Tào phớ không chỉ là món ăn thanh mát, ngon lành mà còn rất giàu chất dinh dưỡng, giàu protein, có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ sinh ngày 20/9/1963, tại Vĩnh Long. Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II Y học cổ truyền năm 2005.
Hiện bác sĩ là: Giảng...
Bài viết dưới đây là chia sẻ của BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Cơ sở 3, Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM về tác dụng và cách sử dụng của món tào phớ.
Tào phớ là món ăn ngon được làm từ đậu nành, có màu trắng ngà, mịn tan, vị hơi ngọt nhưng không quá ngọt và phảng phất hương vị của đậu nành. Tên gọi có thể xuất phát từ "tofu", nghĩa là đậu phụ trong tiếng Trung. Theo truyền thuyết, các vua chúa mong có loại thuốc trường sinh, yêu cầu các thầy thuốc dùng đậu nành và nước muối để tinh chế thuốc tiên, và kết quả cho ra một loại đậu phụ mềm, trắng như tuyết. Mặc dù nó không phải là một loại tiên dược kỳ diệu, nhưng nó rất ngon và có một hương vị độc đáo, nhanh chóng trở nên phổ biến và lan rộng khắp thế giới. Kể từ đó, nó trở thành món ăn vặt truyền thống nổi tiếng.
Tào phó là món ngon dân dã có từ lâu đời. (Ảnh minh họa)
Trong văn hóa phương đông, món tào phớ mang một số ý nghĩa tượng trưng:
- Thịnh vượng và dư dả: Tào phớ thường được dùng làm món tráng miệng trong các dịp lễ hội như Tết Nguyên Đán và đám cưới. Kết cấu mềm và mượt của nó tượng trưng cho sự thịnh vượng và dồi dào, mang lại may mắn và tài lộc cho những người ăn nó.
- Tinh khiết và đơn giản: Tào phớ được làm từ những nguyên liệu đơn giản như đậu nành, nước và chất làm đông. Vẻ ngoài đơn giản và không trang trí của nó tượng trưng cho sự thuần khiết và đơn giản, vốn được đánh giá cao trong văn hóa truyền thống đông phương.
- Hài hòa và cân bằng: Tào phớ thường ăn kèm với nước đường hoặc món tào phớ mặn ăn với thịt và nấm hương. Sự kết hợp giữa hương vị ngọt và mặn thể hiện sự cân bằng âm dương trong Đông y, thúc đẩy sự hài hòa và cân bằng trong cơ thể.
- Khiêm tốn và nhu mì: Sự đơn giản và mềm mại của từng miếng tàu phớ đóng vai trò như một lời nhắc nhở giữ vững lập trường và khiêm tốn, ngay cả khi đối mặt với thành công và thịnh vượng.
Ở nước ta, tào phớ là món ăn giải nhiệt ngày hè được nhiều người yêu thích. Tên gọi món tào phớ ở mỗi miền có khác nhau.
Ở Hà Nội, tào phớ thường được bán rong, gắn liền với hình ảnh các bà các mẹ gánh tào phớ hoặc đi xe bán tào phớ rong ruổi khắp các con phố, miệng rao " Ai...phớơơ đây!!!". Người bán hớt từng lát tào phớ mỏng vào bát sao cho miếng tào phớ vẫn còn sánh, rồi chan thêm nước đường pha có ướp hoa nhài tươi, thơm mùi hoa nhài dìu dịu.
Táo phớ có mặt ở khắp Việt Nam và mang đậm nét văn hóa mỗi vùng miền. (Ảnh minh họa)
Tào phớ ở Huế, Đà Nẵng và nhiều nơi ở miền Trung cũng được bán rong nhiều, còn gọi là đậu hũ. Miếng đậu hũ "lỏng" hơn, thường không định hình. Nước đường chan vào bát đậu hủ có thêm chút gừng giã dập hoặc xắt lát thơm và cay làm tăng hương vị cho bát đậu hủ. Khi ăn, người bán sẽ chan vào bát đậu hủ lượng nước đường tuỳ theo nhu cầu của khách hàng mong muốn, có thể ăn rắc đường lên trên hoặc không cần đường.
Ở miền Nam, tào phớ lại gọi là tàu hủ nước đường. Tàu hủ thường được bán ở vỉa hè, hoặc các chị gánh tàu hủ hay đẩy xe bán rong trong các con hẻm với tiếng rao ơi ới: "Tàu hủ đây!!!". Từng lát tàu hủ đặc hơn, sánh hơn sẽ được các chị hớt vào chén, ngoài thêm nước đường có gừng thì người bán còn rất sáng tạo, có thể thêm vào nước cốt dừa, bánh lọt, sương sâm, sương sáo, trân châu, hạt sen,… trông chén tàu hủ thật hấp dẫn.
Tào phớ dù có sự khác nhau ở mỗi miền nhưng chúng đều làm từ đậu nành, từ người già đến trẻ nhỏ đều yêu thích. Đặc biệt, tào phớ được bán quanh năm suốt tháng, nếu là mùa hè thì có thể thưởng thức tào phớ ăn kèm với đá, còn khi mùa đông trời lạnh thì đã có chén tào phớ ấm nóng hoà với nước gừng cay nồng.
