Nghe theo lời mách bảo, tôi ninh xương lấy nước nấu cháo cho con liệu có tốt không? Thắc mắc trên sẽ được Ths.BS Dương Thị Thủy - Chuyên khoa Nhi (Bệnh viện Medlatec) giải đáp.
Con em hiện đang đến tuổi ăn dặm, mọi người ở quê thường mách, khi nấu bột, cháo cho con thì ninh xương ống, chân gà sau đó lấy nước để quấy bột hoặc ninh cháo. Ăn như vậy con sẽ có nhiều canxi, tốt cho sự phát triển của xương, nhanh biết đi. Bác sĩ cho em hỏi việc làm này có tác dụng không để em thực hiện ạ.
Nhiều cha mẹ có thói quen ninh xương để lấy nước nấu bột cho con và tin rằng nước xương hầm rất giàu canxi, chứa tất cả những chất bổ nhất của thực phẩm. Vị ngọt của nước hầm xương giúp bé cảm thấy ngon miệng, dễ tiêu hóa và giúp xương chắc khỏe. Nhưng đây là một quan điểm hoàn toàn sai.
Đối với trẻ, việc sử dụng chất béo hợp lý là cực kỳ cần thiết cho sự phát triển. Mặc dù trong tủy xương có nhiều chất béo, nhưng đây là chất béo động vật, khó tiêu hóa. Nếu trẻ ăn nhiều, sẽ gây tiêu chảy hoặc phân sống.
Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng, giúp xương phát triển vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Trong xương có canxi nhưng đó là canxi vô cơ, cơ thể trẻ không thể hấp thụ được. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ còi xương, chậm mọc răng do thường xuyên chỉ ăn bột, cháo với nước hầm xương.
Việc ninh xương lấy nước nấu bột cho con để bổ sung canxi là sai lầm nhiều mẹ mắc phải.
Để phòng ngừa tình trạng còi xương, thiếu vitamin D đặc biệt là trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng, bệnh thận mạn... cha mẹ cần bổ sung cho con bằng một trong những cách sau:
- Bổ sung vitamin D liều hàng ngày 400-500 IU.
- Cho trẻ ăn sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và kéo dài ít nhất tới 2 tuổi;
- Bố sung các thực phẩm giàu canxi: sữa, trứng, tôm, cua, rau cải xoăn…
Chào bác sĩ! Con em hiện được 2 tháng tuổi, ở quê nhiều người nói rằng nuôi con nhỏ đến 3 tháng 10 ngày là phải lấy lá hẹ giã nát rồi dùng nước đánh lợi cho trẻ để lúc mọc răng không bị sốt. Hay trẻ chậm biết đi dùng con cá chuối (cá quả) đánh vào chân để nhanh biết đi hơn.
Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Trường hợp trẻ mọc răng rất hay bị sốt, vậy làm sao để hạn chế tình trạng sốt khi trẻ mọc răng ạ?
Lá hẹ có chứa các hoạt chất kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn mạnh.
Khi trẻ bắt đầu mọc răng, răng mọc trồi lên khiến nướu (lợi) bị nứt, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào gây nhiễm trùng và sốt. Do đó, khi rơ nướu bằng lá hẹ sẽ tiêu diệt vi khuẩn, chống nhiễm trùng và sốt cho bé. Ngoài ra, lá hẹ còn giảm đau, hạ sốt, giúp bé dễ chịu hơn trong thời điểm mọc răng sữa.
Tuy nhiên, nhiều mẹ truyền tai nhau rằng khi trẻ 100 ngày thì tưa nước lá hẹ vào nướu, trẻ mọc răng sẽ không bị sốt hay dùng con cá chuối đánh vào chân để trẻ nhanh biết đi hơn thì chưa một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó là đúng.
Một số lưu ý để khắc phục tình trạng sốt khi mọc răng ở trẻ gồm:
- Vệ sinh miệng lợi trẻ sạch sẽ;
- Đảm bảo đồ vật, bình sữa, tay trẻ luôn sạch;
- Cho trẻ ăn sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để trẻ có sức đề kháng tốt;
- Cung cấp đầy đủ sinh dưỡng cho trẻ.
|