Ngâm chân trước khi đi ngủ là một thói quen tốt, ngâm chân bằng lá lốt còn có thể mang lại nhiều lợi ích hơn. Vậy ngâm chân bằng lá lốt có tác dụng gì?
Cây lá lốt thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae) và nó có tên khoa học là Piper lolot C.DC Cây lá lốt là loại cây mềm, cao tới 1 mét và thường mọc hoang ở nơi ẩm thấp trong rừng núi và cũng được trồng nhiều ở Việt Nam.
Thân cây lá lốt hơi có lông, lá hình trứng rộng, đầu lá nhọn, phần gốc hình tim, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông. Cây lá lốt thường được lấy lá để dùng làm gia vị và làm thuốc. Phần thân, hoa, hay rễ của cây lá lốt cũng có thể được sử dụng.
Lá lốt có nhiều tác dụng với sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Theo Đông y, lá lốt có tính ấm, vị cay thơm. Lá lốt có tác dụng ôn trung tán hàn, kiện tỳ tiêu thực, hạ khí chỉ thống. Lá lốt có thể sử dụng cho các trường hợp đau bụng lạnh gây tiêu chảy, nôn, hội chứng lỵ trên cơ địa hư hàn; đau răng, đau đầu, chán ăn, đầy bụng.
Nhiều người còn dùng lá lốt để ngâm chân với mong muốn chữa nhiều bệnh.
Ngâm chân bằng lá lốt có tác dụng gì?
Theo Đông y, tất cả các cơ quan nội tạng và kinh tuyến trong cơ thể có liên quan chặt chẽ với bàn chân. Việc ngâm chân bằng nước nóng và thêm một số nguyên liệu có thể giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện chức năng của các cơ quan nội tạng.
Đặc biệt, ngâm chân trước khi đi ngủ có thể thúc đẩy lưu thông máu ở bàn chân, giảm mệt mỏi, dễ ngủ hơn, nhất là vào mùa đôn.
Ngâm chân bằng lá lốt có thể mang lại một số công dụng như:
Chữa đổ mồ hôi ở tay chân
Chuẩn bị 30g lá lốt tươi, đem rửa sạch, để ráo. Sau đó, cho 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút. Khi nước sôi, thêm ít muối. Để nước nguội bớt, ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày sẽ thấy được hiệu quả.
Ngâm chân bằng lá lốt có thể chữa đổ mồ hôi tay, chân. (Ảnh minh họa)
Hoặc nếu không muốn ngâm chân có thể sắc uống. Cách làm: Lấy 30g lá lốt đem thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền tiếp. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa.
Chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp
Lấy 5 - 10g lá lốt phơi khô hoặc lấy 15 - 30g lá tươi. Sắc với nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Hoặc có thể dùng lá tươi dạng thuốc sắc để ngâm tay chân, ngâm đến khi nước nguội thì thôi.
Những ai không thích hợp để ngâm chân?
Ngâm chân nước nóng với lá lốt có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng thích hợp để ngâm chân.
- Người bị bệnh tiểu đường thường không cảm nhận được rõ nhiệt độ, nếu nhiệt độ nước quá cao nhưng không cảm nhận được chính xác rất dễ bị tổn thương.
- Người bị suy thận đồng thời bị suy tim có thể kích thích vùng phản xạ của bàn chân, gây phản ứng mạnh, khiến bệnh tình phức tạp thêm.
- Những người bị phù nề chi dưới và bệnh nhân viêm đường tiết niệu không nên ngâm chân.
- Người bị bệnh thận có tổn thương chân như nhiễm trùng, lở loét, giãn tĩnh mạch cũng cấm kị ngâm chân.
- Người mắc bệnh tim mạch không nên ngâm chân, bởi khi nhiệt độ nước cao, rất dễ khiến các mao mạch giãn nở, tăng tốc lưu thông máu, tăng gánh nặng cho tim, làm bệnh nặng hơn.
- Người huyết áp thấp không nên ngâm chân trong nước nóng quá lâu dễ bị chóng mặt, huyết áp giảm.
Lưu ý khi ngâm chân bằng lá lốt
- Nhiệt độ nước ngâm chân không được vượt quá 40 độ C.
- Thời gian ngâm chân tốt nhất là nửa giờ sau khi ăn, kéo dài khoảng 20 phút và lâu nhất không quá 30 phút.
- Không ngâm chân khi đói, ngâm nước không vượt quá mắt cá chân.
Nguồn tham khảo: Lá lốt - Vị thuốc dân gian - Sức khỏe đời sống - Xuất bản ngày 19/12/2025 |