Món ăn mẹ cho con dùng thay cơm, cháo ngày Tết tưởng bổ dưỡng, BS cảnh báo mối nguy hại cha mẹ nên cân nhắc

DIỆU THUẦN - Ngày 18/01/2023 16:30 PM (GMT+7)

Những ngày Tết nguyên đán, chị Bích Tuyền dự tính sẽ cho con gái hơn 15 tháng tuổi ăn bánh dinh dưỡng cho tiện, nhưng bác sĩ Dương Công Minh cho rằng, đây là cách chăm sóc con không đúng.

Theo Ths.BS Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), Tết nguyên đán là dịp nghỉ ngơi đúng nghĩa của trẻ em. Tuy nhiên, người lớn và các bậc phụ huynh lại bận rộn với việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ cúng, tiếp đãi khách đến chơi cũng như đi chúc Tết người thân, bạn bè, đồng nghiệp… nên đôi khi không thể chu đáo trong việc ăn uống của con.

Các em bé lớn có thể tự ăn, tự chơi để cha mẹ làm việc nhưng với những gia đình có con nhỏ 1-3 tuổi, việc ăn uống của bé lại là vấn đề đau đầu của cha mẹ trong những ngày Tết.

Theo bác sĩ Dương Công Minh, việc ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt trong những ngày Tết sẽ dễ làm trẻ bị thiếu chất. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Dương Công Minh, việc ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt trong những ngày Tết sẽ dễ làm trẻ bị thiếu chất. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Minh kể, những ngày qua, ông đã nhận nhiều cuộc gọi của các bậc phụ huynh có con 1-3 tuổi hỏi về các thực phẩm có thể cho con ăn trong những ngày Tết để vừa tiện lợi, vừa đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ. Trong đó, nhiều người có con biếng ăn đã đặt câu hỏi, họ có thể cho con ăn bánh dinh dưỡng dành cho trẻ 1-3 tuổi vào bữa sáng được không.

Chị Bích Tuyền (ở Đồng Nai) có con gái hơn 15 tháng tuổi, nặng 8kg, cao 74cm là ví dụ điển hình. Chị cho biết, sau sinh, vì không đủ sữa mẹ nên con chị phải ăn thêm sữa công thức. Khi con được 14 tháng tuổi, chị bỏ sữa công thức, chuyển sang cho con uống sữa tươi không đường, kết hợp ăn dặm đa dạng các thực phẩm: thịt, cá, trứng, rau, trái cây và tinh bột.

“Con ăn rất ít và rất khó ăn. Có bữa, con ăn chỉ vài thìa rồi nhè ra hoặc ngậm chặt miệng, không cho mẹ đút. 15 tháng tuổi, con mới chập chững đi được vài bước. Đổi lại, con rất nghịch và hóng chuyện ”, chị Bích Tuyền chia sẻ.

Mới đây, vợ chồng chị Tuyền đưa con đi khám dinh dưỡng và được bác sĩ chẩn đoán bé có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, cần bổ sung vitamin, uống sữa công thức và ăn thêm bánh dinh dưỡng hiệu H.B. Sau khi tham khảo nhiều ý kiến, ngoài bổ sung vitamin, thay sữa tươi bằng sữa công thức cho con, chị còn cho con gái ăn thêm loại bánh dinh dưỡng dành cho trẻ biếng ăn mà bác sĩ đã kê.

Người mẹ cho biết loại bánh dinh dưỡng này có cả vị mặn, nhạt và ngọt, con gái chị ăn rất ngon miệng. Vì vậy, hơn một tháng qua, chị dùng loại bánh này cho con ăn bữa sáng. Tết nguyên đán năm 2023, chị Tuyền cũng sẽ cho con gái ăn bánh dinh dưỡng vào bữa sáng hoặc cả bữa trưa, bữa chiều cho tiện khi đi đến nhà người thân, bạn bè chúc Tết hoặc đi chơi, đi du lịch. Điều chị Bích Tuyền lo lắng là khi ăn loại bánh này, con gái chị bị táo bón nhẹ, chị phải cho con uống nhiều nước hơn.

