Bệnh nhân nhập viện do mệt, choáng và ngất, sau đó tỉnh rồi tiếp tục choáng sốc. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp gây rung thất, ngừng tuần hoàn.
Theo thông tin từ BVĐK tỉnh Hải Dương, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị B. (45 tuổi, ở Hải Dương) bị nhồi máu cơ tim cấp, ngừng tuần hoàn sau gần một tháng điều trị tích cực.
Đây là ca bệnh hi hữu, đặc biệt khó với tiên lượng tử vong rất cao, tuy nhiên với sự phối hợp đồng bộ giữa hai Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Chống độc và Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cùng sự hỗ trợ từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nên bệnh nhân đã được cứu sống, không để lại di chứng.
Bệnh nhân được cứu sống sau gần một tháng điều trị tích cực
Trước đó, khoảng hơn 11 giờ ngày 22/7, chị B. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhập viện do mệt, choáng và ngất, sau đó tỉnh rồi tiếp tục choáng sốc. Kết quả xác định chị B. trong tình trạng bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp gây rung thất, ngừng tuần hoàn.
Sau hơn 90 phút cấp cứu liên tục, người bệnh đã lập lại được nhịp tim, ổn định huyết động. Đến 13 giờ 35 phút, Khoa Cấp cứu báo cáo trực lãnh đạo bệnh viện để chuyển người bệnh lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ngày 24/7, người bệnh được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tiếp tục điều trị. Bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, thở máy hoàn toàn, tiên lượng vô cùng nặng, nguy cơ mất não sau cấp cứu ngừng tuần hoàn nhiều lần. Bệnh nhân được tiếp tục hồi sức não tích cực, chống nhiễm khuẩn và chăm sóc toàn diện, vận động trị liệu tích cực tại giường.
Ngày 29/7, chị B. đã tỉnh lại, cơ lực còn yếu và đã cai máy, rút ống nội khí quản thành công. Hiện tại, bệnh nhân đã được xuất viện.
7 cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim càng sớm càng tốt
Theo các chuyên gia y tế, không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ nhồi máu cơ tim xảy ra, tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ có thể tránh được góp phần hạn chế bệnh.
Có nhiều cách khác nhau để hạn chế nhồi máu cơ tim bao gồm:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng, hạn chế chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri; tăng cường hoa quả tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Giữ cân nặng lý tưởng: Những người thừa cân béo phì có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim. Vì vậy hãy duy trì cân nặng trong ngưỡng chỉ số khối cơ thể BMI 18.5-23.
- Tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, nước ngọt có ga: Vì tiêu thụ thức uống có cồn, hút thuốc lá và thường xuyên uống nước ngọt… là yếu tố có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Kiểm soát căng thẳng: Stress, lo lắng kéo dài có thể tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim, đặc biệt ở người trẻ. Một số cách kiểm soát căng thẳng có thể áp dụng như thiền định, tập yoga hoặc tập các bài thể dục nhẹ để cải thiện tinh thần.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nên duy trì khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần. Bệnh nhân có thể trao đổi thêm với bác sĩ về nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như biện pháp phòng ngừa cụ thể.
- Kiểm soát huyết áp và đường huyết: Bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường cần tuân thủ chế độ ăn uống riêng, tuân theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát nguy cơ.