Nước dừa là đồ uống giải nhiệt vào mùa hè được mọi người rất yêu thích. Nhưng chắc chắn không ai có thể nghĩ ra những mặt trái của loại quả này.
Nước dừa được biết đến là loại trái cây, nước giải khát mùa hè có chứa nhiều vitamin, khoáng chất như kali, canxi, chloride tốt cho cơ thể.
Theo Đông y, nước dừa có tính hàn, tác dụng làm mát, giải nhiệt cơ thể. Không chỉ làm nước giải khát, nước dừa còn có tác dụng như làm đẹp da, tăng sức khỏe tim mạch, và được dùng để điều trị trong một số trường hợp như làm dịch truyền tại một số nước không có sẵn nước muối y khoa, làm nước điện giải trong trường hợp bị mất nước...
Tuy nhiên, báo Trí thức trẻ cho biết, việc lạm dụng nước dừa sẽ đem lại kết quả xấu gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Dễ gây sốc nếu uống khi đi nắng về hoặc tập luyện quá sức
Theo kinh nghiệm dân gian, nước dừa không phải loại nước có thể dùng để uống khi đi nắng về, vì dễ gây "trúng gió". Các triệu chứng thường gặp trong trường hợp này là ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt, thậm chí sốt cao. Đặc biệt, nếu vừa thi đấu thể thao hoặc làm những công việc nặng nhọc, mất sức, không nên vội vã uống nước dừa, vì sẽ làm cho chân tay buồn rũ, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh nhẹn.
Cũng theo Đông y, dừa có tính làm mát (ẩm, thấp), khi đi nắng về ta không nên ăn, uống nhiều vì "ẩm khốn tỳ", ẩm nhiều gây hại tỳ vị, đầy bụng, khó tiêu, người ớn lạnh, đặc biệt có hại cho đường tiêu hóa và lá lách.
Thay vào đó, nếu muốn giải khát bằng nước dừa, cần phải ngồi nghỉ cho cơ thể hồi phục năng lượng, uống nước dừa từng chút một và không uống quá nhiều.
Không uống nước dừa khi vừa đi nắng về. Ảnh minh họa.
Gây hại sức khỏe nếu uống quá nhiều
Một điều các bạn nên nhớ rằng, dù có yêu thích món nước dừa đến đâu nhưng cũng không nên uống quá nhiều.
Theo giải thích của GS.TSKH Bùi Quốc Châu, Giám đốc Trung tâm Diện chẩn điều khiển liệu pháp và xoa bóp Việt Nam, nước dừa rất có hại cho sức khỏe nếu uống nhiều với lượng 3 - 4 trái/ngày. Đặc biệt, với những người bị suy nhược cơ thể, huyết áp thấp, thể hàn hay lạnh thì tác hại này càng rõ rệt.
Đông y còn cho biết, nước dừa thuộc âm, có tính giải nhiệt, làm mát, nếu uống với lượng nhiều nhất định sẽ làm giảm huyết áp, mềm yếu gân cơ. Vì thế, nếu lạm dụng quá nhiều nước dừa hàng ngày sẽ làm sức khỏe suy yếu đi, huyết áp tụt xuống thấp, vô cùng nguy hiểm.
Tăng đường huyết
Theo thông tin ghi trên báo Sức khỏe và đời sống, dù không có nhiều đường như trong các loại nước tăng lực, sinh tố hoa quả nhưng nó sở hữu một lượng carbohydrate không nhỏ, nói đơn giản hơn là chứa nhiều calo.
Calo chỉ được coi là vô hại nếu ở mức thấp. Đây chính là nguyên nhân vì sao những người tiểu đường cũng như bệnh nhân huyết áp cao không nên sử dụng nước dừa quá thường xuyên.
Dị ứng
Nước dừa có thể gây dị ứng với một số người mẫn cảm với các loại hạt. Ảnh minh họa.
Về cơ bản, dừa cũng là một loại hạt cây, vì thế những người mẫn cảm với các loại hạt cũng có nguy cơ bị dị ứng.
Gây tăng cân
Nước dừa chứa carbohydrates cùng với chất điện giải. Hai chất này chắc chắn 'hoạt động' tốt hơn bất cứ loại thức uống nào với hương liệu nhân tạo và chất tạo ngọt. Nếu không tập luyện thể thao, chúng ta sẽ bị thừa lượng chất điện giải vô cùng lớn khi uống nó, kết quả là bạn bị tăng cân nhanh chóng. Đây quả là ác mộng đối với những bạn trẻ đang muốn giảm cân.
Những người không nên uống nước dừa:
Nếu bạn nằm trong số những đối tượng dưới đây, cần hạn chế uống nước dừa:
- Những người được bác sỹ Đông y chẩn đoán là có thể tạng dạng âm không nên uống nước dừa. Những người này thường cơ thể hơi yếu, da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, chân tay hay lạnh, ăn uống khó tiêu, chậm tiêu, dễ bị tiêu chảy...
- Những người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, thấp khớp, mệt tim do lạnh... là những bệnh thuộc thể hàn, nên kiêng nước dừa vì nước dừa cũng thuộc âm, tính hàn.
- Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.Thông thường, phụ nữ có thai thường thích uống nước dừa để con trắng trẻo. Nhưng thực tế, nước dừa chứa nhiều chất béo nên khó tiêu hóa, sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng ốm nghén của phụ nữ có thai 3 tháng đầu.