Lâu nay truyền thông vẫn đưa tin bữa sáng giúp hạ mức cholesterol xấu, giảm nguy cơ thừa cân, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung. Vậy thực tế ăn sáng đều đặn có giúp cải thiện trí nhớ hay không?
Nữ sinh hốt hoảng sợ suy giảm trí nhớ do không ăn sáng
N.P.A, sinh viên năm cuối trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thói quen thức khuya và ngủ dậy muộn vào những ngày không đi học. Bởi vậy, P.A thường bỏ qua bữa ăn sáng. Theo chia sẻ của bạn thì việc bỏ bữa sáng giúp bạn có thêm thời gian ngủ và một phần tiết kiệm được khoản tiền. Thế nhưng, thời gian gần đây P.A có các dấu hiệu của suy giảm trí nhớ, đãng trí, thậm chí đôi lúc choáng váng và bủn rủn chân tay.
Lo lắng cho sức khỏe hiện tại, P.A lên mạng tìm kiếm thông tin về dấu hiệu bệnh và đọc được khá nhiều hệ lụy từ việc không ăn sáng. Trong đó, lưu tâm hơn cả là việc mất trí nhớ vì cơ thể không được nạp đủ năng lượng.
Tiến sĩ Từ Ngữ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam.
Tiến sĩ Từ Ngữ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, thậm chí còn quan trọng hơn các bữa ăn khác.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bữa ăn sáng có tác động lớn đến việc cơ thể hoạt động trong suốt thời gian còn lại trong ngày. Một bữa ăn sáng lành mạnh vừa giúp duy trì trọng lượng khỏe mạnh, vừa cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết để hoạt động hiệu quả. Ngoài ra không ít ý kiến còn cho rằng, việc ăn sáng đều đặn giúp cải thiện trí nhớ ở những người lao động trí óc quá nhiều?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu duy trì thói quen ăn sáng đầy đủ thì bữa sáng chính là bữa ăn cung cấp đáng kể lượng canxi, các vitamin thiết yếu và khoáng chất (vitamin A và vitamin C, kẽm và sắt) ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Ăn sáng đều đặn có cải thiện được trí nhớ?
Với quan niệm việc ăn sáng giúp cải thiện trí nhớ, chuyên gia dinh dưỡng Từ Ngữ cho ý kiến: “Không có việc ăn sáng đều đặn giúp cải thiện trí nhớ. Hiểu đơn giản nguyên lý hoạt động của cơ thể và trí não thì khi chúng ta thiếu năng lượng, đặc biệt là thiếu đường ở trên não để hoạt động. Bởi vậy, lúc này trí não bị tác động nên xảy ra hiện tượng tạm quên. Tuy nhiên, nếu ngay lúc đó, người bị tạm thời quên đó được nạp kịp thời lượng glucozo thì đầu óc và trí nhớ lại trở lại bình thường.
Trên cấu trúc bộ não con người có đến 80% trọng lượng của bộ não là lipid, trong bộ não thì 80% của lipit ấy lại là glucose, cấu tạo của bộ não, nếu thiếu lipid thì không hoạt động hoặc trí nhớ bị sao nhãng tạm thời. Việc quên nhớ, giỏi kém, không phụ thuộc vào chuyện ăn sáng”.
Thông qua những phân tích của chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta có thể thấy do không được ăn sáng đầy đủ nên con người bị thiếu lượng glucose - nguồn năng lượng cho hoạt động trí não.
Khi bị đau đầu, hạ đường huyết, ngất xỉu do bỏ bữa sáng, cách xử trí tốt nhất vào lúc này là dùng tạm một món nhẹ hoặc món có đường nhằm phục hồi lượng đường huyết bị mất đi. Bữa ăn nhẹ có đường huyết thấp giúp tăng cường trí nhớ, tâm trạng, sự tập trung và chú ý.
Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lạm dụng đường, việc sử dụng glucose để làm nguồn năng lượng cho cơ thể cần trong tầm kiểm soát. Nếu dùng bừa bãi rất có thể có nguy cơ bị ảnh hưởng từ quá trình glycation và oxy hóa của các gốc tự do do glucose tạo ra bất cứ mô nào trong cơ thể.
Việc tạo nên thói quen ăn sáng theo giờ giấc cũng phần nào ảnh hưởng đến năng lượng cơ thể con người. Theo tiến sĩ dinh dưỡng thì thời điểm ăn sáng phụ thuộc nhiều vào từng cá thể.
Ví dụ, đối tượng công nhân 6h vào ca thì phải ăn vào 5h – 5h30, học sinh 7h có mặt ở trường thì 6h-6h30 phải ăn, bố mẹ thì ăn vào 7h-7h30, còn những cán bộ về hưu thì ăn sáng vào 8h. Nhưng tuyệt đối không nên ăn sáng muộn đến 10h vì quá gần bữa ăn trưa, như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe.
Một số loại thực phẩm tốt cho bữa sáng
- Ngũ cốc nguyên hạt: Bột yến mạch, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc có ít nhất 5 g chất xơ và không quá 5 g đường.
- Sữa chua: Sữa chua hoặc sữa chua nguyên chất có thêm ít đường.
- Trứng, lòng trắng trứng và thêm rau để bổ sung chất dinh dưỡng.
- Trái cây.
- Hạt: Bạn hãy thử thêm hạt lanh, hạt chia hoặc hạt băm nhỏ vào bột yến mạch hoặc sữa chua, bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân trên bánh mì nguyên hạt với táo thái lát hoặc chuối.
- Bơ: Thử trên bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, với trứng hoặc lát cà chua ở trên.