Dù bận rộn, cha mẹ cũng nên cho con ăn đúng bữa, đúng giờ và ăn đủ chất dinh dưỡng để trẻ không đổ bệnh sau Tết. Ảnh minh họa.

Dù bận rộn, cha mẹ cũng nên cho con ăn đúng bữa, đúng giờ và ăn đủ chất dinh dưỡng để trẻ không đổ bệnh sau Tết. Ảnh minh họa.

Đừng để trẻ bị suy dinh dưỡng sau Tết

Theo bác sĩ Minh, hiện nay trên thị trường có nhiều loại bánh dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, với đủ khẩu vị, nhãn hàng, giá bán khác nhau. Thành phần chủ yếu của loại bánh này là chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Theo số lượng các thành phần nhà sản xuất ghi trên bao bì, bánh có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Vì điều này nên rất nhiều cha mẹ mua cho con trong độ tuổ 1-3 ăn dặm thêm hoặc ăn vào bữa sáng.

Tuy nhiên, bác sĩ Minh cho biết đó chỉ là những lời quảng cáo của các nhà sản xuất, không thể thay thế được các bữa ăn chính bằng các thực phẩm gồm: tinh bột - đạm - chất béo - chất xơ cho trẻ.

Bác sĩ Minh nhấn mạnh, với trẻ 1-3 tuổi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đa dạng các loại thực phẩm để bé phát triển trí não, hệ xương và kích thước cơ thể. Việc chỉ cho trẻ ăn qua loa trong những ngày Tết, hay chỉ ăn các loại bánh có quảng cáo nói quá sự thật sẽ bất lợi cho sức khỏe trẻ. Hơn nữa, nếu trẻ liên tục ăn bánh dinh dưỡng sẽ ngán và bỏ bữa hoặc không muốn ăn các thực phẩm khác.

Ths.BS Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

Ths.BS Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

Bác sĩ Minh cũng cho biết trong bánh dinh dưỡng có thành phần chính là tinh bột và đường, nếu những trẻ bị dư cân, béo phì ăn nhiều sẽ có nguy cơ tăng cân nhiều hoặc càng béo phì nặng hơn. Còn với những trẻ biếng ăn, nhẹ cân nếu ăn loại bánh này vào các bữa chính, trẻ sẽ càng lười ăn các thực phẩm khác và có nguy cơ tiếp tục nhẹ cân hơn.

Mặt khác, việc cho trẻ ăn nhiều tinh bột và đường mà không bổ sung rau xanh, trái cây, các chất đạm, chất béo khác sẽ làm trẻ dễ bị táo bón, gây khó chịu, mệt mỏi vì thiếu vitamin C, vitamin B, kẽm, canxi… Khi thiếu các chất này, trẻ thưởng mỏi mệt, sức đề kháng giảm, dễ mắc bệnh hơn.

Bác sĩ Minh khuyến cáo, trong những ngày Tết, cha mẹ vẫn nên duy trì cho con nhỏ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn đúng giờ và đủ bữa. Trường hợp quá bận rộn, cha mẹ có thể cho con ăn các món dễ chế biến, dễ ăn như bún, miến, cháo, bánh chưng có sẵn trong nhà và cho uống đủ sữa để con luôn khỏe mạnh, không bị giảm cân, béo phì bị bệnh khi những Tết qua đi.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Một tuần nên cho trẻ ăn mấy quả trứng? Mẹ hãm con ăn trứng vì sợ mỡ máu cao, BS nói điều bất ngờ
Hiện trên mạng xã hội và thực tế cuộc sống có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc cho trẻ ăn trứng. Nhiều mẹ như bị lạc vào “ma trận” khi tìm kiếm...

Tư vấn sức khỏe trẻ em

DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách