Nguy hiểm việc thai phụ nhầm thoát vị đĩa đệm với đau lưng

Ngày 03/12/2016 10:08 AM (GMT+7)

Thoát vị đĩa đệm là chứng bệnh khá nhiều người gặp. Đặc biệt, phụ nữ mang thai là đối tượng chiếm tỷ lệ tương đối cao. Điều đáng ngại, không ít người chủ quan cho rằng đây chỉ là những cơn đau bình thường thời kỳ bầu bí mà không biết mình bị thoát vị đĩa đệm.

Nguy hiểm việc thai phụ nhầm thoát vị đĩa đệm với đau lưng - 1

Với thai phụ, điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cần thận trọng (ảnh minh họa).

Bệnh không chỉ xuất hiện ở người già

Chị Thu Anh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang mang thai tháng thứ năm. Gần đây, chị thường có cảm giác đau nhói, tê buốt dọc cột sống xuống đến vùng mông, đùi, rồi lan đến bắp chân. Ban đầu, nghe lời đồng nghiệp chia sẻ, chị chỉ nghĩ đây là chứng đau lưng thường gặp khi mang thai. Tuy nhiên, những cơn đau diễn ra ngày một thường xuyên hơn tới mức chị rất đau đớn, khó khăn khi di chuyển. Đi khám tại bệnh viện, chị được chẩn đoán mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.

Còn chị Mai Liên (ở Phủ Lý, Hà Nam) hiện mang thai tuần thứ tám. Bên cạnh niềm vui, chị còn thấp thỏm nỗi lo khi có tiền sử thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng từ năm 2008. Hồi đó, chị Liên đã được các bác sĩ chỉ định tiêm 2 mũi ngoài màng cứng và áp dụng phương pháp vật lý trị liệu nên không phải đối mặt với những cơn đau dữ dội vùng thắt lưng. Tuy nhiên gần đây, chị bị đau nhức trở lại, chị không dám vận động mạnh vì sợ làm tổn thương đĩa đệm. Tham khảo ý kiến chuyên gia, chị dự định tiến hành phẫu thuật nhưng cùng lúc đó lại có bầu. Chị Liên khá băn khoăn: Liệu có thể điều trị bệnh khi mang bầu và bệnh này có ảnh hưởng tới thai nhi hay không?

BS Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết: Thoát vị đĩa đệm (hay còn gọi là trượt đĩa đệm, nứt đĩa đệm) là bệnh xảy ra khi đĩa đệm bị mòn, vỡ, nứt và mất nước do cơ thể con người lão hóa hoặc chủ nhân gặp chấn thương ở vùng cột sống. Khi đó, nhân đĩa đệm trào ra ngoài, xâm nhập vào trong tủy sống, dẫn tới lồi đĩa đệm hoặc đĩa đệm bị chia thành nhiều mảnh, tạo lực ép lên các dây thần kinh liền kề và gây đau buốt nơi dây thần kinh bị chèn ép.

Bệnh thường xảy ra ở mặt trước hoặc mặt sau cơ thể, nếu diễn biến nặng có thể tạo ra những cơn đau buốt, tê bì ở cả mặt, hai chi dưới, thậm chí ở ruột và bàng quang. Nếu thoát vị vùng thắt lưng sẽ có triệu chứng đau lưng hoặc dọc dây thần kinh tọa, còn nếu thoát vị đĩa đệm vùng cổ sẽ gây ra đau và cứng cổ, lan ra vai và cánh tay.

Theo chia sẻ của các chuyên gia, nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai hay bị thoát vị đĩa đệm là do chị em tăng cân, lại tập trung ở vùng bụng, dẫn đến sự mất cân bằng trọng lượng cơ thể. Khi mang thai, lưng, cột sống, vùng xương chậu của phụ nữ phải chống đỡ nặng hơn. Tử cung to ra, trọng tâm cơ thể thay đổi, chèn ép các dây thần kinh, mạch máu ở phần lưng. Nhiều thai phụ lại đứng sai tư thế khi cố gắng gồng người về phía sau khiến phần lưng dưới bị kéo nặng.

