Ở tuổi 73, nam MC nổi tiếng người Nhật có những bí quyết giữ gìn sức khỏe để có thể tràn đầy năng lượng làm việc vào lúc 5 giờ sáng mà không biết mệt mỏi.
Người dẫn chương trình nổi tiếng người Nhật Hiroshi Ikishima đã làm việc suốt 25 năm, chuẩn bị bước sang tuổi 73. Dù tuổi tác không còn trẻ nhưng ông vẫn tích cực làm việc, thậm chí còn phát sóng trực tiếp trên chương trình radio lúc 5 giờ sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Nhiều người không khỏi thắc mắc liệu ông có bí quyết gì đặc biệt để giúp bản thân luôn khỏe mạnh và làm việc không mệt mỏi? Hóa ra những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của ông được học hỏi từ những bác sĩ nổi tiếng và khách mời thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia chương trình.
Bất cứ khi nào có nghi ngờ về sức khỏe của mình, ông sẽ tham khảo ý kiến các bác sĩ và áp dụng các phương pháp chữa bệnh phù hợp với bản thân. Hiroshi Ikushima cũng không ngần ngại chia sẻ các phương pháp chăm sóc sức khỏe của mình với người hâm mộ, từ khoảng cách giữa các bữa ăn, chế độ ăn uống, đến thói quen giữ ấm hàng ngày và tập thể dục.
Người dẫn chương trình nổi tiếng người Nhật Hiroshi Ikishima.
1. Tạo thời gian cho cơ thể thực hiện quá trình "tự thực" và trẻ hóa tế bào
Vì chương trình được phát sóng vào lúc 5 giờ mỗi sáng nên ông Hiroshi Ikushima thường thức dậy lúc 3h30-4 giờ. Sau khi buổi phát sóng trực tiếp kết thúc, ông chợp mắt một lát trước khi ăn trưa.
"Vì tôi dậy sớm nên giờ ăn tối của tôi cũng sớm hơn. Sau 8 giờ tối, tôi sẽ tắm rửa thoải mái, thực hiện một số động tác giãn cơ và các bài tập nhẹ nhàng khác rồi mới đi ngủ", nam MC Hiroshi Ikushima cho biết.
Đặc biệt, ông Hiroshi Ikushima chia sẻ bản thân luôn quan tâm nhiều hơn đến thời gian ăn sáng và ăn tối, đồng thời có ý thức kéo dài thời gian giữa hai bữa ăn để các tế bào có thể phát huy hết “chức năng tự thực” và trẻ hóa tế bào.
Quá trình tự thực (Autophagy) là quá trình cơ bản của sự phân tách và tái tạo tế bào. Sau khi quan sát, các nhà khoa học phát hiện tế bào giống như đang "tự ăn chính nó", tiêu hủy chất chứa bên trong.
Nhà nghiên cứu khoa học sinh học người Mỹ James W. Clement giải thích rằng quá trình tự thực có thể loại bỏ các khiếm khuyết của tế bào, làm dịu các phản ứng viêm, trì hoãn lão hóa, duy trì quá trình trao đổi chất bình thường, ngăn ngừa béo phì và tiểu đường cũng như duy trì các chức năng cơ thể tối ưu.
Atsushi Aoki, chuyên gia nổi tiếng về bệnh tiểu đường của Nhật Bản, cho biết quá trình tự thực sẽ diễn ra trong 12 giờ sau khi ăn, cho phép tế bào tái tạo. Nghiên cứu gần đây cũng phát hiện ra rằng nếu bạn có thể tập thể dục sau 12 giờ nhịn ăn thì hiệu quả của quá trình autophagy có thể được cải thiện. Mọi người có thể tập squat và chống đẩy tại nhà khi bụng đói hoặc kích hoạt autophagy thông qua chạy bộ.
2. Chú ý bổ sung protein để tránh mất cơ
Bữa sáng rất quan trọng và các bác sĩ từ các chuyên khoa khác nhau đều có những gợi ý không giống nhau. Riêng với Hiroshi Ikushima, ông cho biết do phải phát sóng trực tiếp vào sáng sớm, chức năng tiêu hóa không tốt lắm nên ông chọn dùng nhiều đồ uống như trà đen vào bữa sáng để tránh khó chịu về thể chất.
