Cho con ăn loại bánh nhiều trẻ thích, 2 giờ sau bé tím tái, BS cảnh báo một điều bố mẹ nào cũng cần biết

DIỆU THUẦN - Ngày 13/01/2023 11:20 AM (GMT+7)

Nghĩ con đã 13 tháng tuổi, mẹ tập cho ăn dần các thực phẩm bé bị dị ứng để dần thích nghi. Nào ngờ, khi ăn xong được 2 giờ, bé phải nhập viện cấp cứu.

Tham khảo trên mạng, tập cho con dần thích nghi với các thực phẩm bị dị ứng

Chị Trần Thị Mỹ Dung (30 tuổi, ở TP.HCM) mới sinh con trai được 13 tháng tuổi. Chị cho biết, từ khi sinh ra, con trai chị được chẩn đoán có cơ địa dị ứng với sữa mẹ và một số sữa công thức, vì vậy, bé phải uống sữa dành riêng cho trẻ có cơ địa dị ứng.

Khi bước vào tháng tuổi ăn dặm, con trai chị Dung bị dị ứng với tôm, cua, trứng và có biểu hiện nổi mề đay khắp người. Các bác sĩ khuyến cáo, người mẹ không nên cho trẻ ăn các thực phẩm này và đồ ăn có thành phần chứa các thực phẩm đó.

Con trai chị Dung bị dị ứng thức ăn từ khi sinh ra. Ảnh: BVCC.

Con trai chị Dung bị dị ứng thức ăn từ khi sinh ra. Ảnh: BVCC.

Lúc con trai được 12 tháng tuổi, sau khi tham khảo thông tin từ các diễn đàn chăm sóc trẻ trên mạng xã hội, người mẹ tập cho con ăn các món làm từ trứng, hải sản, mỗi lần ăn khoảng 1-2 muỗng cà phê để cơ thể con dần quen. Sau khi ăn, con trai bị nổi mề đay, chị cho uống một viên thuốc điều trị kháng dị ứng. Tiếp tục theo dõi, chị thấy các biểu hiện dị ứng của con đỡ dần nên yên tâm.

Khi con bước sang 13 tháng tuổi, chị Dung nghĩ bé đã không còn dị ứng với lòng trắng trứng nên cho bé ăn bánh flan, được làm từ trứng và sữa. Sau khi ăn, bé trai bị nổi mề đay lốm đốm toàn thân. Sau đó, bé ngứa và gãi liên tục đến trầy da.

Mẹ cho uống thuốc kháng dị ứng nhưng tình trạng của bé trai không cải thiện. 2 giờ sau khi ăn bánh flan, toàn thân bé đỏ ửng, khó thở, vợ chồng chị Dung mới đến khoa Cấp cứu, một bệnh viện tư nhân TP.HCM vừa khóc vừa nói với bác sĩ: “Bác sĩ ơi, cứu lấy con tôi”.

BS.CKI Hồng Văn In, Phó khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tím tái môi, toàn thân ửng đỏ, khò khè, thở rít từng cơn. Kết quả đo huyết áp tụt chỉ còn 70/50 mmHg. Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ In chẩn đoán, bệnh nhi bị sốc phản vệ độ 3 với lòng trắng trứng. Bệnh nhi được chỉ định truyền adrenalin, truyền dịch, nâng huyết áp theo phác đồ của Bộ Y tế.

Sau 24 giờ theo dõi, mạch, huyết áp ổn định, bệnh nhi ăn uống trở lại.

 Không nên tập cho trẻ ăn dần các thức ăn mà bé dị ứng

Theo bác sĩ Lê Minh Thượng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), dị ứng thức ăn là một phản ứng miễn dịch của cơ thể trước một hay nhiều thành phần gần như vô hại có trong thức ăn. Bất cứ trẻ nào cũng có thể bị dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ tăng lên nếu trong gia đình có một người mắc bệnh dị ứng. Trẻ có 50-80% khả năng mắc bệnh nếu có từ hai thành viên trong gia đình bị hen suyễn, chàm, viêm mũi dị ứng…

Bác sĩ Thượng cho rằng, tất cả thức ăn đều có thể gây dị ứng cho trẻ. Tuy nhiên, đậu phộng (lạc), sữa, trứng là 3 thực phẩm gây ra 90% các trường hợp dị ứng thức ăn ở trẻ. Trong đó, trẻ bị dị ứng sữa là thường gặp nhất, thường xuất hiện trong tháng đầu tiên khi chào đời.

Với đậu phộng thường tập trung ở độ tuổi lớn hơn nhưng trước độ tuổi đi học. Bên cạnh đó, nhiều thức ăn thường có khả năng gây dị ứng như mè, đậu nành, các loại hạt ngũ cốc, cá, tôm, cua, sò, ốc và một số loại hải sản khác. Ngoài ra còn có các loại trái cây như việt quất, bí đỏ, cà chua, khoai tây, mù tạt và các chất phụ gia dùng trong thức ăn như benzoat, salicylate, bột ngọt…

Các bác sĩ khuyến cáo trẻ bị dị ứng thức ăn, cha mẹ không nên tập cho con thích nghi dần với các thực phẩm mà trẻ bị dị ứng. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ khuyến cáo trẻ bị dị ứng thức ăn, cha mẹ không nên tập cho con thích nghi dần với các thực phẩm mà trẻ bị dị ứng. Ảnh: BVCC.

Nói về trường hợp bé trai trên, bác sĩ In cho biết trong lòng trắng trứng có chứa Albumin là thực phẩm có thể gây dị ứng ở một số người có cơ địa dị ứng với thành phần này. Các triệu chứng dị ứng gồm: nổi mề đay, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, chuột rút, buồn nôn, nôn… Với các bé có cơ địa dị ứng, chàm sơ sinh, phản ứng dị ứng càng nghiêm trọng, dễ rơi vào sốc phản vệ: đỏ toàn thân, tức ngực, khó thở, tụt huyết áp… có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Bác sĩ In khuyến cáo, không nên tập cho bé ăn dần các thức ăn mà bé dị ứng để cơ thể thích nghi. Thực tế có trẻ đến một độ tuổi nào đó sẽ hết dị ứng một hay nhiều loại thực phẩm nhưng có trẻ vẫn dị ứng suốt đời. Các lần dị ứng sau càng nghiêm trọng hơn lần trước. Do vậy, khi bé bị dị ứng với một loại thức ăn nào, mẹ tuyệt đối không cho bé thử thêm lần nào.

Bác sĩ In khuyên, cha mẹ cần kỹ lưỡng khi chọn thực phẩm cho bé có cơ địa dị ứng. Trong chế biến món ăn hàng ngày, mẹ không nên nấu món ăn cho bé chung xoong nồi có dính các thực phẩm bé thường dị ứng. Nếu trẻ bị dị ứng thực phẩm với biểu hiện nổi mề đay, da ửng đỏ cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Không tự ý dùng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. 

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Bé gái 10 tuổi nội soi dạ dày 8 lần, bác sĩ tiêu hóa nhắc nhở: Bệnh này có thể hại cả gia đình chỉ qua một bữa ăn
Khi nhắc đến nội soi dạ dày, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Nhiều người sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng và trải nghiệm nội soi dạ dày chắc chắn không hề dễ chịu với bất cứ ai. Thế nhưng một bé gái 10 tuổi đã phải nội soi dạ dày tới 8 lần và con số này có khả năng sẽ tiếp tục tăng. 

Bệnh dạ dày

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dị ứng thức ăn