sự thay đổi triệu chứng của bệnh nhân này chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng những người bị phì đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt sau khi khám và kiểm tra định kỳ có thể nhờ bác sĩ tư vấn thêm về chế độ ăn uống thêm cà chua liệu có phù hợp hay không.
Bác sĩ Hong Yongxiang cũng giải thích trong cà chua chứa lycopene có lợi cho tuyến tiền liệt và nêu ra một số dẫn chứng như: Một người đàn ông 50 tuổi uống 15mg lycopene mỗi ngày trong 6 tháng, và chỉ số đo triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt quốc tế (IPSS) của anh ta giảm xuống.
Một nghiên cứu khác trên 105 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt cho thấy dùng 30mg lycopene mỗi ngày, giá trị PSA cũng giảm sau 21 ngày. Điều đó cho thấy lycopene có thể giúp cải thiện chứng phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt. Lycopene có thể làm giảm tổn thương tế bào và làm chậm quá trình sản xuất tế bào ung thư. Nó là một chất chống oxy hóa, nghĩa là nó bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại
Ăn cà chua thế nào để hấp thụ lycopene tốt nhất?
Không chỉ cà chua tươi, nghiên cứu cho thấy nước sốt cà chua và các sản phẩm từ cà chua khác cũng giàu lycopene và cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu cho thấy những người ăn cà chua và các sản phẩm từ cà chua 10 lần/tuần có thể giảm 35% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, nếu mua các sản phẩm từ cà chua như nước ép cà chua, bột cà chua và cà chua xay nhuyễn trên thị trường có thể nhà sản xuất đã thêm các loại gia vị khác không có lợi cho sức khỏe. Do đó, nên đọc kỹ thành phần trước khi mua, nên chọn loại ít đường, muối và phụ gia càng tốt.
Ngoài ra, lycopene trong nước sốt cà chua có hiệu quả sử dụng cao hơn gấp 4 lần so với cà chua tươi. Điều này là do lycopene trong cà chua cần được nấu chín để cơ thể hấp thụ thuận lợi. Do đó, không giống như các chất dinh dưỡng khác, sinh khả dụng của cà chua sẽ tăng lên sau khi nấu chín và thêm dầu.
Tai Ding-en, bác sĩ Khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Tzu Chi ở Đài Bắc, Đài Loan đã hướng dẫn các phương pháp nấu ăn để tăng cường hấp thụ lycopene trong cà chua tươi, để những người muốn bảo vệ tuyến tiền liệt và tránh các bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể tham khảo:
- Chọn cà chua đỏ: Cà chua đỏ có nhiều lycopene hơn cà chua xanh.
- Dùng nước ép cà chua: Cà chua khi ép có thể phá hủy thành tế bào cà chua và giải phóng nhiều lycopene hơn.
- Dùng với dầu: Lycopene là một vitamin tan trong chất béo, và nó có thể được cơ thể hấp thụ khi ăn với dầu ô liu, các loại hạt, thịt và các loại dầu khác.
- Ăn chín: Cà chua sẽ phá vỡ cấu trúc chất xơ khi nấu chín, giải phóng nhiều lycopene hơn.
Ngoài cà chua, các loại trái cây và rau củ màu đỏ như dưa hấu, đu đủ, lựu đỏ cũng chứa nhiều lycopene, những người muốn bổ sung lycopene để bảo vệ tuyến tiền liệt không nên bỏ qua những thực phẩm này.