Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau của cột sống, thắt lưng là hay gặp nhất.

Tổng quan

Bình thường cột sống có 23 đĩa đệm (5 cổ, 11 lưng, 4 thắt lưng, 3 chuyển đoạn). Đĩa đệm có hình thấu kính lồi hai mặt, gồm nhân nhầy, vòng sợi và mâm sụn. Nhờ có khả năng dịch chuyển sinh lý của nhân nhầy mà đĩa đệm đóng vai trò như một bộ phận giảm sóc, giúp chúng ta thực hiện được các động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay…

Càng về già thì các tổ chức cấu thành nên đĩa đệm càng trở nên xơ hóa dần. Mô đĩa đệm không thể tự tái tạo, nhân nhầy luôn có khuynh hướng chuyển dịch về phía đối diện với chiều vận động, trong khi đó lớp bao xơ hình thành nên vòng sợi mất dần tính liên kết với diềm xương. Sự cộng hưởng giữa quá trình lão hóa tự nhiên cùng với những tác động ngoại lực bên ngoài có thể khiến bao xơ bị nứt rách, nhân nhầy theo đó thoát ra bên ngoài và chèn ép rễ thần kinh, gọi là bệnh thoát vị đĩa đệm.

Nguyên nhân

Thoát vị đĩa đệm cấp tính có thể xuất hiện sau một chấn thương cột sống. Chấn thương cột sống mức độ nhẹ sẽ làm cho quá trình thoái hóa đĩa đệm diễn ra sớm hơn và nhanh hơn. Cho đến nay, các tác giả đều thống nhất cho rằng thoát vị đĩa đệm chủ yếu do hậu quả của bệnh lý thoái hóa cột sống. Trong bệnh lý thoái hóa cột sống thì đĩa đệm là thành phần bị thoái hóa đầu tiên, sau đó mới đến đốt sống, dây chằng cột sống và các khớp.

Những yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm bao gồm:

Cân nặng cơ thể: Thừa cân làm tăng gánh nặng cho những đĩa đệm cột sống thắt lưng dẫn đến tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống (TVĐĐCS) thắt lưng.

Nghề nghiệp: Những nhóm nghề nghiệp cần hoạt động thể lực nhiều, như thường xuyên phải mang vác nặng, đẩy hoặc kéo vật nặng, nghiêng hoặc vẹo cột sống sang bên... đều làm tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm.

Yếu tố di truyền: Một số người bị mắc thoát vị đĩa đệm có tính chất di truyền trong gia đình.

Dấu hiệu nhận biết

Tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị có thể có các triệu chứng khác nhau. TVĐĐ ở vùng cột sống thắt lưng hay gặp nhất (trên 90% các trường hợp TVĐĐ cột sống) gây đau thắt lưng cấp hay mạn tính, đau thần kinh tọa một hay cả hai bên, đau thần kinh đùi bì. TVĐĐ cột sống cổ gây đau cổ, đau vai gáy, đau cánh tay: hội chứng cổ - vai - cánh tay.  Bệnh thường phát triển theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn đau cấp: Là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát. Trong giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.

Giai đoạn chèn ép rễ: Đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn... nằm nghỉ thì đỡ đau. Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ. Ngoài ra, những thay đổi thứ phát của TVĐĐ như: phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính... làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.

Điều trị

Có 3 nhóm phương pháp điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm

Điều trị nội khoa: Nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt, kéo giãn, thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ.

Can thiệp tối thiểu: một số phương pháp như giảm áp đĩa đệm bằng hóa tiêu nhân, bằng ozon oxygen, laser, sóng radio …

Phẫu thuật: Những trường hợp nào cần phẫu thuật: những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 6 - 8 tuần, có biến chứng viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau kéo dài, thoát vị gây rách bao xơ, có mảnh rời di trú, gây chèn ép rễ thần kinh cấp tính …

Một số trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu để tránh  để lại những hậu quả xấu như liệt chân, rối loạn cảm giác tăng cảm, dị cảm, rối loạn tiểu tiện… Cụ thể:

- Thoát vị đĩa đệm cấp tính sau chấn thương

- Thoát vị đĩa đệm gây ra hội chứng đuôi ngựa

- Thoát vị đã gây liệt chân

Với những bệnh nhân được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cần lưu ý việc giữ gìn cho cột sống khỏe. Hạn chế lao động, mang vác nặng, sai tư thế, vận động cột sống quá mức… có thể gây thoát vị các đĩa đệm khác hoặc mất vững cột sống sau mổ. Người bệnh được điều trị kết hợp bằng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cột sống với những bài tập chuyên biệt cho cột sống.

Thay đổi lối sống phù hợp với bệnh lý

Sử dụng thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau không cần kê đơn cần được sử dụng một cách hợp lý để tránh việc sử dụng không đúng chỉ định. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi lựa chọn những thuốc giảm đau tác dụng mạnh hơn.

Sử dụng nghiệm pháp nhiệt: Trong những đợt cấp của bệnh có thể chườm lạnh để giảm đau và giảm phản ứng viêm của bệnh. Khi thoát khỏi đợt cấp, người bệnh có thể chườm ấm để giãn cơ và cho cảm giác dễ chịu hơn.

Tránh nằm quá nhiều: Nằm quá nhiều làm cho các khớp cột sống bị cứng và yếu cơ. Nên nằm nghỉ ngơi khoảng 30 phút sau đó đứng dậy đi lại hoặc làm một số công việc nhà. Cần tránh những tư thế gây đau cho cột sống.

Phòng bệnh

Tập luyện: Các bài tập làm khỏe khối cơ cạnh cột sống sẽ có tác dụng làm vững cột sống và tránh các bệnh lý đĩa đệm.

Duy trì tư thế tốt: Duy trì một tư thế tốt trong học tập, lao động và làm việc sẽ tránh được những sang chấn cho cột sống. Nên ngồi thẳng lưng và không nên giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Để nâng vật nặng, hãy gấp gối thay vì cúi lưng.

Duy trì thể trạng hợp lý: Cần duy trì cân nặng hợp lý với chiều cao để tránh áp lực cho cột sống.

Thông Tin Cần Biết

Điều trị thoát vị đĩa đệm ra sao?

Điều trị thoát vị đĩa đệm ra sao?

Để giảm thiểu khả năng mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, bạn có thể áp dụng những biện pháp đơn giản như tập thể dục, duy trì những tư thế tốt hay giữ cho cân nặng ổn định.

Bệnh xương khớp khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY