Người đàn ông hoại tử chân nguy kịch, bác sĩ cảnh báo người thường xuyên đi biển cần cảnh giác

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 13/09/2022 10:45 AM (GMT+7)

Sau khi tiếp xúc với nước mặn ở biển, người đàn ông xuất hiện các nốt phỏng nước, rồi hoại tử đen hết phần cẳng chân, kết quả xét nghiệm cho thấy nam bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm.

Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, hiện các bác sĩ tại trung tâm đang điều trị cho một bệnh nhân quê ở Nam Định, bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn nặng kèm viêm mô bào cẳng bàn chân phải - suy gan thận - rối loạn đông máu do bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus. Đây là một loại vi khuẩn sống ở vùng nước mặn, nước lợ, thường gây bệnh cho những ngư dân sinh sống ở những vùng ven biển.

Trước đó, nam bệnh nhân này nạo vét và vệ sinh khu vực nuôi tôm của gia đình. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện các nốt phỏng nước hoại tử đen ở cẳng chân phải, kèm sốt cao và mệt mỏi nhiều. Bệnh nhân được gia đình đưa đến BVĐK tỉnh Nam Định, được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn với nhiều nốt phỏng nước hoại tử đen lan rộng cả cẳng chân. Do tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, kèm sốc và toan chuyển hóa nên được chuyển tuyến lên Trung tâm Cấp cứu A9 rồi chuyển vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. 

Vùng cảng chân của bệnh nhân bị hoại tử do bị vi khuẩn tấn công. Ảnh: BVCC.

Vùng cảng chân của bệnh nhân bị hoại tử do bị vi khuẩn tấn công. Ảnh: BVCC.

Ths.BS Nguyễn Quang Huy, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, sau khi tiếp nhận các bác sĩ đã cấy dịch mủ để tìm đích danh vi khuẩn gây bệnh. Sau khi xác định bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus, các bác sĩ có hướng điều trị phù hợp. Sau 6 ngày điều trị tích cực, hiện tình trạng của bệnh nhân đã dần ổn định: chân đỡ sưng, không cần sử dụng vận mạch và qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân đã có thể tự ăn uống và nói chuyện. Tuy nhiên, các nốt phỏng tiếp tục chảy dịch và thoát huyết tương trên nền bệnh nhân đái tháo đường và xơ gan nên các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, đa số những trường hợp nhiễm khuẩn do Vibrio vulnificus thường rất nặng. Trong những năm gần đây, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận 2-3 trường hợp là ngư dân đi biển mắc phải và những bệnh nhân này thường đi vào sốc nhiễm khuẩn, tổn thương tiến triển nhanh dẫn tới suy đa phủ tạng, nhiều trường hợp đã được lọc máu nhưng tỷ lệ tử vong rất cao.

PGS Cường cảnh báo ngư dân vùng biển cần đặc biệt cảnh giác để không bị vi khuẩn xâm nhập. Ảnh: BVCC.

PGS Cường cảnh báo ngư dân vùng biển cần đặc biệt cảnh giác để không bị vi khuẩn xâm nhập. Ảnh: BVCC.

Vibrio vulnificus là một loại vi khuẩn sống ở vùng nước mặn, nước lợ. Những người dân có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch rất dễ nhiễm loại vi khuẩn này. Đây là loại bệnh cảnh dễ nhầm với các bệnh cảnh nhiễm trùng huyết khác như vi khuẩn liên cầu lợn, nhiễm não mô cầu, tụ cầu, liên cầu,... 

PGS. Cường khuyến cáo, người dân khi làm việc trong môi trường nước mặn nên có biện pháp bảo hộ như mang/mặc đồ bảo hộ, sử dụng các phương tiện phòng hộ thích hợp. Khi có các triệu chứng: xuất hiện tổn thương bọng nước hoại tử ngoài da, sốt, mệt mỏi… cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Các nhân viên y tế cũng cần được tập huấn dấu hiệu nhận biết bệnh do vi khuẩn Vibrio vulnificus gây ra để chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp.

Người phụ nữ 46 tuổi hoại tử bụng sau tiêm tan mỡ, thẩm mỹ viện nói do còn trinh
Sau hơn một tháng tiêm thuốc tan mỡ, người phụ nữ Đồng Tháp thấy bụng mình sưng to, nổi nhiều cục u thâm tím. Chị tìm tới cơ sở thẩm mỹ đã thực hiện...

Biến chứng khác

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác