Thịt lợn là món ăn phổ biến nhất trên mâm cơm của mỗi gia đình. Tuy nhiên, không phải phần thịt nào trên thân con lợn cũng là món ăn tốt. Phổi lợn chính là bộ phận bạn cần cảnh giác.
Phổi của lợn là nơi “bẩn” nhất, bác sĩ Ngô Cẩn chuyên điều trị ung thư tại Bệnh viện ung bướu Thượng Hải (Trung Quốc) đã nói rằng ăn quá nhiều phổi lợn có thể dẫn đến nguy cơ ung thư.
Tại sao ăn phổi lợn có thể dẫn đến ung thư?
1. Phổi lợn có thể bị nhiễm độc ở một mức độ nhất định
Nguyên nhân có thể là do lợn thường xuyên hít xuống đất hoặc những nơi kém vệ sinh trong chuồng, các chất thải trực tiếp được hít vào phổi. Việc xử lý phổi lợn không đúng cách trong quá trình chế biến cũng sẽ dễ làm tích tụ độc tố trong cơ thể sau khi ăn món này.
Ngoài ra, quá trình kiểm tra của các cơ quan chức năng Trung Quốc còn phát hiện trong con lợn có hàm lượng các chất tăng trọng (chất kích thích tăng trưởng trong quá trình chăn nuôi) dư thừa cao nhất là ở phần phổi lợn, tiếp theo sau đó là gan lợn, thận lợn, nội tạng và cuối cùng là thịt lợn.
2. Phổi lợn cũng chứa rất nhiều vi khuẩn và virus
Cũng giống như phổi của con người chúng ta, phổi lợn là cơ quan hô hấp và dùng để lọc không khí. Vì vậy, nếu lợn mắc bệnh ở phổi, phế nang đặc biệt dễ chứa ký sinh trùng, vi khuẩn và virus. Nếu ăn uống không cẩn thận có thể gây hại cho cơ thể, thậm chí có thể gây ung thư.
3. Phổi lợn còn chứa nhiều kim loại nặng
Phổi là cơ quan hô hấp, chứa nhiều phế nang dễ dàng tích tụ bụi bẩn trong màng phổi. Ngoài ra, do tập tính thích hít thở sát đất nên trong phổi lợn có một lượng lớn bụi bẩn. Khi hít thở, bụi cùng với các kim loại nặng sẽ đi sâu vào trong phổi và lắng lại trong đó. Người ăn phải sẽ vô tình nạp bụi, kim loại, thậm chí cả virus gây bệnh.
Hơn nữa, theo kết quả kiểm nghiệm, phổi chứa một lượng lớn độc tố đến từ chất tạo nạc và thành phần tăng trọng trong thức ăn, chiếm 60% trong toàn bộ thịt lợn. Do đó, chúng ta nên tránh ăn bộ phận này.
Những người dưới đây càng không thích hợp ăn phổi lợn
1. Người cao huyết áp
Phổi lợn là một trong những nội tạng động vật chứa hàm lượng chất béo bão hoà và cholesterol cao hơn nhiều so với thịt. Người bị cao huyêt áp tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu, có hại cho tim mạch và tăng huyết áp tăng cao hơn.
2. Trẻ nhỏ
Các cơ quan trong cơ thể của trẻ chưa hoàn thiện, nếu cho trẻ ăn phổi lợn rất dễ mắc các loại virus, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm độc, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, mua phổi ngoài chợ không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn các nguy cơ gây bệnh ung thư, não, giun sán, viêm cơ tim, viêm phổi…
3. Người bị cảm mạo
Phổi lợn chứa nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh, dễ lây sang cơ thể người nếu ăn phải. Bởi thế, khi bị cảm hoặc mệt mỏi, không nên ăn phổi lợn vì khó tiêu và không đảm bảo vệ sinh.
4. Người bị trĩ không nên ăn nhiều
Phổi lợn chứa một lượng độc tố được tạo ra bởi chất tạo nạc và những thành phần tăng trọng trong thức ăn chăn nuôi. Hơn nữa phổi cũng chứa lượng cholesterol cao, nếu người bị trĩ ăn nhiều sẽ gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, nóng trong và góp phần khiến bệnh thêm trầm trọng.
Nếu bạn muốn ăn phổi lợn, dưới đây là cách lựa chọn và chế biến để hạn chế gây độc:
Phổi lợn chết thông thường sẽ có những giọt nước căng phồng trên bề mặt phổi, dạng bong bóng nước, có mủ hoặc có những nốt lồi lõm. Nếu phổi lợn chứa nhiều kim loại nặng hoặc bụi thì màu sắc sẽ chuyển sang ghi xám, hoặc màu nâu. Nếu phổi lợn màu hồng, sáng bóng, độ đàn hồi tốt thì mới là phổi tươi ngon.
Muốn rửa phổi sạch, cần để nguyên lá phổi, đổ nước vào trong phổi theo mạch khí quản, xóc rửa phổi như rửa một cái chai, đổ đầy nước vào phổi rồi lại lắc bóp cho sạch nước. Làm như vậy sẽ giảm thiểu bụi bẩn, độc tố, kim loại nặng.Còn một cách rửa nữa là nhúng vào nước sôi. Thái phổi thành từng lát mỏng, đun sôi nước rồi chần phổi, chế biến theo nhu cầu.