Đặc biệt trong bữa tối, Hiroshi Ikushima rất chú ý đến việc bổ sung protein. Trên bàn ăn của ông sẽ có ít nhất một món thịt và một món cá để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. "Sau 70 tuổi, tôi thấy mình không còn ăn được nhiều như hồi còn trẻ nên sẽ bổ sung protein bằng bột whey protein. Khi muốn ăn vặt, tôi sẽ chọn sô-cô-la đen không làm tăng đáng kể lượng đường trong máu và các loại hạt rất giàu axit béo omega-3", ông Hiroshi Ikushima chia sẻ.
Zhou Yijun, bác sĩ điều trị tại Khoa Lão khoa thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan từng viết rằng tiêu thụ protein chất lượng cao là nguyên tắc cơ bản để người cao tuổi ngăn ngừa tình trạng suy nhược và thiểu cơ. Người cao tuổi nên tiêu thụ 1-1,2g protein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ, nếu một người nặng 60kg thì họ nên tiêu thụ 60 ~ 72g protein và nên phân bổ đều lượng protein cần thiết cho ba bữa ăn.
3. Phương pháp kiểm soát đường không áp lực
Ngoài protein, Hiroshi Ikushima còn rất chú trọng đến hàm lượng đường. Để tránh biến động lớn về lượng đường trong máu, Satoru Yamada, giám đốc Trung tâm Tiểu đường Đại học Kitasato (Nhật Bản) từng dạy ông sử dụng phương pháp kiểm soát lượng đường không gây áp lực và luôn chú ý đến việc giảm lượng đường ăn vào.
Yamada Satoru cho biết phương pháp này có thể ngăn ngừa tăng đường huyết sau bữa ăn, ngăn ngừa tích tụ mỡ nội tạng và ngăn chặn các bệnh về lối sống như tiểu đường, tăng lipid máu và tăng huyết áp.
Mặc dù từ kiểm soát lượng đường nghe có vẻ gay gắt, khó chịu và gây ấn tượng khó thực hiện nhưng ưu điểm của nó là không kiểm soát quá chặt chẽ, người dân không cần quan tâm đến lượng calo hay hoàn toàn tránh ăn đường mà vẫn đạt được tác dụng ức chế lượng đường trong máu.
Bệnh viện Kentoku Yoshida của Nhật Bản chỉ ra rằng chỉ cần bạn giảm một nửa lượng đường (cơm, mì...) trong chế độ ăn thông thường và hình thành thói quen kiểm tra lượng đường trước khi ăn, tiêu thụ nhiều chất xơ để làm chậm khả năng hấp thụ đường của cơ thể.
4. Tạo thói quen tập thể dục
Hiroshi Ikushima cũng rất chú trọng đến thời lượng tập luyện. Ông cho biết sau khi kết thúc giờ làm việc buổi sáng sớm, ông sẽ đến phòng gym 3-4 ngày mỗi tuần để bơi lội và rèn luyện cơ bắp. Ngoài ra, ông cũng không bỏ lỡ thời gian rảnh mỗi ngày để vận động cơ thể nhiều nhất có thể nhằm ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và ung thư.
5. Giữ ấm cơ thể
Hiroshi Ikushima chỉ ra thêm rằng ngoài chế độ ăn kiêng và tập thể dục, ông còn đặc biệt chú ý đến việc giữ ấm cơ thể và phần thân dưới. Ông chia sẻ: "Ngay cả trong mùa hè, tôi vẫn mang tất cao đến đầu gối để tránh bị quá lạnh. Khi thời tiết lạnh, tôi sẽ mặc thêm quần tất trong quần dài, hoặc sử dụng áo giữ nhiệt. Khi mệt mỏi, thiếu ngủ, cảm thấy lạnh, tôi sẽ chườm túi giữ nhiệt ở eo và dưới rốn".