Cặp vợ chồng ở Hà Nội phá thai 10 lần trong 5 năm, bác sĩ nghe xong lý do chỉ biết ngậm ngùi

DIỆU THUẦN - Ngày 19/06/2024 18:37 PM (GMT+7)

10 lần mang thai, lần nào chị Hà cũng bị ốm nghén nặng dẫn đến bị tụt huyết áp, ngất xỉu và phải nuốt nước mắt ký quyết định bỏ con, nếu không sức khỏe người mẹ sẽ ảnh hưởng.

Phải quyết định bỏ con vì không thể làm khác

Nạo phá thai là điều không nên, thậm chí bị pháp luật cấm nếu thai trong tử cung đã hơn 22 tuần tuổi, vì nó ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe phụ nữ. Thế nhưng, vì nhiều lý do một số người đành phải bỏ con trong nước mắt. Chị Nguyễn Thị Hà (40 tuổi, ở Hà Nội) là một người trong số đó.

Người phụ nữ sinh năm 1984 cho biết, năm 2006, vợ chồng chị sinh con gái đầu lòng. 3 năm sau, cả hai muốn sinh thêm con nên thả tự nhiên. Chị đậu thai ngay nhưng ốm nghén nhiều, ăn uống kém, nôn liên tục, thường xuyên tụt huyết áp, ngất xỉu. Vì ốm nghén ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng chị quyết định bỏ con khi thai nhi mới 6 tuần tuổi.

Lần nào mang thai chị Hà cũng bị ốm nghén nặng. Ảnh minh họa.

Lần nào mang thai chị Hà cũng bị ốm nghén nặng. Ảnh minh họa.

Liên tiếp 5 năm sau, chị Hà đậu thai thêm 9 lần nữa. Lần nào chị cũng cố gắng ăn uống tẩm bổ để giữ con. Mỗi lần vợ mang thai, chồng chị là anh Danh (45 tuổi) đều xin nghỉ việc để chăm vợ. Tuy nhiên, chị Hà bị tình trạng ốm nghén quá mức, khiến chị bị tụt huyết áp, ngất xỉu, phải nhập viện cấp cứu.

Cả 9 lần mang thai đó, vợ chồng chị Hà chỉ biết ôm nhau khóc khi phải ký vào quyết định bỏ con khi thai ở giai đoạn 6-7 tuần. “Vợ chồng tôi rất mong con. Quyết định dừng thai thật sự khó khăn. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho vợ, tôi không còn lựa chọn nào khác”, anh Dương chia sẻ, giọng như lạc đi.

Phụ nữ phá thai nhiều lần rất ảnh đến sức khỏe tâm sinh lý

Chị Hà cho biết, dù rất ám ảnh về những lần ốm nghén khi mang thai và những lần bỏ con trước, nhưng vợ chồng chị vẫn mong có thêm con, nhất là khi biết con gái rất mong có em, được chơi với em. Đầu năm 2021, vợ chồng chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản tại một bệnh viện tư ở Hà Nội tìm vận may một lần nữa.  PGS.TS.BS Lê Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát hiện chị Hà bị dính niêm mạc buồng tử cung, hai vòi tử cung (vòi trứng) thông không hoàn toàn, dự trữ buồng trứng của chị sụt giảm, cơ hội mang thai tự nhiên mong manh. Bác sĩ chẩn đoán chị Hà vô sinh thứ phát do hậu quả của việc nạo phá thai nhiều lần.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, nạo phá thai nhiều lần có thể làm phá vỡ chức năng của hệ thống thần kinh trung ương, gây rối loạn nội tiết, rối loạn kinh nguyệt, suy nhược thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ, giảm cảm giác trong quan hệ tình dục… từ đó giảm khả năng thụ thai. Ngoài ra, thủ thuật này còn làm thay đổi cấu trúc của buồng tử cung, vòi trứng, gây ra những tổn thương như tắc dính, ứ dịch tại các cơ quan này. Vì điều này khiến người phụ nữ khó mang thai tự nhiên, có thể dẫn đến tình trạng thai ngoài dạ con. 

PGS.TS.BS Lê Hoàng là người trực tiếp khám cho chị Hà. Ảnh: BVCC.

PGS.TS.BS Lê Hoàng là người trực tiếp khám cho chị Hà. Ảnh: BVCC.

