Có những phần thịt lợn quen thuộc và được nhiều người yêu thích nhưng nếu xét về phương diện sức khỏe và dinh dưỡng thì 6 bộ phận sau đây bạn nên hạn chế ăn.
Thịt lợn không chỉ là nguồn cung cấp protein chất lượng cao mà còn rất giàu chất sắt, vitamin B2 và vitamin B12, rất hữu ích cho những người bị thiếu máu. Theo hướng dẫn về chế độ ăn uống của Trung Quốc, mỗi ngày mỗi người nên ăn từ 40 đến 75 gam thịt gia súc, gia cầm, có kích thước và độ dày bằng lòng bàn tay của một người.
Chuyên gia dinh dưỡng Cố Trung Nhất
Chuyên gia dinh dưỡng Cố Trung Nhất, Giám đốc Hiệp hội các chuyên gia dinh dưỡng Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ: Với tư cách là một chuyên gia dinh dưỡng, tôi phải nhắc nhở mọi người không nên ăn quá nhiều thịt lợn cùng một lúc và đặc biệt không ăn nhiều 6 bộ phận dưới đây của lợn, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Lòng lợn
Trong lòng lợn bao gồm cả phân, cặn thức ăn, vi khuẩn… nếu rửa sạch và nấu chín kỹ là có thể ăn được.
Tuy nhiên, lòng lợn chứa nhiều protein và cholesterol - những chất không tốt cho người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, cholesterol máu và rối loạn chuyển hóa. Thậm chí có nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do chế biến lòng lợn không đúng cách, do đó cố gắng ăn càng ít càng tốt.
2. Gan lợn
Chắc hẳn mọi người không còn xa lạ gì với món gan lợn, nhất là với những người bị thiếu máu do thiếu sắt thì ăn gan lợn cũng khá tốt. Gan lợn rất giàu sắt dễ hấp thu, đồng thời chứa vitamin A cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em.
Tuy gan lợn là món ăn bổ dưỡng nhưng nó cũng có thể là nơi tập trung các chất cặn bã gây hại cho sức khoẻ. Vì gan là bộ phận chuyển hóa các chất độc hại của cơ thể nên nếu con lợn bị bệnh thì gan nó sẽ chứa nhiều chất độc, mầm bệnh và rất nguy hại nếu bạn ăn phải loại gan này.
Hơn nữa, gan lợn chứa hàm lượng protein và cholesterol không hề thấp, những người mắc bệnh mỡ máu, huyết áp cao không nên ăn nhiều.
3. Phổi lợn
Phổi heo là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn và độc tố. Hơn nữa, heo thường có thói quen hít thở sát đất nên những bụi bẩn, ký sinh trùng, bệnh dịch sẽ lưu lại trong phổi và rất khó để đào thải, thanh lọc. Vì vậy, nếu ăn phổi heo không sơ chế đúng cách rất dễ bị ngộ độc hoặc nhiễm bệnh.
4. Thận lợn
Thận lợn chúng ta thường gọi là hoa thận. So với các cơ quan nội tạng khác, nó có hàm lượng selen cao hơn rất nhiều, hàm lượng vitamin B1, B2 và sắt cũng cao hơn. Nhưng chất béo và cholesterol ở thận lợn cũng không thấp, vì vậy tốt hơn là chỉ nên ăn 1, 2 lần/tháng.
Một số người cho rằng ăn thận có thể bổ thận, tăng cường sinh lực, điều này không có cơ sở khoa học.
5. Óc lợn
Sở dĩ óc heo tươi và mềm là do 3/4 là nước, không chứa chất bột đường và chất xơ, có 10% chất đạm và khoảng 10% chất béo nên rất tươi, thơm và mềm.
Tuy nhiên, óc lợn có hàm lượng cholesterol cao, trong 100g óc lợn có hơn 2500 miligam cholesterol. Các hướng dẫn về chế độ ăn uống và các hướng dẫn liên quan đến bệnh tim thường khuyến cáo rằng lượng cholesterol cả ngày kiểm soát trong vòng 300mg.
Nói cách khác, chỉ cần bạn ăn nhiều hơn 10g óc lợn, cholesterol có thể vượt quá tiêu chuẩn. Cholesterol trong máu cao dễ hình thành các mảng xơ vữa, dẫn đến các bệnh tim mạch.
6. Bì lợn
Protein trong bì lợn rất khó tiêu. Bì heo còn có hàm lượng dinh dưỡng rất thấp mà lại chứa nhiều cholesterol xấu sẽ gây ra bệnh tim mạch, cao huyết áp và béo phì.
Ngoài ra, nếu không được cạo sạch lông và chế biến sạch sẽ, bì heo sẽ mang nhiều ký sinh trùng và độc tố gây bệnh vào cơ thể người.