Chẳng khác gì những cô nàng “hot girl” muốn nổi tiếng bằng tai tiếng như ngày nay, Kitty Fisher – mỹ nhân đình đám thế kỷ 18 cũng chẩng ngại “khoe thân” chỉ để được nổi tiếng. Cuối cùng, cô lại phải nhận một cái kết đắng.
Catherine Maria "Kitty" Fisher, sinh năm 1741 trong một gia đình nghèo khó, được xếp vào cấp dưới của xã hội. Tuy nhiên, khi còn trẻ, cô đã biết tận dụng nhan sắc của mình để kiếm sống, từng bước dấn thân vào giới quý tộc nhờ qua lại với những người đàn ông giàu có như Trung tướng Anthony George Martin.
Cũng từ đây những quý ông giàu có bắt đầu để mắt tới Kitty. Giống như những người nổi tiếng ngày nay sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại để quảng bá hình ảnh của họ, cô gái trẻ Kitty cũng cố gắng khiến bản thân ngày càng nổi tiếng bằng cách hợp tác với các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn nhằm đưa hình ảnh của cô đến công chúng nhiều hơn.
Từng lưu truyền câu chuyện để minh chứng cho sự bất chấp tất cả nhằm nổi tiếng của Kitty. Tháng 3/1759, khi đang cưỡi ngựa trong Công viên St. James, cô đã bị ngã ngựa khiến váy phồng lên để lộ việc cô không hề mặc nội y bên trong.
Thay vì cảm thấy ngại ngùng, Kitty đã nhanh chóng lợi dụng cơ hội này để trở thành tâm điểm dư luận. Cô đã nhờ hoa sĩ nổi tiếng thời kỳ đó là Joshua Reynold (người chuyên vẽ chân dung cho Kitty) vẽ lại cảnh cô ngã ngựa với đàn ông vây quanh đang mải mê ngắm nhìn cô. Kitty thậm chí còn in thành nhiều bản nhỏ với đủ kích cỡ để phát ra cho mọi người.
Bản in Kitty ngã ngựa từng gây xôn xao.
Dù không vừa mắt các chị em nhưng đàn ông và các họa sĩ lại thích cô. Các nghệ sĩ đã bị mê hoặc bởi Kitty vì họ biết chân dung của cô sẽ thu hút đám đông đến với các tác phẩm của họ. Các quý ông cũng sẵn sàng mua những bản in nhỏ vẽ chân dung của Kitty để trong đồng hồ bỏ túi.
Sau một thời gian qua lại với bao đàn ông, năm 1766, Kitty kết hôn với John Norris. Kể từ khi lấy chồng, cô hoàn toàn thay đổi, chỉ tập trung xây dựng gia tài đổ nát của chồng và trở thành một thành viên được đánh giá cao trong xã hội địa phương vì những nỗ lực từ thiện cho người nghèo.
Đáng buồn thay Kitty đã không tận hưởng được cuộc sống mới lâu dài. Chỉ bốn tháng sau khi kết hôn, cô qua đời vào tháng 3 năm 1767 ở tuổi 26. Người ta nghi ngờ rằng cái chết của cô là do ngộ độc chì từ những thứ mỹ phẩm mà cô dùng.
Mỹ phẩm làm từ chì - sắc đẹp đi kèm tử thần
Phương pháp làm đẹp này đã có từ thời Hy Lạp cổ đại và tồn tại tới thập niên 1920, dẫn đến kết quả là ngành công nghiệp mỹ phẩm sản xuất nhiều mỹ phẩm chứa chì độc hại.
Để phấn son bám lâu vào da hơn, phụ nữ xưa đã bôi chì lên mặt và môi. Chất độc hại này đã gây ra tổn hại nghiêm trọng cho làn da, khiến da họ ngày càng xuống cấp. Khi đó, họ lại tiếp tục sử dụng ngày càng nhiều mỹ phẩm để che đậy cho làn da xấu xí, đặc biệt là phấn bột trắng. Vào thời đó, quan niệm về cái đẹp của tầng lớp quý tộc là phụ nữ phải có làn da trắng yếu ớt, xanh xao.
Cũng chính vì những loại mỹ phẩm độc hại này đã có rất nhiều phụ nữ thiệt mạng. Năm 1760, một phụ nữ quý tộc Anh có tên Marie Gunning, bà nổi tiếng vì sở hữu làn da “trắng như sứ” đã chết vì ngộ độc chì. Năm 1878, một phụ nữ có tên Rachel Russell làm nghề chăm sóc sắc đẹp, chuyên bán những sản phẩm có chứa hàm lượng chì cao cũng chết vì thường xuyên tiếp xúc với chì.
Ngày nay, chì cũng bị cấm sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm tuy nhiên vẫn còn tồn tại những mỹ phẩm giá rẻ.
Một số kim loại nặng như chì, thủy ngân, arsen, sắt, kẽm…. được tìm thấy trong rất nhiều các loại mỹ phẩm như son môi, sơn móng tay, kem chống nắng, kem che khuyết điểm, kem dưỡng ẩm, phấn má hồng,….
Các chuyên gia hóa học cho biết, chì là một chất cực kỳ độc hại đối với cơ thể, đặc biệt là làn da phái đẹp. Vì thế, mỹ phẩm không được phép chứa chì vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Những kim loại nặng này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nhiễm độc hệ thống sinh sản, hệ miễn dịch và cả hệ thống thần kinh trung ương.
Thông thường, tác hại của chì trong mỹ phẩm sẽ không biểu hiện ngay, nhưng về lâu dài sẽ thẩm thấu qua da, gây dị ứng cho làn da và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo các chuyên gia, nếu để chì trên da mặt quá lâu, da sẽ bị xấu đi khoảng 80% so với làn da ban đầu.