Tác dụng cho sức khỏe của Tào phớ
Trong Đông y, tào phớ được xem là món ăn giải nhiệt, bổ dưỡng, giúp hạ nhiệt bên trong và bồi bổ cơ thể. Theo nguyên lý Đông y, cơ thể con người có sự cân bằng âm dương, mất cân bằng sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Tào phớ được coi là một món ăn mang tính âm, có thể giúp cân bằng dương quá mức trong cơ thể. Nó cũng được cho là có tác dụng nuôi dưỡng Tỳ, Vị, Phế. Khi ăn với nước đường gừng, tào phớ giúp ấm Tỳ Vị, hỗ trợ tiêu hoá, chống buồn nôn, tăng cường khả năng miễn dịch.
Tào phớ rất giàu chất dinh dưỡng, giàu protein, ít chất béo bão hòa, nhiều axit béo không bão hòa đa, không có cholesterol, có lượng calo thấp, không chứa luten và là nguồn cung cấp β-vitamin, khoáng chất (canxi, sắt, phospho…), isoflavone và chất chống oxy hóa (carotenoid, vitamin C và E, hợp chất phenolic và thiol (SH) và các axit amin thiết yếu). Tào phớ ăn vào được cơ thể tiêu hoá và hấp thu nhanh.
Ngoài chức năng tăng cường dinh dưỡng, hỗ trợ tiêu hóa, tào phớ còn có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của răng, xương, hỗ trợ trong chức năng tạo máu. Tào phớ không chứa cholesterol, rất có lợi cho người bị cao huyết áp, mỡ máu cao, tăng cholesterol máu, xơ cứng động mạch và bệnh mạch vành. Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đậu nành (sản phẩm từ đậu nành) giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể và duy trì lượng cholesterol tốt (HDL). Các chất chống oxy hoá trong tào phớ có thể bẫy và tiêu diệt gốc tự do, bảo vệ và ngăn ngừa tổn thương gan do stress oxy hoá.
Vào mùa hè, tào phớ là món thanh mát được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa)
Tào phớ cũng rất giàu isoflavone (có chức năng như phytoestrogen), có tác dụng ngăn ngừa và ức chế loãng xương, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư máu, giảm nguy cơ tiểu đường và bệnh tim, cải thiện chức năng não, chống trầm cảm, đồng thời giúp giảm bớt một số triệu chứng thời kỳ mãn kinh. Một đánh giá toàn diện năm 2015 về các nghiên cứu có liên quan của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã kết luận rằng isoflavone không làm tăng nguy cơ ung thư vú, tuyến giáp hoặc tử cung ở phụ nữ mãn kinh.
Lưu ý khi ăn tào phớ:
Theo các chuyên gia không nên ăn quá 200g tào phớ mỗi ngày, ăn quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như: Gây đầy bụng, khó tiêu; Gây tăng lượng calo dẫn đến tăng cân; Tăng tích tụ acid uric có thể dẫn đến bệnh gout; Phụ nữ ăn quá nhiều tào phớ có thể làm rối loạn quá trình sản xuất estrogen dẫn đến các vấn đề về nội tiết tố; Có thể gây thiếu hụt khoáng chất: Tào phớ có chứa phytates cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng (canxi, sắt, kẽm,.. đặc biệt là i-ốt).
Người bị suy giáp nên tránh ăn tào phớ do hàm lượng goitrogen của nó.
Người có khối u vú nhạy cảm với estrogen nên hạn chế ăn tào phớ.
Nhiều người lo lắng việc ăn quá nhiều tào phớ có gây hại cho nam giới hoặc trẻ em. Nghiên cứu cho thấy cả lượng đậu nành và isoflavone đều không ảnh hưởng đến mức testosterone ở nam giới. Lượng đậu nành mà trẻ em ăn không ảnh hưởng tiêu cực đến nội tiết tố của chúng, cũng như không ảnh hưởng đến sự phát triển ở tuổi dậy thì, mà có thể bảo vệ chống lại ung thư vú khi trưởng thành (vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn).
Tào phớ nếu không muốn ăn hết trong một lần, thì có thể chia thành nhiều phần riêng biệt, đậy kín và cho vào tủ lạnh. Có thể bảo quản tào phớ trong tủ lạnh khoảng 4-5 ngày.
Người ăn chay có thể dùng tào phớ dùng chất làm đông là bột thạch cao hoặc nigari. Tào phớ dùng chất làm đông là gelatin (nguồn gốc từ collagen động vật) thì món này không thuần chay. Không nên sử dụng thạch cao mức độ lớn sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, thậm chí ngộ độc nguy hiểm tính mạng.
Mặc dù tào phớ mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, an toàn cho hầu hết mọi người, và rất được yêu thích, tuy nhiên nên lựa chọn những nơi bán uy tín, hợp vệ sinh để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.
Tin liên quan
Món gà rán giòn thơm ngon được nhiều người yêu thích lại có thể gây tổn hại đến chức năng thận.
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Chế độ ăn uống tốt được cho là đã góp phần khiến 9 anh chị em đều có tuổi thọ trên dưới 100 và vẫn khỏe mạnh.
Đĩa mướp đắng xào ớt đầu độc hai mẹ con, thủ phạm gây họa hóa ra có mặt trong nhiều món ăn hằng ngày
Ăn món mướp đắng xào xong, hai mẹ con cùng nhập viện, thủ phạm chính là một chất ít được biết tới, tồn tại trong những loại rau để lâu.
Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm tốt cho sức khỏe
Cá mòi được coi là "siêu thực phẩm" và là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Loại cá giàu acid béo omega-3 này có nhiều cách chế biến như đóng hộp, nướng, nấu canh chua hoặc...