Nếu bạn nhận thấy rằng bạn cần ngủ nhiều hơn 9 tiếng để cơ thể được nghỉ ngơi, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt là nếu bạn có thể ngủ thiếp đi ở bất kỳ đâu và ở bất cứ lúc nào.
Do đó bạn cần phải quan tâm đến nguyên nhân của vấn đề ngủ nhiều. Trong hầu hết các trường hợp, khi ngủ quên, mọi người thường nghĩ rằng do thời gian làm việc quá dài, quá mệt mỏi. Tuy nhiên đây cũng chính là nguyên nhân của một số loại bệnh.
Bright Side tổng hợp những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi ngủ 12 tiếng/ngày. Hãy nhỡ rằng, đó không phải là giấc ngủ có chất lượng.
1. Bạn có thể bị chứng ngủ rũ
Trái ngược với chứng mất ngủ, hội chứng ngủ rũ là một rối loạn giấc ngủ mãn tính, gây ra bởi sự mất cân bằng hóa học trong não. Hầu hết người mắc hội chứng ngủ rũ có mức hypocretin (một chất dẫn truyền thần kinh thúc đẩy sự tỉnh tảo) thấp, đặc trưng bởi buồn ngủ ban ngày quá nhiều và giấc ngủ có thể đến bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, bạn có thể ngủ ngay cả khi bạn đang lái xe hoặc đang làm việc. Những người bị chứng ngủ rũ thường cảm thấy khó khăn để tỉnh táo trong thời gian dài trong bất kể trường hợp nào. Ngay cả khi ngủ nhiều, cơ thể bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.
2. Bạn có thể bị trầm cảm
Trong khi một số người trưởng thành bị mất ngủ là dấu hiệu của trầm cảm, có một tỷ lệ người lớn, cũng như trẻ em và thanh thiếu niên trải qua tình trạng ngủ quá nhiều cũng bị mắc trầm cảm. Nếu bạn đang không nhận thức được thực tế bạn bị trầm cảm, thì ngủ nhiều cũng là một dấu hiệu bạn cần phải lưu ý.
3. Trái tim xuất hiện vấn đề
Một trong những dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang mắc một căn bệnh liên quan đến tim có thể là ngủ nhiều. Khi làm việc, tim sẽ đập nhanh hơn giúp tuần hoàn máu diễn ra ổn định, thúc đẩy máu lên não tốt. Khi con người rơi vào trạng thái ngủ, tim cần nghỉ ngơi, nhịp tim giảm. Do đó, việc ngủ nhiều khiến tim quen với việc nhàn rỗi nên khi cơ thể làm việc, dù chỉ là một công việc nhẹ cũng khiến tim đập nhanh, lâu dần dẫn đến rối loạn nhịp tim, yếu tim, thậm chí suy tim…
Theo nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người ngủ nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim lên đến 34%. Đặc biệt, phụ nữ thường ngủ nhiều hơn đàn ông nên nguy cơ bệnh tim do ngủ nhiều cũng cao hơn.
4. Cần phải đi kiểm tra tuyến giáp
Có 2 loại vấn đề về tuyến giáp ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một là gây ra chứng mất ngủ, cái còn lại gây ra chứng ngủ nhiều hoặc cảm giác mệt mỏi mọi lúc. Suy giáp có liên quan đến việc ngủ nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày và có thể gây ra mệt mỏi vào ban ngày. Nếu bạn không phải chịu bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, nhưng bạn đang trong tình trạng ngủ nhiều thì nên đi kiểm tra tuyến giáp.
5. Trầm cảm theo mùa
Trầm cảm theo mùa (SAD) là một rối loạn tâm trạng xảy ra hàng năm tại cùng một thời điểm, một mùa. Một dạng trầm cảm theo mùa hiếm gặp, được gọi là ” trầm cảm mùa hè “, nó bắt đầu vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè và kết thúc vào mùa thu. Dạng dễ gặp hơn đó là “trầm cảm mùa đông” bắt đầu vào mùa thu hoặc đầu mùa đông và kết thúc vào mùa xuân. Triệu chứng của loại trầm cảm này là ngủ nhiều hơn, mệt mỏi, tăng cảm giác thèm ăn…
6. Giấc ngủ có thể bị xáo trộn bởi ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ xảy ra khi có tắc nghẽn đường dẫn khí, đường hô hấp trên bị sụp xuống trong 10 giây và điều này có thể xảy ra tới hàng trăm lần trong một đêm. Do đó, giấc ngủ của bạn bị xáo trộn nhiều lần mỗi đêm và cơ thể bạn cần ngủ nhiều giờ hơn để cảm thấy được nghỉ ngơi. Khi thiếu ngủ, ngay cả ban ngày bạn cũng buồn ngủ, và có thể ngủ ở mọi nơi, vào bất cứ lúc nào.