Ngoài ra, còn có những yếu tố như sự gia tăng hormone, nội tiết tố, nồng độ estrogen và progesterone tăng cao khiến khớp và dây chằng lỏng lẻo, làm suy giảm chức năng nâng đỡ lưng. Tuy nhiên, do thường nhầm lẫn với chứng đau lưng thông thường ở phụ nữ mang thai, nhiều người có tâm lý chủ quan khi cho rằng, đây là bệnh lý chỉ xuất hiện ở người cao tuổi nên không đi thăm khám sớm. Lúc phát hiện thì bệnh đã nặng khiến quá trình điều trị khó khăn, phức tạp hơn.

Để làm dịu cơn đau

Theo BS Lê Anh Tuấn, có nhiều phương pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm như: Liệu pháp nhiệt -lạnh, nắn xương khớp, thuốc chống viêm không steroid, steroid đường uống, tiêm ngoài màng cứng, phẫu thuật, vật lý trị liệu, châm cứu bấm huyệt…

Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai và đang cho con bú, tiến trình điều trị cần thận trọng hơn khi chỉ áp dụng các phương pháp nhẹ nhàng mà không được dùng kháng sinh hay phẫu thuật vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Dưới sự chỉ dẫn và theo dõi định kỳ của bác sĩ, các thai phụ có thể áp dụng phương pháp nắn xương khớp giúp giảm áp lực lên đĩa đệm và dây thần kinh tọa. Bên cạnh đó, phương pháp bấm huyệt nhắm tới các dây thần kinh cũng có tác dụng làm dịu cơn đau.

Các bài tập thể dục dành cho vùng xương chậu và bụng dưới giúp tăng cường độ dẻo dai cho xương  khớp và cơ bắp, làm giảm bớt căng thẳng trên cột sống. Bài tập an toàn nhất cho phụ nữ mang thai bao gồm: Đi bộ, bơi lội, đạp xe,  tập yoga…

Để thuyên giảm cơn đau, thai phụ cần chỉnh sửa tư thế đứng, ngồi sao cho đúng. Khi ngủ, nên nằm nghiêng và sử dụng gối ôm hoặc đai đeo bụng để nâng đỡ phần bụng đang ngày một nặng nề. Massage, tắm nước ấm, chườm khăn nóng cũng là cách hiệu quả giúp thai phụ xoa dịu cơn đau. Chế độ ăn uống cần được điều chỉnh đủ dinh dưỡng, đặc biệt cần bổ sung thêm canxi.

Nếu không may bị thoát vị đĩa đệm khi đang mang thai, phụ nữ nên duy trì các bài tập thể lực nhẹ để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh. Thoát vị đĩa đệm không chỉ làm gián đoạn công việc, gây phiền toái cho sinh hoạt, quá trình mang thai mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi nếu không được chú ý. Vì vậy, ngay khi có triệu chứng, thai phụ cần đi khám ngay để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Khi bị thoát vị đĩa đệm vùng cột sống, thai phụ cần chú ý:

- Hết sức cẩn thận trong các hoạt động đi lại, làm việc, vận động, tránh các tác động và thay đổi tư thế đột ngột vùng cột sống thắt lưng.

- Có thể tập các bài tập thể dục, yoga tốt cho phụ nữ mang thai để tránh các triệu chứng đau nhức gây ra do bệnh và quá trình mang thai. Nên tập nhẹ nhàng và tập các bài tập phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ (3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối).

- Khi đau, có thể dùng ngải cứu sao rượu để chườm chỗ đau.

- Xoa bóp nhẹ nhàng vùng thắt lưng, đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ giúp giảm đau nhức và rất tốt cho thai nhi.

- Khám thai thường xuyên để đánh giá sự phát triển của thai nhi, đồng thời thai phụ cũng cần đánh giá sức khỏe tổng quát, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ để tiên lượng trước các vấn đề khi sinh đẻ. Tùy theo mức độ biểu hiện bệnh và sức khỏe của thai phụ mà các bác sĩ có chỉ định đẻ thường hay mổ đẻ.

- Trong trường hợp bệnh nặng, thai phụ có thể tham khảo phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền như dùng thuốc, xoa bóp bấm huyệt. Tuy nhiên việc điều trị này cần được tiến hành tại các bệnh viện và do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị hoặc điều trị ở những nơi không được cấp phép vì rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé, rất dễ dẫn đến động thai và sảy thai.

Theo Minh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đau lưng khi mang thai