Trường hợp may mắn có thai, buồng tử cung bị dính làm mất đi độ đàn hồi tự nhiên, không thể đáp ứng sự phát triển lớn dần của thai nhi. Thêm vào đó, nhau thai bám quá chặt vào tử cung nơi không có nội mạc, khi sinh nở làm tử cung tổn thương nặng hơn, gây băng huyết sau sinh, nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Hoàng cho biết, phụ nữ nạo phá thai ở độ tuổi càng sớm, số lần nạo thai nhiều, và tuổi thai càng cao càng tăng các biến chứng ở tử cung, gây vô sinh. Không ít trường hợp nữ giới không thể làm mẹ hoặc gặp những sang chấn tâm lý suốt đời.

Hạnh phúc khi được đón con trai năm rồng

Chị Hà được bác sĩ tư vấn kích trứng theo phác đồ cá thể hóa, sau đó chọc hút để trữ đông nhằm bảo tồn khả năng làm mẹ bằng trứng tự thân. Kết quả, bác sĩ chọc hút thu được 4 noãn và tạo được 2 phôi ngày 5. Sau khi sàng lọc phôi để tránh sinh con mắc bệnh di truyền thì có 1 phôi bất thường, 1 phôi bình thường được trữ đông.

Chị Hà cũng được sử dụng thuốc nội tiết giúp nội mạc tử cung phát triển dày hơn tạo điều kiện cho phôi thai bám dính, làm tổ thuận lợi và được phẫu thuật để xử lý tình trạng dính buồng tử cung trước khi chuyển phôi. Tháng 8/2023, vợ chồng chị quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và đậu thai.

Lần mang thai này chị Hà tái diễn tình trạng ốm nghén nặng như những lần mang thai trước, phải nhập viện điều trị từ tuần thứ 5 thai kỳ. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Công, Trung tâm Sản Phụ khoa, có khoảng 85% phụ nữ mang thai bị ốm nghén có biểu hiện buồn nôn, nôn. Mức độ có thể nặng, nhẹ tùy theo thể trạng của mỗi người. 

Các bác sĩ đang tiến hành chuyển phôi cho chị Hà. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ đang tiến hành chuyển phôi cho chị Hà. Ảnh: BVCC.

Trong đó, nghén nhẹ là trường hợp buồn nôn và nôn có tần số ít, chỉ khoảng 2 lần/ngày, cảm giác buồn nôn ít hơn 1 giờ. Nghén nặng là trường hợp buồn nôn kéo dài nhiều giờ liên tục, xuất hiện nhiều hơn 5 lần/ngày. Chị Hà thuộc nhóm 2% trường hợp nghén nặng, nôn nhiều khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, rối loạn toan kiềm, rối loạn điện giải, sụt cân nghiêm trọng. “Đây không phải là dấu hiệu nguy hiểm của thai yếu, thậm chí các thai phụ có dấu hiệu nghén thường có thai kỳ tốt hơn so với những người không nghén. Nhưng tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thai phụ, chất lượng cuộc sống và công việc”, bác sĩ Công chia sẻ.

Ngoài ra, nghén nặng còn có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng là bệnh não Wernicke (bệnh thần kinh cấp tính đặc trưng bởi chứng liệt mắt, mất điều hòa, lú lẫn). Một số trường hợp cần đình chỉ thai kỳ để hạn chế biến chứng cho mẹ.

Bác sĩ Công cho biết, chị Hà được dùng thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, kết hợp trị liệu tâm lý thường xuyên để vượt qua giai đoạn mang thai. Anh Dương cũng xin nghỉ việc để chăm vợ trong suốt quá trình mang thai. 

Tháng 4 vừa qua, chị Hà sinh con trai ở tuần thứ 35, nặng 2,1kg. Được ấp con trên ngực sau sinh, người mẹ nói bằng giọng hạnh phúc: “Thật may mắn, chúng tôi đã không bỏ cuộc. Bây giờ, vợ chồng tôi có được trái ngọt rồi”.

* Tên và địa nơi ở của người bệnh đã được thay đổi.

Trái ngọt của cặp vợ chồng ở Sài Gòn khỏe mạnh mang gene ẩn bệnh nguy hiểm, 4 lần rơi nước mắt ký đơn bỏ con
Sau 4 lần phải ký vào quyết định bỏ con, vợ chồng chị Tuyền mới biết cả hai cùng có gene ẩn liên quan tới bệnh lý xương thủy tinh.

IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nạo phá thai