Nam sinh trường chuyên Hà Nội bỗng mê game, muốn tự sát, BS cảnh báo điều nhiều bố mẹ làm tưởng tốt lại dễ hại con

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/10/2022 19:23 PM (GMT+7)

Đang là con ngoan trò giỏi, Tài bỗng chán học, đêm đêm mải mê chơi game... Khi được người nhà cho đi khám, chàng trai 18 tuổi được chẩn đoán bị trầm cảm nặng, có ý định tự sát.

Con nhập viện tâm thần vì áp lực phải học giỏi

Ths.BS Đỗ Thùy Dung - Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay tình trạng trầm cảm tuổi học đường đang ngày càng gia tăng, không ít trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, đã có ý định tự sát hoặc hủy hoại cơ thể.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Tài, 18 tuổi, ở Hà Nội, điều trị tại viện cách đây không lâu. Theo chia sẻ của gia đình, Tài là con thứ 2, sống cùng bố mẹ và anh trai. Bố Tài khá nghiêm khắc và hướng cho con mục tiêu học tập rất cao. 

Suốt thời gian học cấp 1 và cấp 2, Tài luôn đạt học sinh giỏi. Em yêu thích học tiếng Anh và thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Khi Tài vào học chuyên Anh, bố mẹ luôn hối thúc Tài phải đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Cảm thấy áp lực, Tài dần chán ghét cả môn học mình yêu thích và nhiều môn khác.  

Bị áp lực học tập, nam sinh viên phải nhập viện tâm thần. (Ảnh minh họa)

Bị áp lực học tập, nam sinh viên phải nhập viện tâm thần. (Ảnh minh họa)

Khoảng 2 tháng trước khi đi khám, Tài chán nản mọi thứ, về nhà là nhốt mình trong phòng, ít khi ra ngoài. Em cũng hay cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh. Ban đêm, Tài thường chơi điện tử trên điện thoại hoặc máy tính tới 2-3h sáng. Khi được nhắc nhở, bệnh nhân cáu gắt, không nói chuyện với bố mẹ. 

Đến chơi nhà, nhận thấy cháu có những biểu hiện bất thường, cô ruột của Tài đã đưa cháu đến phòng khám chuyên khoa Tâm thần. Tại đây, Tài được chẩn đoán đang ở giai đoạn trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát nên được chỉ định nhập viện điều trị. 

Bác sĩ Dung cho biết, sau 2 tuần điều trị, Tài đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, khí sắc cải thiện. Em trở nên vui vẻ hơn, không còn suy nghĩ tiêu cực, đồng thời tích cực tập thể dục thể thao và nói chuyện với mọi người xung quanh. Mối quan hệ của Tài và bố mẹ được cải thiện, em cũng có định hướng rõ ràng hơn cho tương lai. "Bệnh nhân đã được về nhà, duy trì uống thuốc và tái khám theo hẹn", bác sĩ Dung nói thêm.  

Bố mẹ cần quan tâm, phát hiện biểu hiện bất thường của con

Bác sĩ Lê Công Thiện - Phó trưởng bộ môn Tâm thần, trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa M4 - Viện Sức khoẻ Tâm thần quốc gia (BV Bạch Mai) cho biết, trẻ tuổi học đường đang phát triển tâm sinh lý mạnh nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng (xung đột gia đình, chỉ trích, không đạt thành tích trong học tập...) và thể hiện lòng tự trọng thấp, mặc cảm quá mức nên dễ dẫn đến trầm cảm.

Các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai chia sẻ về vấn đề trầm cảm tuổi học đường.

Các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai chia sẻ về vấn đề trầm cảm tuổi học đường. 

Trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ với bạn bè, gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.

Theo bác sĩ Thiện, trầm cảm ở lứa tuổi học đường do nhiều nguyên nhân như di truyền, thay đổi hoóc môn, áp lực cuộc sống, gia đình, xã hội, sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu, lối sống không lành mạnh…

“Trầm cảm ở trẻ em thường thể hiện qua triệu chứng cơ thể như mệt mỏi, giảm tập trung học tập hoặc xuất hiện triệu chứng nặng như hoang tưởng, ảo giác… Đáng chú ý, mỗi độ tuổi lại có những biểu hiện khác nhau, ví dụ trẻ 6-10 tuổi hay khóc lóc, cãi lời, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ... Trong khi đó, trẻ 11-19 tuổi thường lo âu, chán ghét mọi việc, thiếu tự tin, có hành vi tiêu cực, thậm chí là tự sát. Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên kéo dài quá 2 tuần, phụ huynh cần đưa con đến đi khám chuyên gia tâm lý, tâm thần", bác sĩ Thiện chia sẻ.

Để dự phòng trầm cảm học đường, phụ huynh nên động viên trẻ tăng cường tập luyện thể dục thể thao, đản bảo chế độ dinh dưỡng tốt, có lối sống lành mạnh… Đặc biệt, gia đình có vai trò rất quan trọng nên bố mẹ đừng quên gần gũi, quan tâm và động viên trẻ kịp thời.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Giám đốc lên kế hoạch cho cái chết, rồi nhập viện tâm thần vì vỡ nợ, không bán được bất động sản
Đứng trước sức ép về tài chính, thất bại trong công việc, nhiều đại gia, chủ doanh nghiệp gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng không chấp nhận...

Bệnh trầm cảm

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh trầm cảm