Suy thận sẽ có nhiều biểu hiện ra ngoài cơ thể như phù mặt và tay chân, chán ăn, sụt cân… Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu này mới đi khám, đa số người bệnh đã ở giai đoạn muộn, thậm chí phải chạy thận.
Đang là lao động chính, bỗng thành “bà nội trợ” bất đắc dĩ
10h sáng, anh Nguyễn Văn Tươi (SN 1987, ở Hà Nội) có mặt tại khoa Nội thận tiết niệu (BV Đức Giang) để bắt đầu ca chạy thận nhân tạo. Anh cho biết, bất kể thời tiết nắng mưa, tuần nào anh cũng phải đến viện 3 lần để chạy thận, chỉ chậm một ngày có thể phải trả giá bằng cả tính mạng.
Anh Tươi mới chạy thận được vài tháng, nhưng bệnh tật tàn phá cơ thể anh khủng khiếp. Dù chưa đến 40 tuổi, nhưng khuôn mặt anh già nua, da sạm trông chẳng khác gì người ở tuổi 60. Điểm sáng duy nhất ở anh là sự lạc quan, vui vẻ với nụ cười luôn thường trực trên môi.
“Bệnh mắc thì đã mắc rồi, giờ ủ rũ, buồn rầu có giải quyết được gì đâu”, anh Tươi nói và cho biết, anh đang từ lao động chính, giờ trở thành “bà nội trợ” bất đắc dĩ, vì thế anh phải vui vẻ, tạo tiếng cười để người thân không phải lo lắng.
Anh Tươi chia sẻ về tình trạng bản thân trước khi vào ca chạy thận. Ảnh: Lê Phương.
Trước đây, anh Tươi là người khỏe mạnh, lao động tự do và ăn uống rất khỏe. Cách đây vài tháng, anh ăn không ngon miệng, nhìn thấy thức ăn là chán, có cảm giác nôn ọe nên bị sụt cân. “Ban đầu ai cũng bảo tôi nghén thay vợ, nhưng đi khám vợ tôi lại không có bầu, trong khi cân nặng tôi sụt nhiều quá nên ai cũng giục đi kiểm tra”, anh chia sẻ.
Kết quả thăm khám cho thấy, anh Tươi bị suy thận giai đoạn cuối, có chỉ định chạy thận ngay lập tức. Ngoài suy thận, anh còn bị tăng huyết áp nhưng không hề hay biết, chính việc huyết áp âm thầm tăng lên, không được kiểm soát là nguyên nhân dẫn tới suy thận.
Ông “vua thịt chó” cũng phải đầu hàng vì suy thận
Cũng nằm tại khoa Nội thận tiết niệu, ông Nguyễn Văn Thân (55 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) đã có thâm niên 6 năm chạy thận nhân tạo. So với anh Tươi, ông Thân nhìn bề ngoài khỏe mạnh hơn, với nước da hồng hào và đi lại khá linh hoạt.
Ông Thân chia sẻ, người chạy thận mà có được sức khỏe như ông rất hiếm. Ông thừa nhận rằng, muốn khỏe được trước hết phải có tiền để chăm sóc dinh dưỡng tốt, đồng thời vượt qua mọi nghịch cảnh để nâng cao sức khỏe. “Dù chạy thận nhưng bao năm nay, ngày nào tôi cũng đi bộ thể dục dù trời mưa hay nắng”, ông Thân chia sẻ.
Trước khi chạy thận, ông Thân là người buôn bán thức ăn chăn nuôi, đi giao dịch công tác khắp các tỉnh thành. Ông thừa nhận, vì công việc nên không tránh được việc ăn nhậu, món khoái khẩu nhất của người đàn ông này là thịt chó, đến mức cả khu phố bán thịt chó nổi tiếng ở Long Biên còn ví ông là “vua”, là “chiến thần” thịt chó vì ăn không biết chán. “Giờ vẫn thèm món đó (thịt chó), nhưng vì bệnh tật đành phải bỏ thôi”, ông Thân tâm sự.
Ông Thân cho biết, vì chủ quan với sức khỏe và ăn uống không kiểm soát nên thận bị suy nặng. Ảnh: Lê Phương.
Theo ông Thân, trước khi phát hiện suy thận giai đoạn cuối, sức khỏe ông bình thường, thi thoảng bị đau đầu, chỉ uống vài viên thuốc là khỏi. Khi cơn đau đầu ngày càng tăng, không còn đáp ứng với thuốc, ông Thân mới đi khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị suy thận giai đoạn cuối, buộc phải chạy thận nhân tạo. Nguyên nhân sâu xa khiến người đàn ông này bị suy thận cũng là tăng huyết áp, nhưng không được phát hiện và kiểm soát kịp thời.
“Đang là người kiếm được nhiều tiền, giờ trở thành con bệnh ngốn tiền của gia đình, tôi đã suy sụp tâm lý mất một năm. Khi ổn định lại, tôi mới chấp nhận việc ở nhà nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo để vợ đi kiếm tiền”, ông Thân chia sẻ.
Lời nhắn nhủ từ tâm can tới những người trẻ
Khi nằm trên giường bệnh chạy thận và nghe bác sĩ tư vấn, cả anh Tươi và ông Thân đều nhận thấy rằng, rất nhiều người giống như họ trước đây, đang bán sức khỏe cho “quỷ dữ” mà nhưng không hề hay biết. “Qủy dữ ở đây chính là đồ ăn, thức uống và thói quen sinh hoạt không khoa học hàng ngày”, ông Thân nói và cảnh báo, việc giới trẻ thức khuya, ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt nhiều như hiện nay sẽ là con đường dẫn tới bệnh viện nhanh nhất.
Ngoài ra, ông Thân cũng khuyên mọi người, dù đang khỏe mạnh, đang trẻ cũng hãy dành thời gian quan tâm đến sức khỏe của mình. Hãy khám sức khỏe định kỳ hàng năm, ăn uống lành mạnh, chịu khó vận động mới có thể phòng được suy thận và các bệnh lý khác.
Đồ ăn nhanh và nước ngọt sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thận. Ảnh minh họa.
Các bác sĩ cho biết, suy thận có nhiều nguyên nhân, trong đó suy thận do tăng huyết áp chiếm khoảng 65 - 85%. Tăng huyết áp và suy thận có mối quan hệ vòng xoắn bệnh lý.
Tình trạng huyết áp cao không kiểm soát kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp cao cũng phá hủy bộ lọc cầu thận, làm giảm chức năng thận.
Khi chức năng thận giảm, thận không thể loại bỏ các chất cặn bã, độc hại, dư thừa ra ngoài theo đường tiểu và nước sẽ ứ đọng trong hệ mạch máu khiến huyết áp càng tăng cao hơn. Người bệnh suy thận kèm huyết áp cao sẽ thúc đẩy bệnh tiến triển nặng hơn, có khả năng biến chứng suy thận mạn.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi